Tự công bố sản phẩm "sạch khuẩn 99,9%" bằng phiếu kiểm nghiệm
Sau loạt thông tin về sản phẩm gel rửa tay khô On1 "nhập nhèm" về chất lượng, Công ty CP Bột giặt Lix tại Bình Dương (sau đây xin được gọi tắt là Công ty Lix) liên tiếp “tung chiến thuật” để “hô biến” mẫu mã, công dụng của sản phẩm bằng các phiếu kiểm nghiệm.
Ngày 28/3/2020, trong các siêu thị, nhà thuốc nằm trên địa bàn TP Hà Nội các mẫu sản phẩm cũ thương hiệu gel rửa tay khô On1 của Công ty Lix vẫn được bày bán xen lẫn mẫu sản phẩm mới.
Trước đó, ngày 26/3/2020 Công ty Lix bất ngờ đăng tải các thông tin liên quan đến sản phẩm Gel rửa tay khô On1 trên Fanpage facebook (https://www.facebook.com/LixcoVietnam/) khẳng định: … “do một số đầu báo có đưa tin về việc “nhập nhèm sản phẩm Gel rửa tay khô sạch khuẩn 99,9 %” làm Quý Khách hàng và Người tiêu dùng hoang mang về chất lượng sản phẩm của Công ty. Bằng thông báo này, Công ty chúng tôi khẳng định sản phẩm Gel rửa tay khô On1 (hàm lượng Ethanol 70%) có đầy đủ tính năng và công dụng sản phẩm bao gồm giúp làm sạch da tay, giúp loại bỏ vi khuẩn,”… kèm theo đó là các văn bản giấy tờ pháp lý.
Tuy nhiên, trong các văn bản Công ty Lix đăng tải có Phiếu kiểm nghiệm 024G/20/MP do Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh Bình Dương cấp, đối với sản phẩm On1 có liệt kê 8 chỉ tiêu kiểm nghiệm, gồm: tính chất, arsen, chì, thủy ngân, pH, thử giới hạn và khả năng diệt khuẩn.
Trong các chỉ tiêu này, phiếu kiểm nghiệm có diễn giải từng phần theo tiêu chuẩn, kết quả…
Đặc biệt, phần kết luận tại phiếu kiểm nghiệm ghi rõ: “Mẫu gel rửa tay khô On1 có các chỉ tiêu từ 2, 3, 4, 6 đạt theo Thông tư 06/2011/TT-BYT”, như vậy Gel rửa tay khô On1 chỉ đáp ứng được 4/8 chỉ tiêu do Bộ Y tế đưa ra mà thôi.
Cụ thể, tại kết luận kiểm nghiệm thì các chỉ tiêu số 5 “pH” và số 7 “khả năng diệt khuẩn”, số 8 hàm lượng Ethanol ở 20 độ C, của sản phẩm On1 không được Trung tâm kiểm nghiệm công nhận.
Ngoài ra, sản phẩm cũng không ghi rõ là mỹ phẩm, dược phẩm hay hóa mỹ phẩm theo công văn hướng dẫn của Cục Quản lý dược – Bộ Y tế.
Trên mỗi chai On1 đều có nhãn mác ghi “Sạch khuẩn 99,9% (*) ở mặt trước và mặt sau có ghi công dụng của sản phẩm: “Dùng để làm sạch khuẩn nhanh, vô trùng tay hằng ngày. Đặc biệt sau khi tiếp xúc với động vật, sau khi ho, hắt hơi và sau khi đi vệ sinh”. Đáng chú ý, trên nhãn mác ở mặt sau có ghi dòng chữ rất nhỏ để giải thích dấu (*) là: “Dựa trên kết quả thực nghiệm tại phòng thí nghiệm”.
Cũng tại bài đăng trên facebook, Công ty Lix viết rõ:..."Theo Phiếu Kết Quả Kiểm Nghiệm do Viện Pasteur TPHCM cấp số 110220-1754: Có khả năng diệt 99,99% các vi khuẩn gồm Salmonella typhi, Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa"...
Tuy nhiên, trên phiếu kết quả kiểm nghiệm đã nêu rõ: "Kết quả kiểm nghiệm này chỉ có giá trị trên mẫu thử mang số 110220-1754 do khách hàng mang đến. Kết quả này không phải là giấy chứng nhận sản phẩm nên không sử dụng cho mục đích quảng cáo"....
Trên thực tế, loạt mẫu sản phẩm cũ còn bày bán trên thị trường cũng như việc Công ty Lix đăng tải bài viết trên facbook có nhiều thông tin thiếu minh bạch với người tiêu dùng.
Mặt khác, Công ty Lix không đưa ra được các văn bản nào liên quan về việc quảng cáo sản phẩm có khả năng: "Dùng để làm sạch khuẩn nhanh, vô trùng tay hàng ngày. Đặc biệt sau khi tiếp xúc với động vật, sau khi ho, hắt hơi và sau khi đi vệ sinh”.
"Việc quảng cáo gel rửa tay khô On1 của Lix là có vi phạm quy định về quảng cáo"
Người tiêu dùng đặt ra câu hỏi về việc sản phẩm gel rửa tay khô On1 là mỹ phẩm, hoá mỹ phẩm, hay dược phẩm? Tỷ lệ làm sạch khuẩn trên da tay là bao nhiêu phần trăm? Sản phẩm này đã được cấp phép để quảng cáo hay chưa? Nếu được cấp phép quảng cáo có đúng với nội dung giấy phép đã được cấp? Bên cạnh đó, người tiêu dung rất lo lắng về việc sản phẩm này đã và đang được bày bán rộng khắp trên thị trường. Hơn hết, Công ty Lix còn trao tặng sản phẩm này cho rất nhiều đơn vị….
Liên quan đến vấn đề về sản phẩm gel rửa tay On1, ông Cao Thành Tín, Tổng giám đốc Công ty CP bột giặt Lix, đã trả lời với báo chí về việc công ty sản xuất ra sản phẩm On1 là thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn hóa chất Việt Nam để đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho người dân trong đợt phòng chống dịch Covid-19.
“Là một doanh nghiệp nhà nước, chúng tôi phải đảm bảo uy tín, chất lượng của sản phẩm. Chúng tôi không dám lừa dối khách hàng”, ông Tín nói và thừa nhận lô hàng đầu tiên sản xuất ra đã có lỗi về nhãn mác nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Các lô hàng sau này công ty đã thay đổi nhãn mác để phù hợp với quy định của pháp luật".
Để làm rõ các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm gel rửa tay khô On1, của Công ty Lix, PV đã có cuộc phỏng vấn trao đổi thông tin với Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, đoàn luật sư TP Hà Nội.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng: Việc quảng cáo gel rửa tay khô On1 của Lix là có vi phạm quy định về quảng cáo, không đúng với luật quảng cáo, vi phạm quy định tại khoản 9 Điều 8 Luật quảng cáo năm 2012:
Cụ thể tại: Điều 8. Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo
9. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
Không đủ điều kiện xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 09/2015/TT-BYT:
Điều 4. Điều kiện chung để xác nhận nội dung quảng cáo
1. Nội dung quảng cáo phải bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo, không có hành vi bị cấm quy định tại Điều 8 của Luật quảng cáo.
Theo quy định Luật quảng cáo năm 2012: Điều 19. Yêu cầu đối với nội dung quảng cáo
1. Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo”.
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010: Điều 10. Các hành vi bị cấm
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây:
a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp;”
Bên cạnh đó, Luật sư Hùng thông tin thêm: Việc quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP, cụ thể: Điều 69. Vi phạm các quy định về quảng cáo mỹ phẩm
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
c) Quảng cáo mỹ phẩm thiếu một trong các nội dung sau: tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng chủ yếu của mỹ phẩm trừ trường hợp tính năng, công dụng đã được thể hiện trên tên của sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này;
b) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này.
Trên tinh thần thượng tôn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng , rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc thanh kiểm tra toàn bộ các lô hàng liên quan đến sản phẩm Gel rửa tay khô On1 của Công ty Lix. Đồng thời, thu hồi sản phẩm không đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, vi phạm luật quảng cáo (nếu có); Cung cấp thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng để nắm bắt.
Điều 51. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo
5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;
b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này;