Lĩnh vực dịch vụ công được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu trong việc đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt. Nhưng vẫn còn đó không ít vướng mắc và cần có sự vào cuộc đồng bộ để tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt...
Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) ông Phạm Tiến Dũng, hạ tầng thanh toán dịch vụ công đang dần được hoàn thiện. Hiện các dịch vụ thanh toán điện, nước, mua vé máy bay cũng đã được thanh toán qua ngân hàng; hải quan hiện có 99% dịch vụ hải quan thanh toán qua ngân hàng. Đối với thuế có 99% doanh nghiệp (DN) thanh toán điện tử, song có một thách thức đó là đối với thuế thu nhập cá nhân. Cũng theo Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN, nếu quan sát chúng ta có thể thấy được hạ tầng phía ngân hàng trong thanh toán dịch vụ công đã được cải thiện so với trước. Tuy nhiên, để thúc đẩy được thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công cần có hệ thống tập trung, chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các Bộ, ngành với ngành ngân hàng. Chẳng hạn như đối với các Sở, Bộ, ngành cần có một cửa để ngành ngân hàng dễ kết nối.
Theo ông Bùi Tấn Tài, Phó Tổng GĐ ngân hàng ACB, thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng tất yếu khi công nghệ đáp ứng được khá nhiều nhu cầu về tài chính của người dân. ACB cũng không ngừng đầu tư phát triển các sản phẩm, dịch vụ và tiện ích kèm theo các chương trình khuyến mãi nhằm khuyến khích khách hàng không dùng tiền mặt. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng GĐ Sacombank, cũng cho biết ngân hàng này vừa triển khai phương thức thanh toán QR Code, người dùng chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại và đăng ký là có thể sử dụng để thanh toán. Ngoài ra, theo ông Tâm, ngân hàng này cũng tính đến việc phát hành các loại thẻ nạp tiền sẵn để người dân khu vực nông thôn chưa có thẻ, tài khoản tại ngân hàng có thể thanh toán chi phí dịch vụ công trong giai đoạn đầu áp dụng việc thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực này.
Khách hàng thanh toán qua thẻ tại một cửa hàng. |
Lãnh đạo một ngân hàng lớn khác cũng cho biết chỉ cần trường học, BV đồng ý, ngân hàng sẽ lo hết phần công nghệ cũng như hạ tầng để có thể triển khai thanh toán trơn tru, thuận tiện. Tuy nhiên, vị này thừa nhận nhiều trường học, BV vẫn còn e ngại việc thanh toán không dùng tiền mặt vì nhiều lý do. Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM cho biết, năm 2018, cơ quan hải quan đã kết nối giữa các ngân hàng phối hợp để thực hiện thu thuế điện tử. Tuy nhiên, nhiều DN là đơn vị thụ hưởng vẫn chưa sẵn sàng từ nguồn nhân lực đến trang thiết bị. Hiện còn 99% DN nộp thuế hải quan điện tử, trong đó có 90% nộp tại ngân hàng, còn 9% qua kho bạc, do đó cần phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền tốt hơn nữa.
Thứ trưởng Bộ Y tế - ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, hàng năm, Bộ Y tế đều có chỉ đạo các đơn vị hạn chế sử dụng tiền mặt mà phải thực hiện việc quản lý thu, chi qua hệ thống Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại theo quy định; trả lương, phụ cấp cho cán bộ, nhân viên qua tài khoản. Đánh giá tình hình thực hiện, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, do tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế khá cao, khoảng 87,72% dân số. Do đó, 70% tổng số thu dịch vụ sự nghiệp công của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phần thanh toán bảo hiểm y tế là chuyển khoản về tài khoản của đơn vị tại Kho bạc Nhà nước. Theo ông Sơn, hiện nay, 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế thực hiện Đề án nhờ ngân hàng thu hộ tiền mặt hoặc chủ động chuyển tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Tuy nhiên, Đề án thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng thẻ mới chỉ có một số đơn vị lớn như BV Đại học Y dược Hồ Chí Minh, BV Hữu nghị Việt Đức, BV Bạch Mai.
Vì vậy, muốn đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đòi hỏi có sự phối hợp từ nhiều phía. Phía ngân hàng cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc mở tài khoản, thẻ ATM. Thực tế, không ít người dân chưa có tài khoản, thẻ ATM. Do đó, có một số BV thuộc Bộ Y tế đã không thể duy trì thanh toán viện phí bằng thẻ sau một thời gian áp dụng vì quá ít người thanh toán bằng thẻ. Bên cạnh đó, để thực hiện được việc thanh toán dùng thẻ thì người bệnh vẫn phải xếp hàng làm thủ tục mở thẻ, vẫn phải mang tiền mặt đến nộp để có tiền trong tài khoản ở một hạn mức nhất định thì mới được khám chữa bệnh. Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đạt 50% BV tại các TP lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng, Bộ Y tế cho rằng, cần có giải pháp cụ thể từ phía Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại.
Để đẩy mạnh thanh toán điện tử, theo ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và truyền thông, sự ra đời của tiền di động sẽ góp phần rất tích cực. Hiện Bộ Thông tin truyền thông đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan để đề xuất Chính phủ chính sách thí điểm tiền di động. Việc thực hiện thí điểm theo đó sẽ đảm bảo định danh khách hàng qua xác thực thông tin cá nhân thuê bao qua quản lý đăng ký SIM, đồng thời, các nhà mạng sẽ phải quản lý mạng lưới đại lý như giám sát hoạt động đại lý, đảm bảo tính thanh khoản của đại lý…
Ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng GĐ Vietcombank, cho biết theo lộ trình đến năm 2020, các dịch vụ công sẽ phải chuyển sang cấp độ 4, tức là ứng dụng điện tử toàn bộ trong quá trình thực hiện. Dịch vụ công nào có thu phí sẽ phải ứng dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, người dân không phải nộp trực tiếp bằng tiền mặt nữa. Do đó, ngân hàng này sẽ triển khai các phương tiện thanh toán qua các dịch vụ điện tử, ngân hàng điện tử như QR code, Internet Banking, thanh toán qua thẻ... Người dân có thể nộp tiền phí dịch vụ công qua điện thoại, hoặc quẹt thẻ tại các POS được đặt tại các bộ phận tiếp nhận hồ sơ của địa phương.
Lãnh đạo NHNN cho biết, trước mắt, trong năm 2019, NHNN sẽ tích cực, chủ động thực thi một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là: Xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó đề ra một số giải pháp để mở rộng về phạm vi và đối tượng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/day-manh-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-o-khu-vuc-cong-151694.html