Cho vay tiêu dùng là hoạt động cung cấp các khoản vay cho cá nhân để mua các dịch vụ, hàng hóa nhằm phục vụ những mục đích tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình.

Với ưu điểm nổi bật là thủ tục cho vay đơn giản, linh hoạt, người tiêu dùng ngày càng tìm đến dịch vụ cho vay tiêu dùng nhiều hơn. 

Tuy nhiên, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam không sôi động bằng 5 quốc gia khác trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Số liệu từ Financial Times Confidential Research (FTCR) cho thấy, trong 2 năm qua, chỉ số Cho vay tiêu dùng của Việt Nam luôn thấp hơn Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan mặc dù các chỉ số về thu nhập hộ gia đình và chi tiêu tùy ý lại cao nhất.

Cũng theo FTCR, thị trường tín dụng tiêu dùng của Việt Nam vẫn còn khá non trẻ. Một khảo sát cho thấy, gần một nửa cư dân thành thị ở Việt Nam tiết lộ họ không có khoản nợ nào, so với 4 quốc gia trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á thì còn số này cao hơn nhiều.

Đáng chú ý, trong năm 2017, các khoản vay tiêu dùng của Việt Nam (không gồm vay thế chấp) chỉ đạt 23 tỷ USD, tương đương gần 10% GDP cả nước. Nguyên nhân của con số trên là bởi các các hộ gia đình ở Việt Nam còn hạn chế trong việc tiếp cận nguồn tín dụng chính thống.

Trong khi đó, ngoài lợi thế dân số đông, cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam còn có nền kinh tế có tốc độ phát triển ổn định nên được đánh giá là thị trường có nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cao.

Trước hàng loạt những yếu tố thuận lợi như kinh tế tăng trưởng tốt, thu nhập bình quân đầu người tăng, công nghệ phát triển vượt trội, hành lang pháp lý hoàn thiện, được giới đầu tư quan tâm… nhiều chuyên gia nhận định, thời gian sắp tới, tài chính tiêu dùng tại Việt Nam sẽ có nhiều bứt phá, nhất là dịch vụ cho vay tiêu dùng.

Với nguồn vốn dồi dào từ xu hướng mua lại và sáp nhập, thị trường tín dụng tiêu dùng ngày càng cạnh tranh hơn.

Việc nhiều công ty đa quốc gia lớn tham gia vào thị trường cho vay tiêu dùng sẽ kéo giảm chi phí vốn. Đối với những công ty tài chính tiêu dùng, việc huy động vốn từ các tổ chức là việc rất quan trọng bởi họ không thể tiếp cận với tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng bán lẻ.

FTCR cho rằng, thị trường tín dụng tiêu dùng hứa hẹn sẽ có nhiều bứt phá ngoạn mục trong thời gian tới.

ông Kalidas Ghose, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty FE Credit

Ông Kalidas Ghose, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty FE Credit.

Theo nhận định của StoxPlus, sở hữu hơn 7 triệu khách hàng, hiện nay, FE Credit và Home Credit là những cái tên dẫn đầu trên thị trường tín dụng tiêu dùng. Tính riêng trong năm 2017, mỗi công ty này thu hút thêm được 3 triệu khách hàng.

Chia sẻ về đối tượng khách hàng của mình, ông Kalidas Ghose, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty FE Credit nói: “Khách hàng chính của các công ty tài chính tiêu dùng là đối tượng thu nhập thấp đến trung bình không đủ năng lực tài chính để tiếp cận các khoản vay từ các ngân hàng thương mại. Các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp các giải pháp tài chính dễ dàng, linh hoạt hơn”.

Trong năm 2017, FE Credit tuyên bố đã nắm gần 50% thị phần các khoản cho vay tiêu dùng cá nhân.

Thống kê của Stoxplus cho biết, FE Credit bỏ xa các đối thủ trong ngành, gấp gần ba lần đối thủ xếp kế họ về thị phần. Đến tháng 7/2018, tổng số tài khoản đang hoạt động tại FE Credit là gần 4 triệu.

Theo báo cáo thường niên VPBank, năm 2017, FE Credit tạo ra 12.957 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động thuần (TOI), đóng góp 52% TOI cho VPBank, ngân hàng mẹ đã niêm yết năm trước.

Theo Bảo Linh/Đô thị mới