Thời điểm này, các thí sinh của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đang trong qua trình làm hồ sơ đăng ký dự thi. Đặc biệt, quá trình đăng ký này các thí sinh sẽ đăng ký lựa chọn dùng kết quả để tuyển sinh vào đại học.

Điểm khác biệt với mọi năm có thể đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp, năm nay, thí sinh chỉ được đăng ký một trong hai tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Tại Quy chế kỳ thi cũng nêu rõ: "Các đối tượng dự thi phải đăng ký dự thi và nộp đầy đủ các giấy tờ, đúng thủ tục, đúng thời hạn", các thí sinh cần lưy ý xem kỹ lưỡng các quy định, tránh trường hợp để xảy ra sai sót. Về nguyện vọng xét tuyển, thí sinh có thể đăng ký không giới hạn số lượng.

Như vậy, so với các năm trước, kỳ tuyển sinh đại học năm 2020 sẽ vẫn giữ quy định mỗi thí sinh được chọn nhiều nguyện vọng xếp theo thứ tự từ nguyện vọng 1 (cao nhất) đến các nguyện vọng tiếp theo. Tuy nhiên, thí sinh cần cân nhắc cơ hội của mình, bởi việc được đăng ký nhiều nguyện vọng đồng nghĩa với tăng cơ hội trúng tuyển, song nếu không sắp xếp hợp lý sẽ dễ bị rối, đặc biệt là chọn sai trường, sai nghề.

Năm 2020, thí sinh được đăng ký xét tuyển vào nhiều trường đại học.

Nhiều năm tham gia công tác tư vấn tuyển sinh, TS. Phạm Mạnh Hà - chuyên gia tư vấn hướng nghiệp cho biết, được đăng ký nhiều nguyện vọng là tăng cơ hội, nhưng thí sinh cũng không nên quá chú ý đến nhiều nguyện vọng mà phải cân đối làm sao để vừa chọn được đúng nghề nghiệp, lại có thể trúng tuyển vào các trường phù hợp với khả năng (điểm thi) của mình.

"Trước tiên, thí sinh cần lựa chọn các ngành nghề phù hợp với bản thân, có năng lực, sở trường và yêu thích với nghề nghiệp đó. Sau đó, lựa chọn những trường có đào tạo các ngành nghề đó để đăng ký nguyện vọng. Ở nguyện vọng 1 là trường có mức điểm chuẩn mà mình dự báo có khả năng đỗ, ở nguyện vọng 2 và tiếp theo là những trường mình có thể đỗ hoặc thừa điểm" - TS. Phạm Mạnh Hà tư vấn.

Một lưu ý đối với thí sinh năm nay, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, việc đăng ký nguyện vọng 1 ở những trường "tốp đầu" rất quan trọng, bởi phần lớn các trường này đều tuyển đủ chỉ tiêu ở ngay đợt 1, do đó chỉ có tuyển bổ sung mới lấy đến nguyện vọng 2. Ngoài ra, thí sinh cần lựa chọn 3 trường/nhóm trường, đó là nhóm trường cao hơn năng lực trung bình của thí sinh một chút; nhóm trường hoàn toàn phù hợp với năng lực của thí sinh và nhóm thấp hơn so với năng lực để phòng những "rủi ro" khi thi cử.

Quy chế tuyển sinh không hạn chế số nguyện vọng nhưng thí sinh cần cân nhắc, xem xét kỹ từng nguyện vọng trước khi đăng ký. Nguyên tắc là phải bảo đảm các nguyện vọng đăng ký phù hợp năng lực của mình nhưng cũng là những ngành mình yêu thích, để khi đã trúng tuyển không phải cân nhắc việc có nên nhập học hay không. Nếu chọn sai ngành nghề, sẽ gây tâm lý chán nản, bỏ dở giữa chừng gây lãng phí thời gian, tiền bạc của gia đình.

Theo Quang Anh/Gia đình & Xã hội