Xu hướng phát triển công nghiệp bền vững
Việt Nam đang ở cửa ngõ của sự phát triển công nghiệp với nhiều tiềm năng để vươn xa hơn trong bản đồ thế giới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp của nước ta cần nhìn vào bài học thực tế từ những nước khác trong khu vực và trên thế giới để tránh đi vào vết xe đổ. Việt Nam cần coi yếu tố “xanh” như là một điều kiện cần thiết trong phát triển công nghiệp.
Có thể thấy, Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Cách đây 30 năm, cường quốc này cũng sở hữu nhiều lợi thế nổi trội trong khu vực giống Việt Nam. Chính quyền Trung Quốc đã tận dụng triệt để những thế mạnh sẵn có để tăng cường thu hút vốn đầu tư FDI trong nhiều ngành nghề, bao gồm sản xuất, chế tạo và xuất khẩu.
Tuy nhiên, điều này đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức báo động đỏ tại Trung Quốc trong giai đoạn 2015 - 2017. Trên báo đài địa phương và quốc tế đã xuất hiện hàng loạt bài báo về việc Thủ đô Bắc Kinh chìm trong khói bụi và sương mù được tạo ra bởi nhiều nhà máy sản xuất tại các khu vực lân cận. Để xử lý thực trạng ô nhiễm này, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và tạo ra lượng khí thải cao. Đây là bài học kinh nghiệm mà Việt Nam cần lưu tâm.
Để đạt được kết quả bền vững trong ngành công nghiệp, phần nhiều nỗ lực sẽ đến từ chủ trương và quyết định của Chính phủ. Hiện tại, tất cả các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam đều phải báo cáo về: Môi trường, xã hội và quản trị (ESG) hàng năm. Yêu cầu này bắt buộc các công ty công bố hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như đo lường chính sách lao động và nhân quyền của nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hiện nay đang chuyển hướng, ưu tiên vốn đầu tư vào lĩnh vực chế tạo - sản xuất công nghệ cao và “sạch” hơn. Đây là những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như: Sản xuất, lắp ráp thiết bị, linh kiện điện tử.
Đồng thời, cần hạn chế các ngành nghề truyền thống như: Dệt may nhuộm, gia công giày da, sản xuất pin, ắc quy đang sử dụng công nghệ lạc hậu và lỗi thời. Đây là những lĩnh vực sử dụng nhiều hóa chất và thải ra nhiều chất độc hại, gây ảnh hưởng trực tiếp tới công nhân cũng như môi trường xung quanh. Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra những chính sách khuyến khích việc đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế như: Điện gió, điện mặt trời, nhiệt điện hay thủy điện.
Lợi ích và thách thức đối với các doanh nghiệp, đơn vị phát triển bất động sản
Hiện nay, xu hướng phát triển bền vững hay công nghiệp xanh cũng đang trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Đầu tháng 3/2022, tập đoàn sản xuất đồ chơi trẻ em LEGO của Đan Mạch đã chính thức có mặt tại Việt Nam với dự án xây dựng nhà máy sản xuất với tổng mức đầu tư 1,06 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương. Thương vụ của tập đoàn sản xuất đồ chơi trẻ em đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư “sạch” vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều đơn vị phát triển bất động sản công nghiệp chú trọng vào yếu tố về môi trường. Đầu tiên, việc áp dụng mô hình xanh sẽ giúp họ kiểm soát và duy trì được hệ thống kỹ thuật trong khu công nghiệp.
Ví dụ một khu công nghiệp với quy mô khoảng 150 - 200ha sẽ có công suất của hệ thống xử lý nước thải vào khoảng 4.000m3/ngày đêm, hệ thống này phục vụ cho toàn bộ các nhà máy trong khu công nghiệp. Trong khi đó, một nhà máy sản xuất linh kiện ô tô với quy mô khoảng 30.000m2 yêu cầu xử lý từ 300 - 500 tấn rác thải mỗi ngày. Lượng rác thải này chiếm đến hơn 10% công suất của hệ thống.
Để tránh việc tắc nghẽn hệ thống do quá tải, nhà vận hành tại các khu công nghiệp thường yêu cầu doanh nghiệp chia sẻ về quy trình sản xuất và nguyên vật liệu đầu vào. Từ đó, chủ đầu tư có thể đánh giá mức độ phù hợp của ngành sản xuất đó tại khu công nghiệp của mình. Bên cạnh đó, họ cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống xử lý riêng trước khi hoà vào hệ thống chung. Việc quá tải sẽ dẫn đến tình trạng tồn đọng rác thải, gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt của các khu vực dân cư lân cận cũng như dẫn đến sự đình trệ của quá trình sản xuất toàn khu.
Tiếp theo, khu công nghiệp sạch và hiện đại là một trong những phương án nhằm thu hút nguồn lao động chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp đang chú ý hơn đến việc phát triển đồng bộ hạ tầng nội khu và cải thiện môi trường làm việc nhằm giữ chân người lao động. Chú trọng đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải cùng việc xanh hoá cảnh quan khu công nghiệp sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống trong dự án. Đây cũng là yếu tố thuyết phục các chuyên gia nước ngoài đến và làm việc tại Việt Nam.
Có thể thấy, mô hình khu công nghiệp xanh đem lại lợi ích cho nhiều phía. Đứng từ góc độ của khách thuê, nhà máy đạt chứng chỉ “xanh” sẽ giúp họ đạt được những yêu cầu từ Chính phủ và mục tiêu phát triển bền vững của bản thân doanh nghiệp. Bởi vậy, các dự án đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm và tìm kiếm. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh cho những đơn vị phát triển bất động sản có khả năng đáp ứng được các điều kiện “sạch” nghiêm ngặt này.
Tại Việt Nam, đã có nhiều nhà đầu tư sở hữu dự án đạt chứng chỉ công trình xanh. Được biết, những đơn vị này đang sử dụng hệ thống năng lượng điện mặt trời áp mái để cung cấp điện cho một phần khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều dự án trong tương lai cũng được định hướng xanh và thông minh.
Đi kèm với những lợi ích về kỹ thuật, môi trường và nguồn lao động, khách thuê tại những khu công nghiệp này sẽ đối mặt với một số thách thức. Khó khăn nằm ở việc đầu tư máy móc và công nghệ để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường và điều này sẽ nâng mức chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Bởi vậy, đối với doanh nghiệp nước ngoài, quyết định đầu tư sẽ nằm ở việc cân đối giữa lợi nhuận từ môi trường kinh doanh tại Việt Nam và chi phí chênh để đảm bảo quy trình.
Nguồn: https://reatimes.vn/cong-nghiep-xanh-giai-phap-gia-tang-dong-von-fdi-vao-bds-20201224000012653.html