Phấn đấu đạt 20 tỷ USD vào năm 2025

Trong Diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 – Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019” vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra yêu cầu ngành gỗ cần tiếp tục bứt phá trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Thủ tướng nhấn mạnh, kim ngạch xuất khẩu không chỉ đạt 11 tỷ USD trong năm 2019 mà phải đạt ở mức cao hơn, phấn đấu đạt 13 tỷ USD vào năm 2020 và đến năm 2025 đạt 20 tỷ USD. Cùng với “đơn đặt hàng” này, Thủ tướng cũng đưa ra khát vọng với các bộ, ngành là phải đưa Việt Nam vươn lên là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gỗ và lâm sản và là trung tâm sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của thế giới.

Năm 2005, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam bắt đầu gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD với việc xuất khẩu đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau 14 năm phát triển, ngành đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê mới nhất, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sảnViệt Nam đạt 9,382 tỷ USD, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị suất siêu đạt trên 7,1tỷ USD. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới và đứng thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng, đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các mặt hàng đáp ứng thị hiếu phong phú của người tiêu dùng, chủ yếu là đồ gỗ nội thất chất lượng cao, sản phẩm đồ gỗ ngoại thất.

Năm 2019, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD. (Ảnh: Phương Nguyên)

 

Năm 2019, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD. 

 

Từ hiệu quả của chủ trương xã hội hóa nghề rừng, chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, đến nay, tỷ trọng nguyên liệu chế biến gỗ trong nước đã đạt 76,4%, nhập khẩu giảm xuống ở tỷ lệ 23,4%. Năm 2018, sản lượng gỗ khai thác nội địa đạt 28,45triệu m3, tăng 6% so với năm 2017. Chất lượng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng đã từng bước được nâng lên, liên kết chuỗi từ công tác chọn tạo giống, trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng để trồng gỗ lớn khoảng 290 nghìn ha, thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng trên 220 ngàn ha. Đây là cơ sở để hình thành bản sắc riêng, niềm tự hào quốc gia, tự hào dân tộc.

Cùng với đó, năng lực chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản có sự tăng trưởng mạnh về quy mô, số lượng, chất lượng và tính thẩm mỹ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đến nay, cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó 95% là doanh nghiệp tư nhân, 3,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu trên 1.800 doanh nghiệp, tăng hơn 300 doanh nghiệp so với năm 2017. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng sản xuất và cung ứng thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng. Kinh tế lâm nghiệp tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, không chỉ mang lại sinh kế cho trên 25 triệu hộ dân mà còn khẳng định vị thế là ngành kinh tế xanh, mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước.

Mở đường cho gỗ

Ở Việt Nam, trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, kinh tế lâm nghiệp luôn khẳng định là trụ đỡ vững chắc. Trong 60 năm qua, dưới sự vào cuộc của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân cả nước ta đã hăng hái tham gia phong trào trồng cây, gây rừng, bảo vệ môi trường và đạt được nhiều kết quả tích cực, có ý nghĩa quan trọng. Thành tựu sau hơn 30 năm đổi mới, ngành Lâm nghiệp đã chủ động chuyển dần từ nền lâm nghiệp nhà nước dựa trên chế độ công hữu tài nguyên rừng, lấy khai thác lâm sản từ rừng tự nhiên là nguồn thu chính sang nền lâm nghiệp xã hội với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành gỗ của chúng ta hiện cũng đang tồn tại những hạn chế, bất cập. Trong đó, cái đáng chú ý nhất là đầu tư của Nhà nước chưa xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của ngành. Chính sách tín dụng chưa được triển khai tốt, chưa hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, chưa tạo điều kiện để người dân trồng rừng, phát triển rừng nguyên liệu. Việc bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng còn hạn chế; mối liên kết giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến và thị trường còn chưa chặt chẽ; xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia chưa được quan tâm đúng mức.

Trong thời gian tới, cùng với hội nhập quốc tế và sự tham gia các hiệp định thương mại, xu hướng nguồn nguyên liệu hợp pháp trong nước ngày càng chủ động sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam, duy trì được khả năng xuất siêu ở mức cao hơn. Đây cũng là cơ sở để năm 2019, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD, tương ứng tăng trưởng khoảng 18% so với năm 2018. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu, bên cạnh các thị trường truyền thống, sự gia tăng tiêu thụ tại các thị trường mới, tiềm năng như Canada, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Trung Nam Á… mở ra cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt là đồ gỗ nội thất trang trí phong cách cổ điển.

Theo congluan.vn