Theo số liệu tổng hợp của VnDirect, trong quý III năm nay, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt mức 111.744 tỷ đồng, giảm 25% so với quý trước, đồng thời giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
88 doanh nghiệp phát hành tổng cộng 107.944 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, giảm 20,8% so với quý trước, tỷ lệ phát hành thành công đạt 63,4%. Bất động sản vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 46,8% tổng giá trị phát hành, tương đương 52.287 tỷ đồng, tăng 60,2% so với quý trước.
Các doanh nghiệp bất động sản phát hành giá trị lớn nhất có Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (6.885 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Osaka Garden (6.800 tỷ đồng)... Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ở mức khá cao so với lãi suất tiền gửi trong khoảng 7,4 – 13%/năm.
Còn theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới trong 9 tháng đầu năm tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù, trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ 4 bùng phát mạnh từ mấy tháng qua, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên một số doanh nghiệp bất động sản vẫn có lãi lớn và chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, còn các công ty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực. Thời gian qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận tốt hơn.
Trong các giải pháp đưa ra nhằm ổn định thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã đề nghị các bộ ngành liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản luôn phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cả nền kinh tế.
Các chuyên gia nhận định, trái phiếu là kênh huy động quan trọng cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Tỷ trọng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản luôn chiếm ở mức khá cao. Dù có bước tăng trưởng đột phá từ năm 2016 đến nay, song thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam thời gian vừa qua phát triển nhanh nhưng không ổn định.
Theo Phó viện trưởng Viện kinh tế tài chính, Học viện Tài chính Nguyễn Đức Độ đánh giá, thị trường trái phiếu có chức năng quan trọng nhất là thu hút vốn. Thời gian qua, tăng trưởng về quy mô giá trị cũng như số lượng nhà đầu tư tham gia đều là những điểm tích cực.
Điều này giúp giải quyết được những vấn đề như hệ thống ngân hàng được cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng dài hạn, các tổ chức tín dụng trở nên an toàn hơn. Các doanh nghiệp bất động sản huy động được vốn, phát triển được nguồn cung.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận thị trường phát triển thời gian qua chủ yếu tập trung vào hai lĩnh vực là ngân hàng và bất động sản, các lĩnh vực khác chưa lớn.
Đối với hệ thống ngân hàng, họ huy động vốn để cho vay. Dù là huy động trên thị trường trái phiếu thì nó cũng chỉ là một dạng của tiền gửi tiết kiệm khác. Chưa kể một số trái phiếu ngân hàng này phát hành ra được ngân hàng khác mua vào. Như vậy về thực chất, không có huy động mới với nền kinh tế.
Còn đối với doanh nghiệp bất động sản, hiện dư nợ bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tín dụng. Điều này tạo giới hạn rất lớn khiến các ngân hàng thận trọng khi cho doanh nghiệp bất động sản vay. Vì thế, các doanh nghiệp bất động sản phải tham gia vào thị trường trái phiếu, nhưng cũng sẽ có nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư chưa thật sự am hiểu…
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/dong-tien-do-manh-vao-trai-phieu-bat-dong-san-319683.html