Mới đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã công bố Bản tin thị trường Tuần 3 - Tháng 5/2024, tập trung vào vấn đề căn hộ tái định cư bị bỏ hoang. Trong bối cảnh nhu cầu nhà ở không ngừng gia tăng, vượt quá nguồn cung đang hiện hữu và khả năng trong tương lai thì hàng chục nghìn căn hộ phục vụ tới định cư đã hoàn thiện lại đang bị bỏ hoang, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng ngân sách Nhà nước mỗi năm. VARS nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp để “đánh thức" loại hình này, tận dụng tài nguyên đất đai, cải thiện nguồn cung nhà ở và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang, lãng phí hàng trăm tỷ đồng
Theo VARS, tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, hiện tượng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang không còn hiếm gặp. Nhiều khu tái định cư có tỷ lệ lấp đầy rất thấp, thậm chí có những tòa nhà không có người ở. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM, có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.
Trong khi đó, dữ liệu nghiên cứu của VARS chỉ ra, kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở, đặc biệt là phân khúc căn hộ đang sụt giảm nghiêm trọng. Số lượng dự án bất động sản được phê duyệt mới ngày càng khan hiếm trong khi các dự án đang triển khai “chật vật" bởi các vướng mắc liên quan đến pháp lý và nguồn vốn. Trung bình mỗi năm, ước tính mỗi đô thị đặc biệt thiếu hụt ít nhất 50.000 căn hộ. Việc hàng chục nghìn căn hộ “để không” trong khi nhiều người dân không có nhà ở là hiện tượng bất hợp lý.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nhiều khu tái định cư có vị trí xa trung tâm, thiếu tiện ích và dịch vụ công cộng, chất lượng xây dựng kém, và thiếu hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ và hệ thống giao thông làm giảm sức hấp dẫn và gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển và sinh hoạt. Chính sách đền bù theo Luật Đất đai hiện hành chưa thỏa đáng cũng khiến nhiều người dân không muốn chuyển đến các khu tái định cư.
Nghiên cứu mức giá bán và các biện pháp cho thuê nhà tái định cư
VARS đề xuất một loạt các biện pháp cụ thể để giải quyết tình trạng này, bao gồm quy hoạch hợp lý vị trí xây dựng, giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng để đảm bảo chất lượng và an toàn. Đồng thời, cần cải thiện chính sách đền bù, khuyến khích người dân tham gia vào quá trình quy hoạch và phát triển các dự án tái định cư để đảm bảo các dự án tái định cư được phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế và đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng.
Đối với các dự án căn hộ tái định cư đang triển khai, cần rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án chậm triển khai. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu mức giá bán và các biện pháp cho thuê nhà tái định cư, ghép nhà tái định cư với nhà ở xã hội, và cải thiện công tác quản lý, bảo trì tại các khu tái định cư.
Ngoài ra, cần áp dụng các chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho người dân khi cho thuê nhà tái định cư, chẳng hạn như miễn giảm thuế, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, và các khoản trợ cấp khác.
Việc thực hiện các giải pháp đồng bộ và linh hoạt sẽ giúp nâng cao chất lượng sống cho người dân, tận dụng hiệu quả tài nguyên và góp phần vào sự phát triển bền vững của đô thị.
VARS dự báo thị trường bất động sản phục hồi
Thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển ổn định và thay đổi theo chiều hướng tích cực. Cùng với việc đồng bộ chính sách, bất động sản sẽ hấp dẫn nguồn vốn đầu tư, nhất là khi hạ tầng đang ngày càng phát triển cũng tạo ra những trợ lực đáng kể. Trong đó, khu vực miền Bắc đang cho thấy tín hiệu khả quan so với miền Trung và miền Nam. Có thể kể đến như Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Cần Thơ là những điểm sáng.
Với những tín hiệu tốt, VARS nhận định quý I là “bước đệm nhẹ” để thị trường giữ nhịp, trước khi nhảy sang một bước tiến mới với những kỳ vọng về kết quả phục hồi rõ nét hơn ở các quý tiếp theo.
VARS đưa ra một số khuyến nghị thị trường, với nhà đầu tư bất động sản cần chuẩn bị dòng tài chính bền vững, ổn định và xem xét kỹ pháp lý dự án và quy hoạch của địa phương tránh bỏ tiền vào dự án vướng quy hoạch. Các chủ đầu tư bất động sản cần đảm bảo trách nhiệm pháp lý của mình trong minh bạch thông tin với khách hàng trong đó bao gồm tiến độ dự án, quy hoạch, giấy phép… Sàn giao dịch bất động sản nỗ lực xây dựng chính sách tuyển dụng hấp dẫn để thu hút môi giới giỏi, chất lượng cao có chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, cần liên tục tổ chức kế hoạch đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức hành nghề cho đội ngũ môi giới bất động sản. Các môi giới bất động sản cần tranh thủ thời gian để nhanh chóng kiện toàn năng lực, kiện toàn tri thức, bao gồm cả chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Nguồn: https://reatimes.vn/giai-phap-danh-thuc-can-ho-tai-dinh-cu-bo-hoang-202240519142717662.htm