Không chỉ người dân Hà Thành, mà khách du lịch mỗi lần đặt chân tới Thủ đô đều sẽ tìm về những tuyến Phố Cổ.
Tại nơi mà giá đất lên cao “ngất ngưởng”, trên những cung đường ngập tràn người qua lại, những quán xá đầy tiếng nói cười, ít ai có thể hình dung ra sâu trong những con ngõ nhỏ, hẹp, người dân đang phải cố gắng vật lộn với cuộc sống quanh năm không thấy ánh sáng mặt trời, mỗi lần đi vào nhà mình phải rón rén, khép nép vì không đủ diện tích di chuyển.
Khi đi qua nhiều tuyến phố như Hàng Buồm, Hàng Mã, Thuốc Bắc, Hàng Chiếu, Ngõ Gạch, Lò Sũ,… không khó để nhận ra những con ngõ có chiều rộng chưa đầy 1 mét, sâu tít tắp và lọt thỏm một màu đen giữa các ngôi nhà mặt đường. Chính vì thế, ở đây thường phải lắp hệ thống đèn điện suốt 24/24 thì mới có thể thấy lối đi.
Dường như câu chuyện “ngõ nhỏ”, “ngõ hẹp” đã trở thành “đặc sản” mỗi ngày của cư dân nhiềutuyếnphố. Người ta đã dần quen và chấp nhận với “con đường” vào nhà tối tăm xập xệ, xuống cấp với những bức tường ẩm mốc, bong tróc, nứt nẻ từng mảng lớn không được tu sửa.
Không chỉ có chiều rộng “khiêm tốn”, chiều cao của ngõ nhỏ Phố Cổ cũng rất hạn chế. Thật kỳ lạ bởi giữa Hà Nội văn minh, phồn hoa vẫn còn tồn tại những “hầm địa đạo”. Ngõ 86 Hàng Buồm rộng khoảng 60 - 65 cm, sâu 20m là chỗ ở, nghỉ ngơi, sinh hoạt của 4 hộ dân.
Bà Nghĩa, người dân ở đây, cho biết: “Mỗi lần đi trong ngõ, tôi thấy không yên tâm. Chẳng hiểu là do bệnh tuổi già hay lo lắng hoặc do chỗ này quá nhỏ hẹp và xập xệ”.
Bà Nghĩa cũng tâm sự thêm những hoạt động diễn ra thường ngày vô cùng khó khăn. Mỗi lần muốn mua sắm vật dụng hay chuyển đồ gì đi đều phải tính toán, nghiên cứu chọn lựa xem có thể di chuyển qua ngõ không, nếu không thì phải tháo rời, rất mất thời gian và công sức.
Đôi khi mọi người không thể chọn mua được những món đồ mình yêu thích vì quá to, thay vào đó là những đồ có kích thước phù hợp để vận chuyển vào nhà.
Người dân sinh sống tại phố Thuốc Bắc cũng không thoát khỏi những chuyện bi hài. Ông Nguyễn Hữu Tâm dẫn PV đi sâu vào con ngõ nơi gia đình ông cùng nhiều hộ dân khác hằng ngày “vật lộn” cùng những thiếu thốn và bất tiện.
Đặt tay lên bức tường cũ kỹ, nham nhở, ông đăm chiêu: “Hằng ngày, bước ra khỏi con ngõ tối tăm này, tôi mới tin rằng mình đang sống ở Thủ đô. Không kể chắc cũng chẳng ai tin lại có cuộc sống chật chội, chen chúc, chui rúc như thế này.
Ngoài kia càng ồn ào, phía trong này chúng tôi lại càng lo lắng, bất an cho sự an toàn của mình. Tuy nhiên, sống mãi rồi cũng quen dần, không thể cứ phàn nàn mà phải học cách chấp nhận”.
Lời tâm sự của ông Hữu Tâm cũng thay cho lời nói của biết bao người chung hoàn cảnh. Tại ngõ 55 Hàng Chiếu, 15 hộ dân với hàng chục con người đang sinh sống trong ngột ngạt, khó chịu, nhiều nhà phải chung nhau một khu sân giếng để sinh hoạt, nấu nướng. Thế là, thời gian bỗng chốc bị chia nhỏ ra, ai nấy đều phải nhường nhịn nhau giờ tắm giặt hay nhường nhau lối đi.
Bà Thu, người dân ngõ 55 Hàng Chiếu, cho biết: “Trước đây, cả ngõ chỉ có 7 hộ nhưng khi một số nhà có con lập gia đình nên kéo theo số người ở tăng lên, dẫn đến tình trạng ngày càng bí bách, chật chội, ô nhiễm và nhiều rác thải hơn".
Nhưng chắc có lẽ, không ai có thể ngờ rằng, sự bi hài không chỉ xảy đến với những người sống, mà người hấp hối hay người chết, ngay đến cả giây phút cuối đời cũng chẳng thể thoát khỏi ám ảnh của những con ngõ nhỏ tối tăm này.
Bà Đặng Thị Huệ, một người dân sống ở Phố Cổ, ngậm ngùi chia sẻ: “Khổ sở nhất là mỗi lúc nhà nào có người đau ốm, gần đi xa đều phải mang lên bệnh viện ngay. Như nhà tôi, trước đây, con cái phải cõng mẹ chồng từ trong nhà chạy ra đầu đường vì cáng cấp cứu không thể nào lọt qua ngõ'.
Nhiều người không khỏi lo sợ cho cuộc sống của mình và gia đình khi sống trong ngõ nhỏ, tối nếu mất điện thì không thể nhìn thấy lối đi.
Nghiêm trọng hơn, nếu có sự cố cháy nổ thì thoát thân ra sao khi con ngõ rộng chưa đầy 1m là lối thoát hiểm duy nhất.
Những câu chuyện, lời chia sẻ là nỗi băn khoăn, day dứt và lo lắng của hàng trăm người dân đang sống tại các con ngõ nhỏ Phố Cổ. Rốt cuộc, điều duy nhất mà họ cũng chỉ có thể làm là ngừng than vãn và học cách "sống chung với lũ”.
Thế nhưng, tiềm ẩn trong những con ngõ tối tăm, quanh năm không thấy ánh sáng mặt trời kia là tính mạng, sự an toàn của biết bao phận người...