Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn vẫn ở mức nguy cơ rất cao với những diễn biến hết sức phức tạp, TP. Đà Nẵng đã tiếp tục áp dụng phong tỏa toàn TP với biện pháp “ai ở đâu ở yên đó” thêm 10 ngày, kể từ 8h ngày 26/8.
Để đảm bảo nguồn thực phẩm cho gia đình, nhiều người tiêu dùng đặt hàng Siêu thị thực phẩm sạch Nấm Víp Organic (số 139 Huỳnh Thúc Kháng, Tam Kỳ, Quảng Nam) khi thấy đơn vị này đăng tải thông tin nhận đặt hàng từ Quảng Nam gửi đến TP. Đà Nẵng và sẽ “giao hàng tận nhà”. Thế nhưng, rất nhiều trường hợp người nhận thực phẩm đã bị hư hỏng, giao trễ hàng, thậm chí đến nay chưa có phản hồi.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Hương (TP. Đà Nẵng) người nhận hàng mua từ Siêu thị thực phẩm sạch Nấm Víp Organic, cho biết: “Còn chi để ăn mà thông với cảm. Tôi đặt hàng ngày 25/8, hứa gửi đi sáng 26/8. Đột nhiên, 2h sáng ngày 27/8 người giao hàng gọi cho tôi thanh minh đủ lý do, nói trong hôm nay sẽ chuyển. Đến trưa 27/8 vẫn chưa nhận được. Chiều ngày 27/8 tôi mới nhận được hàng, nhưng khi mở hàng tôi mới tá hỏa khi thịt, cá, tôm đều bị ươn hết sạch và không thể sử dụng được. Toàn bộ hàng tươi sống này trị giá 1,5 triệu đồng chớ có ít gì”.
Tương tự như trường hợp chị Nguyễn Hương, chị Thanh Hằng (TP. Đà Nẵng) bức xúc: “TP. Đà Nẵng áp dụng chỉ thị “ai ở đâu, ở yên đấy” người dân không được ra ngoài, thấy Nấm Víp Organic nhận đơn và nói giao tận tay tôi cũng mừng và đặt niềm tin mua gần 3 triệu đồng tiền thực phẩm. Siêu thị cũng yêu cầu nhận phí giao hàng trước mới giao, 2 thùng hàng với giá vận chuyển 500.000 đồng. Cả đêm ngày 26/8 không giao, nói đủ thứ lý do, tôi dọa gọi công an làm việc mới giao hàng nhưng khi nhận thực phẩm đã hư hết và không dùng được nữa”.
Không chỉ người nhận hàng tại TP. Đà Nẵng cảm thấy bức xúc. Nhiều người dân sống tại TP. Tam Kỳ cũng đến cửa hàng để đặt thực phẩm gửi cho người quen, họ hàng tại TP. Đà Nẵng cũng nhận về “quả đắng”.
Trao đổi với PV, chị Phước (TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) chia sẻ: Hiện nay, ở Tam Kỳ không có cửa hàng thực phẩm nào nhận gửi ra Đà Nẵng được hết. Nhưng khi thấy thông báo từ Siêu thị thực phẩm sạch Nấm Víp Organic nhận gửi hàng đi Đà Nẵng thì ai cũng tha thiết hết. Nên khi đến cửa hàng mua, người xếp hàng rất đông, dù số tiền vận chuyển cũng khá là cao 250.000 đồng/thùng, tiền giỏ nhiều khi đắt hơn tiền gà, nhưng mình cũng chấp nhận gửi. Mình thanh toán ngày 25/8, gửi tại đó cho họ vận chuyển luôn. Về thì nhận được cuộc gọi, nhân viên báo: Cá phèn và cá nục của chị mua nó ươn hết rồi, đồ nhiều quá không đủ độ lạnh nên ươn hết rồi, em không gửi đi được. Trong khi lúc mua thì khẳng định có kho lạnh, bảo quản được nên chị mới để lại cho cửa hàng giao luôn, ai ngờ phải bỏ 2 loại cá này ra”.
Không chỉ vậy, những thùng thực phẩm chị Phước gửi đi cửa hàng hứa vận chuyển sáng 26/8, nhưng đến chiều 27/8 người quen tại TP. Đà Nẵng mới nhận được thì thực phẩm tươi sống đã bị ươn và hư hỏng.
Được biết, trường hợp của chị Nguyễn Hương (Đà Nẵng), chị Thanh Hằng (Đà Nẵng), chị Phước (TP. Tam Kỳ) là một trong rất nhiều trường hợp không nhận được hàng hoặc nhận được nhưng thực phẩm bị hỏng không dùng được… mà khách hàng đã gửi phản ánh đến PV với những nội dung tương tự.
Trao đổi với PV, ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, cho rằng: “Các cửa hàng được vận chuyển thực phẩm đến Đà Nẵng đều cần có điều kiện là phải đăng ký lấy giấy thông hành ở những vùng xanh. Khi về đến Quảng Nam phải cách ly và xét nghiệm Covid-19 trong vòng 3 ngày mới được đi lại chuyến tiếp theo”.
Tuy nhiên theo xác minh của PV, thực phẩm ở cửa hàng trên được vận chuyển trong 2 chiếc xe mang BKS: 43C-158… và 43C-159… để giao tận nơi cho khách hàng.
Liên hệ với Phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công thương TP. Đà Nẵng, được biết 2 xe trên không nằm trong danh sách đăng ký nhân viên làm việc, nhân viên giao hàng (shipper bằng xe máy) và phương tiện vận chuyển (ô tô) theo quy định, trong thông báo mới nhất của Sở Công thương ngày 26/8/2021.
Qua trao đổi của PV với đại diện Sở Giao thông Vận tải TP. Đà Nẵng, được biết 2 xe có biển kiểm soát nêu trên đăng ký di chuyển trên luồng xanh chỉ có một điểm đi và một điểm đến là Quảng Nam và Đà Nẵng. Trong nội thị TP. Đà Nẵng không được phép dừng đỗ, bốc hàng, xếp hàng, thực hiện các động tác bốc dỡ, giao hàng.
Dù tại quy định đăng ký xe di chuyển đã chỉ rõ nhưng tại trang Facebook “Nấm Víp Organic - 139 Huỳnh Thúc Kháng” đăng ngày 24/8/2021, khẳng định: “Bà con anh chị em nào có người thân ở Đà Nẵng có nhu cầu thực phẩm hãy để Nấm Víp mang đến tận nhà (Rất mong bà con thông cảm trừ quận 3 bên em không vận chuyển được ạ)”. Với mức giá vận chuyển 250.000 VNĐ/thùng… Nhưng khi không thể giao “đến tận nhà”, giao chậm trễ để thực phẩm tươi sống bị ươn hoặc nhận tiền nhưng đến nay chưa giao thì cửa hàng đăng tải lời giải thích với lý do: “Nấm Vip cũng thật sự cũng rất bị động nên không thể trả lời chính xác khi nào. Tình hình di chuyển trên địa bàn Đà Nẵng thực sự khó khăn (nhiều chốt, trạm... yêu cầu phải khai báo kỹ lưỡng)”.
“Trong khi mua hàng thì đều yêu cầu khách phải thanh toán hóa đơn và đóng tiền phí vận chuyển trước. Tất cả các khoản tiền phải thanh toán đầy đủ mới cho vận chuyển. Vậy mà, giờ trả lời chúng tôi là bị động và không biết khi nào? Thì thật là không thể chấp nhận được. Quan trọng là chữ tín phải đặt lên hàng đầu chứ!”, chị Nguyễn Hương (Đà Nẵng) chia sẻ thêm.
Với những lời giải thích: “Nấm Víp rất bị động”, “không thể trả lời chính xác khi nào”, “di chuyển thực sự khó khăn” không thể nào khỏa lấp được tâm lý bức xúc, hoang mang của người dân trong thời điểm hiện tại.
Câu hỏi mà rất nhiều khách hàng đặt ra là: Quyền lợi người tiêu dùng và trách nhiệm đơn vị cung cấp thực phẩm nằm ở đâu? Câu trả lời xin nhường lại cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền và cách xử lý “thấu tình đạt lý” từ phía đại diện Siêu thị thực phẩm sạch Nấm Víp Organic số 139 Huỳnh Thúc Kháng, Tam Kỳ, Quảng Nam./.
Lợi dụng tình hình diễn biến dịch phức tạp, một số đối tượng giả mạo shipper để lừa đảo.
Ngày 26/8, Sở Công thương TP. Đà Nẵng có văn bản gửi UBND các cơ quan chức năng khác cảnh báo thủ đoạn lừa đảo thông qua việc mua, bán hàng online bằng số điện thoại không rõ nguồn gốc. Theo đó, hiện có thông tin một số đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người dân thông qua việc mua, bán hàng online bằng các số điện thoại không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng đề nghị người dân chỉ đặt hàng qua các kênh Hotline/Zalo/Facebook của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa, qua shipper công nghệ; không mua bán hàng hóa thông qua các số điện thoại không rõ nguồn gốc trên các trang mạng xã hội.
Các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố quản lý chặt chẽ và yêu cầu đội ngũ nhân viên giao nhận hàng hóa của đơn vị mình phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, ngành Công thương cũng sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý thông tin về các trường hợp lừa đảo, vi phạm pháp luật nêu trên.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/da-nang-nguoi-tieu-dung-keu-cuu-vi-cua-hang-thuc-pham-giao-hang-kem-chat-luong-20201231000003455.html