Theo Savills Việt Nam, 11 tháng vừa qua là thời gian khó khăn với thị trường khách sạn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Công suất thuê phòng và mức giá phòng trung bình ngày (ADR) giảm mạnh, doanh thu giảm hơn một nửa.

Riêng tại Việt Nam, doanh thu phòng giảm khoảng 70% so với năm trước tính trong 11 tháng. Chỉ số ADR trong 10 tháng giảm hơn 25% so với cùng kỳ và giảm 40% so với đầu năm.

Tại TP.HCM, công suất phòng hiện tại dưới mức 20%, thấp hơn hầu hết thành phố khác của châu Á, giảm mạnh so với mức 72% năm 2019.

Còn tại Hà Nội, trong 2 tháng vừa qua, công suất thuê phòng đạt gần 35% nhờ các doanh nghiệp địa phương đang dần phục hồi các hoạt động kinh doanh, nhu cầu lưu trú dài hạn tăng lên cũng như các cơ sở lưu trú đăng ký cung cấp dịch vụ cách ly.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng dù có một số cải thiện đáng kể về doanh thu các khách sạn nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, toàn thị trường sẽ khó vượt qua ngưỡng công suất 25%. Riêng một số khu nghỉ dưỡng lân cận các thành phố lớn có thể cao hơn trung bình thị trường khoảng 10 - 15 điểm phần trăm.

Ông nhận định các điểm đến ven biển ghi nhận dấu hiệu phục hồi từ tháng 5 với lượng khách tốt và lượng đặt phòng tăng, tuy nhiên, việc tái bùng phát dịch ở Đà Nẵng đã ảnh hưởng nặng nề đến mùa du lịch cao điểm của khu vực này.

Doanh thu khách sạn sụt giảm tới 70%

Trong khi đó, quý III vừa qua, hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ tại khu trung tâm sầm uất của TP.HCM được sang nhượng với giá từ chục tỉ đồng đến hàng nghìn tỉ đồng. Giá rao bán khách sạn tại các quận trung tâm như quận 1, quận 3, Phú Nhuận dao động trong khoảng 20-30 tỉ đồng, giá sang nhượng từ 60-90 triệu đồng (không tính tiền thuê và tiền cọc mặt bằng).

Theo Chủ tịch Chi hội Khách sạn TP.HCM, vài tháng gần đây, nhu cầu đặt phòng khách sạn từ khách nội địa và các đoàn khách MICE (hội nghị, hội thảo, sự kiện)… có tăng trở lại. Tuy nhiên, sau khi một số ca mắc Covid-19 mới được công bố, nhiều sự kiện, hội họp đã bị hủy khiến nhiều khách sạn khó càng thêm khó.

Phó tổng giám đốc một công ty lữ hành lớn ở TP.HCM xác nhận sau thông tin về mấy ca mắc Covid-19 mới, một số đoàn khách dự kiến đi tour TP.HCM đã hủy hoặc dời lịch khởi hành; các đoàn khách MICE cũng không tới TP.HCM như dự kiến ban đầu hoặc giảm số lượng khách trong đoàn…, kéo theo tình trạng hủy phòng khách sạn gia tăng…

Trong bối cảnh đó, làn sóng rao bán khách sạn tiếp tục diễn ra mạnh ở nhiều địa phương du lịch lớn trên cả nước. Trên nhiều trang bất động sản, môi giới nhà đất, bên cạnh các khách sạn dưới 3 sao có giá vài chục tỉ đồng đến vài trăm tỉ đồng được rao bán nhiều nhất, nhiều khách sạn trị giá ngàn tỉ đồng cũng xuất hiện thời điểm này.

Theo các chuyên gia, làn sóng rao bán khách sạn sẽ còn tiếp tục trong bối cảnh thị trường du lịch chưa thể sớm phục hồi, khách quốc tế chưa trở lại. Thậm chí, làn sóng này có thể kéo dài qua năm sau cho đến khi có vắc-xin, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch đón khách quốc tế trở lại…

"Với ngành khách sạn, chi phí duy trì, duy tu, bảo dưỡng rất lớn nên nếu tạm ngưng không có khách sẽ ảnh hưởng nặng đến hoạt động kinh doanh. Ai không cầm cự nổi buộc phải rao bán. Đổi lại, hiện nay cũng là cơ hội cho những nhà đầu tư có tài chính tốt" - ông Trương Đức Hùng phân tích.

Đại diện Savills nhận định Đà Nẵng vẫn đang nỗ lực để công suất phòng khách sạn đạt 20%, Nha Trang và Phú Quốc ghi nhận công suất phòng cao hơn, đặc biệt là vào cuối tuần nhờ các gói ưu đãi kích cầu du lịch… Dù vậy, toàn thị trường nghỉ dưỡng nói chung sẽ khó vượt qua ngưỡng công suất 25%, ngoại trừ một số khu nghỉ dưỡng nằm ở các điểm đến lân cận những thành phố lớn có thể đạt cao hơn.

Theo chuyên gia bất động sản Phan Xuân Cần, các khách sạn 4 và 5 sao đang áp dụng nhiều chương trình giảm giá lên đến 70% để thu hút khách. Mặc dù có nguồn du khách nội địa, giới phân tích đáng giá nguồn cầu này không thật sự ổn định do chỉ tăng vào các dịp cuối tuần. Trong khi đó, nhóm khách phục vụ chính là doanh nhân, chuyên gia và khách du lịch quốc tế vẫn thiếu hụt.

Tuy nhiên, các chuyên gia kỳ vọng năm 2021, ngành khách sạn có khả năng phục hồi chủ yếu trong quý III và IV, khi các hạn chế đi lại được nới lỏng, thị trường du lịch được hồi phục.

Theo Kinh Tế Môi Trường