Đánh giá về thị trường bất động sản năm 2022, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam cho hay, bước sang năm 2022,thị trường bất động sản có thể diễn biến theo hai hướng. Một là, nửa đầu năm 2022, nguồn cung mới và sức mua được duy trì ổn định như quý 4/2021, có thể sẽ tăng nhẹ nhưng không quá mạnh mẽ. Hai là, nửa cuối năm 2022, thị trường sẽ sôi động và có những đột phá hơn với cả nguồn cung mới và sức mua.
Về sản phẩm, theo lãnh đạo R&D DKRA Vietnam, đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là những địa phương gần các công trình hạ tầng giao thông lớn, có quy hoạch/pháp lý đầy đủ sẽ luôn thu hút khách đầu tư. Về yêu cầu chất lượng sản phẩm: Sau đợt dịch Covid-19, người mua ngày càng chú ý hơn đến môi trường sống đảm bảo an toàn và sức khoẻ, đặc biệt là thiết kế thông thoáng, cảnh quan cây xanh,…Xu hướng áp dụng công nghệ trong giới thiệu và bán hàng trực tuyến tiếp tục phát triển.
Về hình thức đầu tư, trong năm 2021, dù dịch bệnh nhưng nhiều đơn vị đã bắt đầu đưa ra hình thức đầu tư gần như REIT trong bất động sản, chia nhỏ sản phẩm và áp dụng công nghệ. Trong năm 2022 sẽ tiếp tục nở rộ hình thức này và đây là nhu cầu phát triển tất yếu của thị trường.
Các dự báo về thị trường BĐS năm 2022 đều phải phụ thuộc vào nhiều điều kiện, yếu tố và khó lường trước những diễn biến vĩ mô. Đối với bất động sản thuộc loại hình mặt bằng bán lẻ có lẽ vẫn sẽ có nhiều thách thức do mức giá thuê đã quá cao và ảnh hưởng dịch bệnh, giãn cách xã hội khiến xu hướng mua sắm online được đẩy mạnh, dẫn đến hạn chế bớt về nhu cầu mặt bằng bán lẻ.
Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục phụ thuộc vào sự phát triển của du lịch. Theo nhiều dự báo, phải đến năm 2023 ngành du lịch mới có thể quay trở lại như năm 2019 trở về trước và khi đó bất động sản nghỉ dưỡng mới sôi động trở lại. Với chỉ đạo của Chính phủ về phục hồi kinh tế sau đại dịch và với tiềm lực của thị trường bất động sản, kịch bản bức tranh chung thị trường trong năm 2022 cũng được dự báo với những thuận lợi và thách thức đan xen nhau
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Lập – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản cũng đã có những chia sẻ trên báo chí về những đột phá của thị trường bất động sản trong năm 2022. Theo ông, với xu hướng xử lý các vấn đề dịch bệnh hiện tại và sự hoàn thiện các quy định pháp lý để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, ông có niềm tin về sự phục hồi và tăng trưởng ổn định trong giai đoạn cuối năm nay và sự bứt phá mạnh mẽ của thị trường từ giữa năm sau.
Ngoài ra, ông cũng cũng cho biết thêm, hiện tại, nhiều địa phương đang điều chỉnh và hoàn thiện các quy hoạch tổng thể đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Xu hướng đô thị hóa, quy hoạch mở rộng theo chiều ngang vẫn còn đẩy mạnh trong giai đoạn đến. Đây là nhân tố thúc đẩy kỳ vọng cho các chủ đầu tư và các nhà đầu tư.
Về phía doanh nghiệp, cùng với việc Chính phủ đẩy mạnh các mục tiêu kinh tế - xã hội theo chiều hướng tích cực, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển và thúc đẩy việc đầu tư kinh doanh các dự án BĐS. Bức tranh phát triển của thị trường bất động sản sẽ phụ thuộc phần lớn vào động thái kích hoạt nền kinh tế trong tình huống tiếp tục sống chung an toàn với dịch bệnh. Theo đó, doanh nghiệp bất động sản cần các giải pháp ứng phó với dịch bệnh mang tính chủ động và ổn định, hạn chế tối đa việc đóng mở các hoạt động kinh tế một cách đột ngột sẽ gây ra sự xáo trộn và tổn thất cho các bên.
Trước đó, trong năm 2021, theo bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc Nghiên cứu và tư vấn phát triển Công ty TNHH CBRE Việt Nam, các nhà đầu tư bất động sản tiếp tục giữ xu hướng đầu tư tại khu vực vùng ven và các tỉnh lân cận gần các thành phố lớn. Bởi cơ hội đầu tư vào các địa phương chưa phát triển bằng TP. Hà Nội và TP. HCM đang có biên độ rất lớn do mặt bằng giá đất thấp. Khả năng sinh lời sẽ cao hơn những khu vực đã phát triển.
Trình bày quan điểm về xu hướng chuyển dịch của thị trường bất động sản năm 2021 ra vùng ven, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam từng cho biết, ngoài việc tập trung vào các thành phố lớn, nhà đầu tư cũng đang “ngắm nghía” bất động sản tại các thị trường tỉnh. Đó chính là những địa phương “đầu tàu” về kinh tế, công nghiệp, du lịch với nhiều lợi thế ưu đãi như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định… Dự án ở khu vực tỉnh lân cận dù quãng đường di chuyển xa nhưng với điều kiện kết nối giao thông ngày một thuận tiện, tốc độ, để ra mắt sản phẩm nhanh hơn, nguồn cầu mới đến từ khu vực vùng ven trung tâm… đã trở thành những lực hút ly tâm, đẩy dòng vốn đầu tư dịch chuyển.
Ngoài ra, giá các sản phẩm ở tỉnh thường thấp hơn khu vực trung tâm, là lợi thế để chủ đầu tư cấu trúc từ sản phẩm đắt đỏ sang vừa túi tiền, phù hợp trong bối cảnh khó khăn chung hiện tại. Thực tế, những năm gần đây, có nhiều chủ đầu tư phát triển dự án mới ngoài TP. Hà Nội và TP.HCM. Đặc biệt, khi thị trường bất động sản khó khăn, quỹ đất, giá đất ở các thành phố lớn trở nên đắt đỏ và khả năng tăng trưởng không còn dư địa. Họ đã tìm kiếm cơ hội phát triển ở các địa phương lân cận. Năm 2021, những địa phương có nhiều công trình hạ tầng giao thông được triển khai sẽ kéo theo thị trường bất động sản tại đó tăng trưởng.
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra tại Hà Nội sáng 20/10, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.
Theo đó, năm 2022, dự báo GDP của Việt Nam có thể lên đến 6,5 - 7,5%, tương đương mức GDP của năm 2019 trở về trước.
Áp lực tăng giá bất động sản cũng sẽ rất lớn bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ quý 1/2021 (lạm phát, chi phí VLXD tăng, chi phí đầu vào tăng). Đặc biệt, từ Quý 2/2022, khi kinh tế phát triển mạnh trở lại (nhiều dự báo cho rằng GDP năm 2022 có thể lên đến 6.5 - 7.5%), Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân (cho cả trẻ em), bất động sản sẽ càng có đà tăng giá.
Tuy nhiên, dự báo sẽ không có sốt đất hoặc sốt bất động sản trong năm 2022 vì có thể thấy Nhà nước đang kiểm soát tốt những yếu tố gây sốt hoặc bong bóng bất động sản như: chính sách tài chính, kiềm chế lạm phát, lãi suất và giá trị đồng nội tệ ổn định trong mấy năm qua, kênh đầu tư thay thế bất động sản cũng đa dạng hơn...