19 quận, huyện được phép bán hàng mang về
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến 18h ngày 15/9, có 19 quận, huyện chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng từ ngày 6/9, gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hoà và Tây Hồ. Chiều tối ngày 15/9, UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản số 3804/UBND-KGVX về điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Theo đó, TP cho phép các cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị đồ dùng học tập; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày tại các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng từ ngày 6/9. Như vậy, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội thì có 19 quận, huyện đáp ứng được tiêu chị của UBND TP.
Bên cạnh việc cho phép các dịch vụ, cửa hàng kinh doanh hoạt động trở lại, UBND TP cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo sự quản lý, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương. Thực hiện đẩy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc với nhân viên; thực hiện 5K; quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng; thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp. Chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định…
Phòng, chống dịch là tiêu chí hàng đầu
Theo ghi nhận của PV ngày 16/9, ở khu vực nội thành Hà Nội, tại một số tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… đã có nhiều cửa hàng đã tất bật lau chùi bàn ghế, dọn dẹp thiết bị, nổi lửa chuẩn bị những món ăn phục vụ khách mang về. Chia sẻ với PV, nhiều hộ kinh doanh bày tỏ sự tin tưởng vào chủ trương của TP. Chị Ngọc Liên, chủ cửa hàng bán bún riêu cua phố Tô Hiệu, Cầu Giấy chia sẻ, hơn một tháng nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, TP. Hà Nội yêu cầu nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ… tạm dừng hoạt động. Đó cũng là khoảng thời gian vợ chồng chị cùng 5 nhân viên rơi vào cảnh thất nghiệp.
Theo chị Liên, thời điểm không có dịch bệnh, quán của chị rất đông khách, vợ chồng chị và 5 nhân viên phải luôn chân luôn tay vẫn không phục vụ thực khách. Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến giờ, khách giảm xuống đáng kể, quán ảnh hưởng rất nhiều, không có thu nhập, phải cho nhân viên nghỉ không lương. Suốt những ngày vừa qua, vợ chồng chị Liên luôn theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội. “Chúng tôi rất vui khi TP cho phép mở lại nhà hàng, quán ăn được mở lại để mọi người có việc làm”.
Anh Minh, chủ một quán ăn trên đường Phạm Vũ Hàm (quận Cầu Giấy) chia sẻ, việc được nới lỏng hoạt động kinh doanh vào thời điểm này là hợp lý. Bởi hiện tại mọi người đã ý thức hơn trong việc phòng, chống dịch Covid-19 và dịch trên địa bàn Hà Nội cũng bắt đầu được kiểm soát tốt hơn. Vợ chồng anh đã dành hẳn buổi sáng để vệ sinh, chuẩn bị dụng cụ bán hàng. Không như những lần trước đây chỉ chuẩn bị bát, đũa, đĩa, lần mở cửa trở lại này, vợ chồng anh đã chuẩn bị thêm những hộp nhựa để đựng đồ ăn cho khách hàng đến mua mang về cũng như thuận tiện cho người giao hàng mang đi. Ngoài việc dọn dẹp, chuẩn bị nguyên liệu, cửa hàng anh Minh còn trang bị nước sát khuẩn, khai báo y tế, mã QR... để khách hàng khai báo đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo đúng quy định của UBND TP. Hà Nội. “Để đảm bảo phòng chống dịch, tôi cam kết tuân thủ những quy định, phòng, chống dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế”, anh Minh khẳng định.
Trái với tâm trạng vui mừng vì được nới lỏng của một số quận, huyện nằm trong "vùng an toàn", nhiều tiểu thương tại các vùng có nguy cơ cao đồng tình với việc TP cẩn trọng trong việc nới lỏng dần từng bước. Trước tâm trạng vui vẻ của nhiều tiểu thương thì cũng không ít người dân tỏ ra lo lắng. Bởi dù Hà Nội đã dần kiểm soát được các chuỗi lây lan nhưng là Thủ đô, trung tâm kinh tế - xã hội lớn bậc nhất của của cả nước thì nguy cơ dịch xuất hiện trở lại không phải nhỏ, nhất là khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương có nhiều hoạt động giao lưu, thương mại với TP.
Anh Long, quê Hải Phòng, chủ cửa hàng bún cá Hải Phòng (khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông) chia sẻ, thời gian giãn cách xã hội, những tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, bán hàng ăn uống như anh bị ảnh hưởng rất nhiều đến việc làm, thu nhập. Dù vậy, cá nhân anh Long vẫn mong TP siết chặt công tác phòng chống dịch tại vùng có nguy cơ cao để kiểm soát dịch được tốt hơn, chứ mở cửa ồ ạt lúc này rất đáng ngại.
Bà Nguyễn Thị Bầu (phố Nguyễn Thị Định, Cầu Giấy) chia sẻ, nghe thông tin TP nới lỏng dịch vụ ăn uống, tôi rất mừng. Tuy nhiên để an toàn cho cả khách và chủ cửa hàng thì việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về phòng, chống dịch là vô cùng quan trọng. Mặc dù, TP cho một số địa phương nằm trong vùng an toàn được nới lỏng một số dịch vụ nhưng vẫn yêu cầu phải đảm bảo tuân thủ công tác phòng, chống dịch. “TP đã từng "đóng" rồi "mở" các hoạt động dịch vụ ăn uống... nhiều lần do tình hình dịch bệnh. Niềm vui mở cửa lần này trọn vẹn, lâu dài hay không có phần rất quan trọng phụ thuộc vào chính sự tự giác, chủ động chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của mỗi người dân và tiểu thương”, bác Bầu trăn trở.
Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, sau khi TP quyết định nới lỏng một số hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn TP thì người dân "vùng đỏ" vẫn phải tuân thủ Chỉ thị 16/CT-TTg, còn ở "vùng xanh" việc kiểm soát giấy đi đường sẽ được điều chỉnh theo hướng thuận tiện hơn cho người dân, không phải xuất trình giấy đi đường.
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chu-cua-hang-vung-xanh-ban-hang-tro-lai-phan-khoi-nhung-khong-the-chu-quan-lo-la-259798.html