Tham gia tiếp đoàn đại diện Ngân hàng thế giới cùng Chủ tịch Nguyễn Trần Nam có ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch VNREA; ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký VNREA; ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cùng một số thành viên Hiệp hội.
Tại cuộc gặp mặt, ông Lewis J. Allen, đại diện Ngân hàng thế giới (WB) chia sẻ: “Mục đích cuộc gặp mặt hôm nay là cập nhật công tác hỗ trợ Hiệp hội về định giá tài sản. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn lắng nghe cập nhật thị trường bất động sản Việt Nam từ Hiệp hội cũng như những thông tin khác để chúng tôi có thể hỗ trợ”.
Chia sẻ sâu hơn về vấn đề thẩm định tài sản, ông Lewis J. Allen cho biết, WB đã thực hiện 3 khoá học về đánh giá tài sản. Bên cạnh đó cũng hỗ trợ nhiều đơn vị định giá tài sản. Những nội dung thẩm định này hầu như đều diễn ra thực tế tại Việt Nam.
Tuy nhiên trong quá trình hỗ trợ, một trong những phát hiện của WB là không phải thẩm định viên nào cũng hiểu rõ và có thể diễn giải những báo cáo trong thẩm định tài sản. Vì vậy, WB đang trao đổi với Bộ Tài chính để có thể hỗ trợ, tăng năng lực của thẩm định viên nhằm nâng cao công tác thẩm định theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thêm nữa, lý do WB gặp Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là WB đang quan tâm đến dữ liệu thông tin thị trường bất động sản Việt Nam trong đó có loại tài sản phức hợp đang xây dựng cơ sở dữ liệu, WB muốn nghe ý kiến từ VNREA để có thể đóng góp và hỗ trợ.
Chia sẻ với đại diện WB, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam cho hay: “Trước hết xin cảm ơn WB vì đã có hỗ trợ trong việc làm sạch thông tin thị trường cũng như cách quản lý tài sản. Trước đó cũng đã có 2 đoàn của WB đến làm việc với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam”.
Nội dung đầu tiên, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam chia sẻ thông tin về VNREA, đây là tổ chức quy tụ rất nhiều các doanh nghiệp bất động sản lớn tại Việt Nam; hàng ngàn hội viên môi giới bất động sản; các nhà quản lý vận hành toà nhà chung cư, văn phòng; bao gồm một số nhà tư vấn, định giá và luật sư. Các hội viên của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thường xuyên tập hợp để trao đổi kinh nghiệm, liên doanh, liên kết.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thường xuyên tập trung phản biện các cơ chế chính sách của Chính phủ, Hiệp hội thường xuyên được các bộ, ngành mời tham gia trong quá trình soạn thảo các nghị định, bộ luật và cũng thường xuyên có góp ý với Chính phủ, Quốc hội để đưa ra những vấn đề phù hợp với thông lệ quốc tế và Việt Nam.
Chia sẻ về thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, ông Nam nhấn mạnh: “Một điều đáng tiếc là thông tin thị trường là một trong nhưng điểm yếu của thị trường bất động sản Việt Nam. Thông tin rất ít và không chính xác. Các kênh thu thập thông tin qua báo cáo với nhà nước, với Hiệp hội mặc dù đã được quy định rất rõ trongLuật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản nhưng trên thực tế còn triển khai rất kém.Hiện nay vẫn có báo cáo thị trường của các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài nhưng những báo cáo này mang tính cục bộ và hướng về lợi ích của doanh nghiệp, không khách quan, mang tính toàn diện. Do đó, việc điều hành, phản ứng của Chính phủ với thị trường, chiến lược của doanh nghiệp, quyết định mua bán của người dân rất là cảm tính và đôi khi theo tin đồn”.
Để khắc phục tình trạng này, Hiệp hội Bất động sản Việt Namđã uỷ quyền cho chi hội Môi giới Bất động sản Việt Nam có báo cáo về thị trường theo quý. Báo cáo này đưa thông tin về tất cả các thị trường, phân khúc, chủ yếu là về mức giá và sản phẩm đầu ra.
Gần đây VNREA có kết hợp với Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) để phối hợp, trong đó phía Nhà nước cung cấp thông tin về số dự án được cấp phép, thông tin quy hoạch để có thể dự báo về nguồn cung cầu trong ngắn hạn để công bố hằng quý, kỳ vọng trở thành kênh thông tin chính thức đáp ứng yêu cầu của chính quyền trong công tác quản lý, giúp ích cho doanh nghiệp trong việc định hình chiến lược cũng như hướng dẫn người dân có quyết định mua bán chính xác. Đặc biệt là cung cấp thông tin cho báo chí để cung cấp chính xác nhất thông tin cho thị trường, với mục đích ổn định thị trường.
“Bắt đầu từ quý III/2019, VNREA sẽ cung cấp thông tin chính xác về đầu vào và đầu ra của sản phẩm trên thị trường”, chủ tịch Nam cho hay.
Nôi dung thứ hai, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam chia sẻ về thị trường bất động sản Việt Nam. Trong đó có nội dung về siết tín dụng thị trường bất động sản. Chính phủ đặt trọng tâm trong việc giữ ổn định an ninh tiền tệ, tài chính cho nên chính sách tín dụng càng ngày càng siết chặt cho thị trường bất động sản. Tốc độ tăng tín dụng ngày càng giảm và tăng trưởng âm. Theo ông Nam, siết tín dụng là đúng song phải làm sao để có sự phối hợp giữa Nhà nước, Ngân hàng, Hiệp hội để ổn định thị trường chứ không phải mạnh cơ quan nào cơ quan đó đưa ra chính sách. Do đó, chính sách hiện nay đôi khi giật cục, không dựa trên các thông tin chính xác.
Ngoài ra, các chính sách thuế đôi khi được đưa ra làm ảnh hưởng tiêu cực đếnthị trường và sự phát triển của doanh nghiệp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường không có kế hoạch sử dụng đất hàng năm thế nào cho phù hợp để phát triển thị trường nhà ở.
Ông Nam cũng cho hay, ở thời điểm hiện nay, thị trường bất động sản đang rơi vào một thời kì suy thoái, khác cuộc khủng hoảng vào năm 2010 - 2011. Thời gian đó, số lượng dự án rất nhiều, giá được đẩy lên cao nhưng không có người mua. Do đó dư nợ của ngân hàng biến thành nợ xấu, những tài sản thế chấp của ngân hàng 70 - 75% là dùng bất động sản thế chấp và khi thị trường khủng hoảng, giá thấp thì tài sản tụt giá dưới mức cho vay.Trong khi giai đoạn này sức mua của người dân rất lớn, chỉ số tiêu dùng tốt, đặc biệt người Việt Nam rất thích mua nhà, 95% người dân Việt Nam sở hữu nhà. Dự báo nửa cuối năm 2019 và sang năm 2020 là thiếu hàng hoá để bán. Bởi số dự án đi vào khởi công, xây dựng ít hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Do chính phủ Việt Nam siết lại việc tuân thủ pháp luật về đất đai, xây dựng. Đặc biệt, các thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM là gần như không có dự án mới.
“Đáng lẽ phải phân loại các thị trường, các loại sản phẩm, có phân khúc phải siết chặt nhưng cũng có phân khúc nên để thị trường quyết định”, ông Nam chia sẻ.
Ở một khía cạnh khác, theo ông Nguyễn Trần Nam, thị trường cũng có điểm sáng tích cực, thứ nhất là ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Mỹ - Trung vốn FDI vào Việt Nam tăng gần gấp đôi, chủ yếu từ Trung Quốc, kéo theo đó nhu cầu văn phòng tăng, bất động sản công nghiệp tăng giá, nhu cầu lớn.Bên cạnh đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng có nhiều điểm sáng khi khách du lịch tăng trưởng trong 3 năm liên tục, vượt xa các dự báo. Các loại hình khách sạn,resorttăng trưởng cao về tỷ suất thuê phòng.
Nhu cầu nhà cao cấp, bình dân, giá rẻ vẫn lớn, tổng điều tra dân số cho thấy diện tích nhà ở/người vẫn còn rất thấp. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà. Các doanh nghiệp cũng có thể làm các dự án nhà ở xã hội nhưng dù có hạ giá thấp người nghèo vẫn khó mua nhà. Do đó ngân hàng, nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ để họ mua nhà.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đặc biệt cho hay: “Chúng tôi vừa có kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước, vì thiếu sản phẩm nhà, căn hộ nên người dân chuyển qua mua đất. Trong khi, phát triển nhà ở chung cư giúp các ngành vật liệu xây dựngđi theocòn mua bán đất lại không kéo theo ngành nghề nào. Họ mua đất để đó đợi lên giá sẽ bán vừa gây ra khủng hoảng thị trường vừa không giúp ích cho kinh tế. Theo đó, hạn chế cho vay là hạn chế vào mua đất thay vì hạn chế cho vay mua nhà”.
Trước những vấn đề hiện nay của thị trường, ông Nguyễn Trần Nam mong đại diện WB có những ý kiến trao đổi với Chính phủ, Nhà nước. Bên cạnh đó, nên mở rộng khoá học tới cán bộ Bộ Xây dựng, Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, thành viên VNREA để có thêm kỹ năng và cách đánh giá tài sản…
Phía WB cũng chia sẻ việc Bộ Tài chính đang có dự án thu thập thông tin dữ liệu, Hiệp hội Bất động sản có chia sẻ như thế nào. Chủ tịch Nam cho hay, mới đây Nghị định 117 của Chính phủ quy định các đơn vị liên quan đánh giá chỉ số bất động sản. Bộ Xây dựng đã bước đầu triển khai xây dựng phần mềm, trang bị cho các sở để tập hợp số liệu xử lý. Nếu Bộ Tài chính lại làm thì sẽ lãng phí. Thay bằng cách đó, nên hỗ trợ với Bộ Xây dựng, thêm một nguồn ngân sách để trang bị thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Ngoài ra, ông Nguyễn Trần Nam cùng ông Lewis J. Allen trao đổi sâu về cách thu thập thông tin dữ liệu thị trường, cùng những thông tin khác để có thể hỗ trợ WB trong những kế hoạch tiếp theo tại Việt Nam.
Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/chu-tich-hiep-hoi-bat-dong-san-viet-nam-gap-mat-dai-dien-ngan-hang-the-gioi-38103.html