Sự việc cô giáo im lặng trên bục giảng đã kéo dài tận 4 tháng nhưng ngoài lớp 11A1 không hai hay biết, chỉ đến khi một em học sinh trong lớp uất ức và bật khóc trong chương trình đối thoại thì lãnh đạo ngành mới vỡ lẽ.

Học sinh chia sẻ trong buổi đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM.

Học sinh chia sẻ trong buổi đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM.

Lý do khiến cô giáo im lặng suốt gần 1 học kỳ trên bục giảng dẫu chưa được tiết lộ và không biết nguyên do từ phía nào nhưng nếu là một nhà giáo thì cô đã hoàn toàn thực hiện sai nhiệm vụ.

Nghề giáo được gọi là "nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý" vì nó thực hiện nhiệm vụ cao cả là trồng người, trồng nên giá trị đạo đức tốt đẹp. Có những học sinh "nhất quỷ, nhì ma" mới cần người thầy để cảm hóa các em bằng cái tình của riêng mình. Cô từ chối giảng bài vì một vài học sinh cá biệt thì có nghĩa cô đã làm sai công việc "trồng người".

Nguy hiểm hơn, trong 4 tháng trời, có những em học sinh đã "học được" sự u uất, bực bội, có thể đã hình thành những hành vi nguy hiểm trong tâm hồn trong trắng thơ ngây.

Hơn nữa, nghề giáo là một nghề lấy tiếng nói để truyền đạt kiến thức cho các em học sinh, cô giáo không dạy ở môi trường khiếm thính, cô bỏ mặc học sinh suốt 4 tháng vì bất cứ lý do gì cũng đều không chính đáng.  

Trong 4 tháng quan trọng đó, các em đã không được trao cho những kiến thức trọn vẹn mà còn phải tự học, tự mày mò với quyển sách giáo khoa, với bảng đen phấn viết. Liệu các em có còn tâm trí nào để suy nghĩ, để sáng tạo và tìm kiếm cách giải hay cho một bài toán khó nếu nhìn lên bục giảng cô giáo cứ như người vô hình?

Cô giáo Trần Thị Minh Châu.

Cô giáo Trần Thị Minh Châu.

Nào các em có yêu cầu đâu sâu xa, sáng kiến này kinh nghiệm nọ, chỉ cần “được dạy dỗ bình thường như các bạn thôi cũng được, như vậy cũng đã quá đủ với tụi con rồi” như lời của nữ sinh lớp 11A1 khiến nhiều người phải suy nghĩ về vai trò của cô giáo.

Kiến thức môn toán lớp 11 vô cùng quan trọng khi có đến 40% câu hỏi trong đề thi THPT Quốc gia hằng năm nằm ở cấp lớp này. Vô tình, cô giáo đã tước luôn cả quyền phát triển kiến thức và cơ hội học tập của các học sinh lớp 11A1. Rồi tương lai của học sinh ai sẽ ghánh chịu?

Rồi biết đâu học sinh tự nhiên lại học cái thói vô cảm ấy, học cái lạnh lùng ấy trên bục giảng thì xã hội sẽ đi đến đâu? 

Nhiều thầy cô giáo ca thán nghề giáo lương bạc bẽo, nghề giáo vất vả soạn bài thâu đêm nhưng khi những người đứng trên bục giảng không coi nghề là nghiệp của chính mình, đứng trên bục giảng không đặt tình cảm, không nỗ lực thì làm sao có thể lay động trái tim của học sinh và truyền kiến thức đến các em?

Thiết nghĩ, giáo dục đang tập trung cải cách rất nhiều điều nhưng lại chỉ chú trọng mặt ngoài, trong khi đạo đức học đường đang xuống cấp trầm trọng. Ngày hôm nay tin tức bạo lực học đường, ngày mai lại tin tức cô giáo bị bắt phải quỳ gối, ngày sau là cô giáo lặng im trên bục giảng,...

Cải cách giáo dục chỉ thành công khi vai trò của thầy cô giáo và học sinh được thực hiện đúng đắn. Thầy cô giáo phải làm tốt công việc giảng dạy của mình, thì học trò mới có thể học được những điều đúng đắn và trân quý cho một xã hội tốt đẹp mai sau.

Theo An Bình/Reatimes.vn