PV: Được biết, GS là một trong những phụ huynh thế hệ đầu của trường Thực Nghiệm. Ông có thể chia sẻ lí do vì sao ngày đó ông lại lựa chọn Thực Nghiệm làm nơi cho con mình theo học?
GS. Hà Đình Đức: Tôi biết tới trường Thực Nghiệm qua vợ của GS. Nguyễn Hoàng Phương. Từ thời buổi đó, GS. Phương đã là người nổi tiếng trong nghiên cứu Vật lý, vợ của ông Phương, bà Tân cũng là người làm về giáo dục.
Ngày đó, tôi tìm trường học cho đứa con trai lớn, được bà Tân giới thiệu trường Thực Nghiệm là cơ sở giác dục có áp dụng phương pháp đào tạo mới nên tôi cho con theo học.
Tôi vẫn nhớ, con tôi học khoá K2 - năm 1979 ( khoá K1 có những học sinh sau này thành đạt nổi tiếng như GS. Ngô Bảo Châu và GS. Nguyễn Lân Hiếu...). Lúc bấy giờ, tôi được tín nhiệm bầu làm trưởng ban phụ huynh của lớp con tôi nên ít nhiều cũng được chứng kiến những việc mà GS Hồ Ngọc Đại làm cho học sinh và ngôi trường này.
PV: GS có nhớ thời điểm ban đầu khi con trai bắt đầu vào trường Thực Nghiệm của GS. Đại không?
GS. Hà Đình Đức: Ngày đó, trường Thực Nghiệm đã có một hướng đào tạo vô cùng mới và khác lạ. Tôi vẫn nhớ như in, trẻ nhập trường phải qua kỳ thi với một số bài kiểm tra nhất định nhưng với điều kiện tiên quyết là không được biết đọc, biết viết trước, nếu không sẽ coi như bị loại.
Song những bài kiểm tra đầu vào rất hay như: thầy cô đưa ra trước mặt trẻ hai cái chén bằng nhau và 1 cái đĩa. Sau đó họ đổ gạo vào cả 2 cái chén.
Tiếp đến, họ đổ một chén gạo ra cái đĩa, còn chén kia vẫn giữ nguyên gạo trong đó rồi hỏi trẻ: chén hay đĩa nhiều gạo hơn? Nhiều đứa trẻ không biết trả lời như thế nào. Cậu con nhà tôi khi đó chỉ bừa cái chén nhiều gạo hơn.
Hay có bài kiểm tra khác, thầy cô giáo đưa cho trẻ con một bó que dài ngắn khác nhau để lộn xộn và bảo chúng hãy chọn que dài nhất, que ngắn nhất. Chưa kể, trường có bài kiểm tra tình huống, giả sử trẻ đi lạc trong đêm phải làm như thế nào? Tôi nhớ có đứa trả lời là con khóc, có đứa bảo là con quay lại, có đứa bảo mượn đèn pin để về nhà tiếp...
Tôi nghĩ, các bài kiểm tra này như một cách giao nhiệm vụ và để học sinh tự mình thử tìm hướng giải quyết nhiệm vụ.
PV: GS có ấn tượng gì về GS. Hồ Ngọc Đại - cha đẻ ngôi trường Thực Nghiệm hay không?
GS. Hà Đình Đức: Ông Hồ Ngọc Đại thời điểm mở trường là một nhà khoa học được đào tạo ở nước ngoài về nhưng chắc chắn ông không phải chuyên về ngành ngôn ngữ như nhiều người lầm tưởng. Vì thế, việc ông tâm huyết quay ra làm giáo dục, tôi phải nói rằng nó là sự hy sinh vô cùng lớn.
Song tính khí và cách làm việc của ông Đại cũng vô cùng đặc biệt khác người. Phải nói thật, bên ngoài nhiều người không ưa ông ấy.
Thời điểm tôi cho con đi học, lúc ấy phụ huynh thắc mắc mãi tại sao cả nước có mỗi trường này không cho học sinh tự đi xe đến trường. Ngày đó, trường Thực Nghiệm có ô tô đưa đón học sinh, mỗi tháng cha mẹ phải đóng thêm một khoản và trẻ được học bán trú cả ngày.
Tôi được nghe chuyện, có lần ô tô đón con trai ông Đại ở góc phố Hoàng Diệu, con ông ấy xuống chậm, lái xe của trường phải đợi. Thế nhưng sau đó ông Đại phê bình thẳng thừng người lái xe, nói rằng làm ảnh hưởng đến các học sinh khác. Qua đó cho thấy, ông ấy muốn tạo bình đẳng cho tất cả học sinh.
Ngày khai giảng, tôi nhớ, tôi dự khai giảng lần thứ 2 của con trai. Tại buổi lễ, ông Đại đọc diễn văn chỉ 5 - 10 phút rồi cho học sinh nghỉ.
Lần khai giảng thứ 3 của con, ngày đó chỉ có đại biểu được ngồi ghế, còn học sinh đứng. Thế nhưng, ông Đại yêu cầu đại biểu (kể cả trong đó có lãnh dạo cấp cao của ngành giáo dục tới dự) nhường ghế cho trẻ con ngồi hết. Sau đó, ông ấy phát biểu nhanh gọn, các đại biểu đón các cháu vào lớp, đàn anh khoá trước vẽ tranh làm kỷ niệm tặng các em mới vào trường làm dấu ấn.
PV: Với tư cách một người làm khoa học, một cựu phụ huynh của trường Thực Nghiệm, ông nhận xét thế nào về GS. Đại?
GS. Hà Đình Đức: Dù thế nào, ông ấy có công lớn trong việc áp dụng phương pháp dạy học công nghệ giáo dục, hàng trăm nghìn học sinh trưởng thành sau này là những con người tự tin và thành đạt trong cuộc sống. Phương pháp giáo dục đó phải có giá trị nhất định thì mới tồn tại đến 40 năm.
Tôi khẳng định, chắc chắn có một âm mưu chống đối hay phủ nhận thành quả giá trị thực tiễn của phương pháp đào tạo này đúng dịp trường Thực Nghiệm chuẩn bị 40 năm thành lập chăng?!
Đáng chú ý, dư luận lại đang áp đặt, suy luận và đồng nhất giữa phương pháp giáo dục của GS Ngọc Đại với cách thay đổi chữ viết của GS. Bùi Hiền. Tôi phải khẳng định, đây là 2 vấn đề khác nhau hoàn toàn. Thế nhưng, dư luận cứ xông vào, vơ đũa cả nắm, chuyện nọ xọ chuyện kia vô cùng nguy hiểm.
40 năm qua, những lứa học sinh trường Thực Nghiệm theo quan sát của cá nhân tôi, dù không dám khẳng định 100% nhưng những đứa trẻ cùng khoá với con tôi bấy giờ, khoảng 35 cháu/ lớp, đa phần chúng trưởng thành thành đạt trong cuộc sống sau này rất nhiều. Như con tôi dù học lực không phải xuất sắc nhưng sau này cũng là một kiến trúc sư thành đạt.
Con tôi học hết tiểu học tại trường Thực Nghiệm, sang cấp 2 chuyển sang học trường Trần Phú. Nó học được sự tự tin trong cuộc sống, độc lập, tư duy logic trong nhận thức ngay tù bậc tiểu học tại trường Thực nghiệm nên khi học lên cao cháu vẫn tiếp thu tốt những chương trình, cách dạy khác nhau...
Quan hệ học sinh thầy cô cũng rất tốt và cha mẹ không quá vất vả với việc kèm cặp con học vì thực tế chúng nó đi học bán trú, sáng đi chiều về, phần lớn thời gian trên lớp nên chúng tôi không cần theo dõi. Mà quan trọng nhất là con không có vấn đề gì cả, không cằn cặt như trẻ con bây giờ. Chúng nó cũng không có học thêm, học thắt.
PV: GS. có nhìn nhận như thế nào về sự kích động của một bộ phận dư luận "ném đá" vào phương pháp công nghệ giáo dục cũng như hành động xé sách giáo khoa của người bố sau khi dạy con học đánh vần “ô vuông, tam giác”?
GS. Hà Đình Đức: Tôi nghĩ, bây giờ phụ huynh có điều kiện, họ đầu tư và lo cho con tốt hơn xưa. Vì thế mà quá áp lực chính mình và cho con quá, chứ không như chúng tôi trước kia, mải làm việc nên ít quan tâm tới con mà tin tưởng giao cho thầy cô, trường học.
Ngày trước, thời chúng tôi, bọn trẻ không có học thêm nhưng vẫn giỏi vẫn tự tin, nhưng bây giờ đủ cả, trên lớp, ngoài giờ...
Ngoài ra, phụ huynh ngày nay cũng khác, cái gì họ cũng muốn biết, mà có những cải cách giáo dục khác với sự hiểu biết vốn có của họ nên sinh ra mâu thuẫn, tiêu cực. Chưa kể, phụ huynh lúc nào cũng đòi biết (nhưng lại không biết cho đầy đủ, tường tận đầu cuối) và cho rằng mình đúng, nên mới có việc dạy con đọc nhưng bố không hiểu nên xé sách của con.
PV: Với tư cách một người cha, theo GS. việc dạy dỗ trẻ nhỏ bằng quát tháo, bạo lực có thực sự là cách đúng?
GS. Hà Đình Đức: Tôi nghiệm ra, sự hình thành nhân cách của con người xã hội bắt đầu từ tuổi thứ 6. Khi đó, không chỉ bố mẹ mà cuộc sống xã hội xung quanh trẻ qua những giao tiếp ngoài cộng đồng, bạn bè, thầy cô ở trường lớp đã tác động vào đứa trẻ nhiều hơn (thậm chí là hơn cả bố mẹ), nó hiểu và học theo nên việc kiểm soát đứa trẻ không dễ dàng gì.
Còn với tôi, muốn dạy trẻ có 2 cách, một là mình đến với nó và hai là kéo nó đến với mình. Nhưng cách tốt nhất, dễ nhất là mình đến với trẻ.
Còn kỷ luật với trẻ con, tôi thấy, nó chỉ có sự leo thang theo mức độ nói nhẹ, mắng, đánh nhẹ, đánh đau. Và khi phạt con thì cha mẹ cứ leo đến mức không xuống được.
Tôi có từng biết một bà bảo vệ, bà này quát tháo con kinh khủng, đứa con trai cũng bướng. Bà ấy cứ dữ dằn với nó, đến mức, có ngày gọi nhưng con không thưa. Bà ấy treo ngược con lên, dí dao vào cổ và nói “mày có dạ không” nhưng nó vẫn không nói.
Tôi nghĩ rằng, với trẻ con, hãy tìm ra một hình thức kỷ luật đơn giản, vì chúng có cách diễn đạt của riêng nó.
Xin chân thành cảm ơn chia sẻ của GS!