Cho mượn giấy tờ - “bỗng dưng” nhận nợ
Trường hợp của anh N.T. Đạt (Sóc Sơn - Hà Nội) là một điển hình. Anh Đạt kể, cuối năm ngoái, gia đình chị gái anh vì muốn đầu tư kinh doanh thời vụ dịp Tết nên có sử dụng giấy tờ của mình để vay mượn tại một số công ty tài chính (CTTC). Do số tiền vay mượn và vốn tự có vẫn chưa đủ nên nhờ anh Đạt đứng tên vay hộ (dùng chứng minh thư của anh Đạt - PV) để vay thêm một 30 triệu đồng của một CTTC đóng trên địa bàn.
Tuy nhiên, quá trình kinh doanh không như kỳ vọng, lại thêm nhiều khoản vay tiêu dùng cùng một lúc nên gia đình người thân của anh Đạt không thể trả nợ đúng hạn. Thay vì đòi nợ “người sử dụng khoản vay” là người thân của anh Đạt, nhân viên của CTTC này tìm đến anh Đạt để nhắc nợ, đòi nợ bởi lý do người đứng tên khoản nợ chính là người phải chịu trách nhiệm với khoản nợ. Điều này khiến anh Đạt rất bức xúc.
“Với mức thu nhập công nhân của tôi nếu đứng ra trả khoản nợ 'trên trời rơi xuống' thì coi như chẳng còn tiền chi tiêu. Nhưng nếu không trả lại bị người ta nhắc nợ, đòi nợ. Thậm chí, còn bị kiện ra tòa nếu cố tình không trả nợ. Tiến thoái lưỡng nan, thực sự bây giờ tôi không biết phải làm thế nào?”, anh Đạt buồn bã nói.
Dù không phải là người thân trong gia đình, song chị L. T. Thủy (Vũ Thư, Thái Bình), vì tin tưởng bạn bè lâu năm nên đã cho mượn chứng minh thư với lý do vay mua laptop. Tuy nhiên, khi người bạn trả nợ không đúng hạn thì người bị gọi nhắc nợ lại là chị.
Không phải ngoại lệ, những trường hợp như câu chuyện của chị Thủy và anh Đạt phổ biến đến mức, chỉ cần lướt nhanh trên các website tư vấn pháp luật của các công ty luật có thể thấy rất nhiều trường hợp rơi vào hoàn cảnh tương tự và phải tìm đến luật sư để nhờ tư vấn.
Bảo mật thông tin cá nhân
Thừa nhận rằng vấn đề mượn giấy tờ tùy thân để đăng ký khoản vay tiêu dùng là vấn đề phổ biến hiện nay, song theo Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, pháp luật không quy định chế tài đối với những trường hợp này.
Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, dù đây không phải hình thức vi phạm pháp luật nhưng trách nhiệm đối với khoản vay vẫn thuộc về người đứng tên khoản vay. Theo vị luật sư này, nếu trong trường hợp người mượn giấy tờ để vay tiêu dùng không có khả năng trả nợ hay cố tình không trả nợ, chiếm đoạt tài sản của bên cho vay thì trách nhiệm dân sự và thậm chí là trách nhiệm hình sự đều “đổ lên đầu” người đứng tên khoản vay.
“Chúng ta phải xác định cho mượn giấy tờ tùy thân thì cũng có nghĩa rằng chúng ta đang dùng chính danh tính của mình để đứng tên trên các hợp đồng giao dịch với bên cho vay, và chịu toàn bộ trách nhiệm với khoản vay. Vì vậy, tuyệt đối không nên cho mượn giấy tờ tùy thân khi không rõ mục đích hoặc thực hiện những việc mà bản thân mình không trực tiếp làm, tránh rủi ro pháp lý”, luật sư Trần Tuấn Anh cảnh báo.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính - ngân hàng, khẳng định, việc cho mượn giấy tờ tùy thân để vay tiêu dùng không phạm luật nhưng rất nguy hiểm và đầy rủi ro.
“Nếu như người ta mượn giấy tờ của mình rồi đi vay bạt mạng thì lúc đó có phải là bỗng dưng mình bị mắc nợ. Việc này còn gây ra mâu thuẫn giữa bên cho vay và người đi vay như đòi nợ nhầm đối tượng, không thu hồi được công nợ. Thậm chí, cho bạn bè, người thân mượn rồi họ làm lộ thông tin cá nhân của mình cho đối tượng lừa đảo, bán đi hoặc làm mất giấy tờ thì lúc đó tên tuổi của mình ai sẽ chịu trách nhiệm?”, TS. Cấn Văn Lực nêu dẫn chứng và đặt câu hỏi.
Chưa kể, trường hợp khoản vay quá hạn không thanh toán và trở thành nợ xấu thì dư nợ sẽ được cập nhật lên hệ thống Trung tâm thông tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước. Khi đó, những người cho mượn giấy tờ cá nhân sẽ không thể vay được các gói tín dụng khác do vướng “vết đen” nợ xấu.
Cũng phải nói thêm rằng, thời gian qua, lợi dụng chính sách thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay tiêu dùng của các CTTC khi chỉ yêu cầu khách hàng xuất trình giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe,... là được cho vay số tiền lên tới cả chục triệu đồng, nhiều kẻ gian đã tìm mua giấy tờ tùy thân hoặc tìm cách lừa đảo “moi” thông tin cá nhân của người khác để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Chính vì vậy, việc bảo mật thông tin cá nhân nói chung và đi vay tiêu dùng nói riêng cần được nhìn nhận một cách đúng mức, để bảo vệ chính mình trước những phiền toái có thể xảy ra.
Riêng đối với những đơn vị cấp tín dụng là các CTTC, trong tất cả những hoàn cảnh kể trên, đều phải gánh chịu những tổn thất, ảnh hưởng lớn bởi xét cho cùng, dù cho lỗi phát sinh đến từ phía khách hàng thì phía đơn vị cấp tín dụng phải chấp nhận rủi ro.
“Người tiêu dùng phải cẩn trọng với giấy tờ tùy thân, không nên cho người thân, bạn bè mượn giấy tờ tùy thân không rõ mục đích và không kiểm soát tránh gây hiểu lầm giữa người vay và doanh nghiệp trong việc bảo mật thông tin.
Nếu người tiêu dùng bị mất giấy tờ thì cần phải trình báo cơ quan chức năng và thông báo cho các tổ chức tín dụng mà người tiêu dùng có quan hệ tín dụng biết để ngăn ngừa rủi ro bị lợi dụng.
Người tiêu dùng không nên trao đổi, ký gửi giấy tờ tùy thân qua các ứng dụng điện tử như Facebook, Messenger, Zalo,... hoặc khai báo các thông tin cá nhận trên các trang website không chính thống”, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc FE Credit khuyến cáo.