Phát triển lành mạnh đội ngũ doanh nhân và đại gia là đòi hỏi cấp thiết từ cuộc sống xuất phát từ thực tiễn đặc thù, các nguyên tắc của cơ chế kinh tế thị trường, cũng như các cam kết và thông lệ quốc tế trong xu hướng mở cửa, tăng cường, hội nhập quốc tế.

Cả nước hiện có trên dưới 800.000 doanh nghiệp và khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; với 97% doanh nghiệp tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (khoảng 70% số doanh nghiệp đăng ký có quy mô dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới 5 tỷ đồng). Một số doanh nghiệp đạt tổng tài sản đến hàng trăm nghìn tỷ đồng và sử dụng hàng chục nghìn lao động. Khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm hơn 40% GDP cả nước; trong đó, nhóm doanh nghiệp tư nhân có giá trị sản lượng chiếm khoảng 10% GDP cả nước, trong khi nhóm kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm khoảng 30%; đóng góp khoảng 1/3 tổng thu ngân sách nhà nước.

Doanh nghiệp, doanh nhân là tài sản quốc gia và quý hơn các mỏ vàng mỏ bạc, vì càng khai thác càng tạo nguồn lợi cho phát triển đất nước.

Thời Pháp thuộc, Việt Nam đã có các doanh nhân Việt nổi tiếng, tiêu biểu như ông Bạch Thái Bưởi và Trịnh Văn Bô ở miền Bắc, ông Trương Văn Bền và các con trai ở miền Nam…

Ông Bạch Thái Bưởi (trái) và ông Trịnh Văn Bô (phải)... (Ảnh sưu tầm)

... cùng ông Trương Văn Bền là những doanh nhân Việt nổi tiếng ở nước ta thời Pháp thuộc. (Ảnh sưu tầm)

Hiện tại, cộng đồng doanh nhân và đại gia nước ta đang tích cực đóng góp phát triển kinh tế, với những gương mặt mang tầm vóc thế giới. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ với những dự án đầy tham vọng, hy vọng vươn ra thị trường quốc tế; gắn nhiều hơn với công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như hoàn thành được những công trình lớn, phức tạp trong một thời gian tương đối ngắn.

Trong danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Forbes Asia 2019 công bố, có 7 doanh nghiệp của Việt Nam. Cũng trong danh sách tỷ phú USD thế giới được Forbes vinh danh, đã có 5 tỷ phú USD đến từ Việt Nam, như ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - Tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2013; bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air - người Việt Nam thứ 2 và là một trong 15 nữ tỷ phú tự thân mới trong danh sách của Forbes năm 2017; ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco; ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát; ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan. Ngoài ra, bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk và bà Thái Hương - CEO Bac A Bank đều được tạp chí Forbes vinh danh trong hàng ngũ 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực châu Á…

Đội ngũ doanh nhân và đại gia Việt phần lớn là tự thân, hiếm ai được học hành bài bản trong các trường dạy kinh doanh, nhưng ngày càng có bản lĩnh và kỹ năng kinh doanh thị trường. Những doanh nhân thành công thường có nét chung là coi trọng kết giao và chủ động kiến tạo, sở hữu và tích cực khai thác nhiều quan hệ đa dạng và hữu hảo với các đối tác liên quan đến các lĩnh vực và nơi mình kinh doanh.

Doanh nhân có người giàu, kẻ nghèo, bởi kinh doanh có thành, có bại. Số phận của mỗi người mỗi vẻ, khác nhau về điều kiện bắt đầu và kết thúc sự nghiệp, nhưng họ cùng ham thích kinh doanh và làm giàu, dám dấn thân và chấp nhận cuộc chiến trên thương trường nghiệt ngã.

Một số tỷ phú khởi đầu từ con đường du học và tập tành làm ăn ở “trời Tây”, để rồi thay vì trở thành cử nhân và tiến sĩ theo con đường khoa học được lập trình sẵn, đã mạnh dạn chuyển hướng trở thành doanh nhân thành đạt ở nước ngoài, mang vốn và kiến thức, cùng các quan hệ quốc tế trở về Việt Nam làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Đặc biệt, có doanh nhân vốn xuất phát điểm trong hoàn cảnh cơ hàn đến mức ý chí và lòng tự trọng đã khiến người này đã quyết chí làm giàu và trở thành một trong những "soái" nổi tiếng nhất cộng đồng Việt ở Đông Âu những năm 90, thế kỷ XX.

Có tỷ phú thành danh ngay từ mảnh đất mình sinh ra, tuy nhiên số phận họ lại trở nên long đong, bị mắc kẹt trong những dự án thiếu cả kinh nghiệm và may mắn khi chuyển hướng từ kinh doanh trong nước "vươn ra biển lớn" thị trường khu vực. Dù có thể không còn là đại gia, nhưng mãi trở thành người có công gián tiếp lớn vì đã tìm ra và tài trợ những người khả dĩ trực tiếp góp phần nâng bóng đá Việt Nam mang tầm khu vực, khích lệ khát vọng Việt Nam hùng cường.

Là đại gia có nghĩa là có nhiều tiền, có người có rất nhiều tiền. Thậm chí, một số đại gia không còn coi kiếm tiền là mục đích chính, mà chuyển sang làm từ thiện, ước mong ghi tạo dấu ấn cá nhân tích cực nhằm góp phần đổi mới và phát triển, khởi sắc trong đời sống kinh tế - xã hội địa phương, đất nước và coi đó là niềm vui, giá trị sống mới mà mình theo đuổi, phụng sự.

Đại gia có thời và khó có ai dám khẳng định mãi mãi là đại gia. Thậm chí, có đại gia đương thời sẽ có thể bị bắt lỗi nếu áp dụng nguyên tắc hồi tố trong luật định; hoặc nếu công cuộc chống tham nhũng đi tới tận cùng của tinh thần “không có vùng cấm”, “không có giới hạn”, “không có ngoại lệ”, “không được hạ cánh an toàn” và mở rộng trong khu vực kinh tế tư nhân.

Kinh doanh vốn đã không dễ, làm doanh nhân và đại gia trong bối cảnh chuyển đổi cơ chế lại càng không dễ do vướng nhiều rào cản cả về nhận thức lẫn khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách và thực thi cơ chế, chính sách kinh doanh, nhất là về điều kiện đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh, về nguồn vốn và tín dụng, về cơ hội tiếp thụ khoa học công nghệ, về thông tin và thị trường, về đăng ký thương hiệu, bản quyền và bảo đảm chất lượng hàng hóa, cũng như về áp lực tâm lý xã hội và thủ tục quản lý Nhà nước. Sự liên kết giữa các loại hình và khu vực doanh nghiệp còn mờ nhạt. Hiện tượng doanh nghiệp bị phá sản, hàng hóa không tiêu thụ được, đình đốn đình trệ sản xuất, nợ đọng và nợ khó đòi cao. Hoạt động của nhiều tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và các tổ chức quần chúng còn chưa được quan tâm...

Phát triển lành mạnh đội ngũ doanh nhân và đại gia là đòi hỏi cấp thiết từ cuộc sống xuất phát từ thực tiễn đặc thù, các nguyên tắc của cơ chế kinh tế thị trường, cũng như các cam kết và thông lệ quốc tế trong xu hướng mở cửa, tăng cường, hội nhập quốc tế.

Điều quan trọng không phải là ban cho họ những đặc quyền, đặc lợi, mà là tạo môi trường để bảo đảm khu vực doanh nghiệp tư nhân thực sự bình đẳng, công bằng với các khu vực doanh nghiệp khác, kể cả trong đấu thầu. Nhà nước cần có nhiều đột phá mới, táo bạo, tháo gỡ, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập, bức xúc đang tồn tại hoặc sẽ phát sinh trong thực tiễn.

Quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tự do kinh doanh theo pháp luật, bình đẳng, cùng có lợi; coi trọng định hướng, hỗ trợ, kiểm tra, kiểm soát đối với kinh tế tư nhân bằng chính sách, thông tin thị trường và khuyến khích quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Đặc biệt, cần thực sự đẩy mạnh cải cách nền hành chính Quốc gia, sàng lọc, kiểm soát và trừng trị những kẻ nhũng nhiễu, vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm đối với kinh tế tư nhân; kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò, năng lực, trách nhiệm của các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp trong bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, tạo sự đồng thuận, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh trên cơ sở pháp luật và truyền thống dân tộc; giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc và trách nhiệm xã hội, bản lĩnh kinh doanh cho doanh nhân và người lao động; xây dựng một số thương hiệu chủ lực quốc gia và địa phương.

Trước mắt, cần tập trung giải quyết các khó khăn của khu vực kinh tế tư nhân về nợ đọng, nợ xấu, mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn vốn, năng lực khoa học - công nghệ và về thị trường...; tổ chức các đường dây nóng, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc định kỳ và không định kỳ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nhân, doanh nghiệp; mở rộng, phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, nhất là cung cấp thông tin thị trường (chất lượng, giá cả và cung - cầu, triển vọng sản phẩm); thông tin đối tác, cơ hội và kinh nghiệm kinh doanh; thông tin về môi trường đầu tư (các quy định pháp lý, thủ tục xuất - nhập khẩu; các yêu cầu và giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn, chất lượng sản phẩm; các đặc điểm văn hoá, thị hiếu tiêu dùng; hệ thống phân phối hàng;...) và các dịch vụ xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm, quảng cáo và tham quan thị trường, môi giới và tiếp xúc với các đối tác tiềm năng...);

Phát triển các dịch vụ hỗ trợ tư pháp, nhất là về đăng ký và xử lý tranh chấp thương hiệu, tư vấn kế toán, thuế, thủ tục xuất - nhập khẩu; các dịch vụ tài chính - ngân hàng, nổi bật là dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, bảo hiểm và bảo lãnh tín dụng cho các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam; xây dựng và triển khai hiệu quả những chương trình giáo dục, đào tạo riêng, thích hợp nhằm bồi dưỡng kiến thức, lòng tự hào và tự tôn dân tộc của các doanh nhân, đại gia cũng như người lao động trong khu vực kinh tế tư nhân...

Về phía doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần có sự chủ động tự điều chỉnh, bám sát và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, cạnh tranh và phản ứng thị trường; vừa tuân thủ luật pháp, vừa chủ động phản biện, nêu rõ các khó khăn vướng mắc và cụ thể hóa yêu cầu, kiến nghị, góp phần hoàn thiện luật pháp kinh doanh, tìm kiếm các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tư nhân, đưa đất nước phát triển theo đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một nền kinh tế thị trường mạnh là nền kinh tế có khu vực kinh tế tư nhân và đội ngũ doanh nhân, đại gia ngày càng tăng cả về lượng và chất. Công cuộc đổi mới toàn diện và những đột phá táo bạo, đúng đắn về thể chế kinh tế thị trường sẽ là một bảo đảm cho triển vọng phát triển của nền kinh tế vĩ mô nói chung, đội ngũ doanh nhân và đại gia Việt nói riêng.../.


Theo TS. Nguyễn Minh Phong/Reatimes