Khi trẻ vào lớp 1, đôi khi bố mẹ còn lo lắng và... háo hức hơn cả con. Tuy nhiên, bước vào lớp 1 trẻ gặp phải rất nhiều những khó khăn thách thức. Trẻ phải làm quen với môi trường mới, cô giáo mới và cách học mới.
Phóng viên đã phỏng vấn PGS. TS. Dương Hải Hưng (giảng viên ngành Tâm lý học, ĐH Sư phạm Hà Nội) để phụ huynh hiểu rõ hơn những điểm cần quan tâm để chuẩn bị tâm lý cho con, đồng hành cùng con, giảm áp lực học tập cho con... trước thềm năm học mới.
Cha mẹ đừng bắt con "chạy ngay khi mới tập đi"
PV: Tuy thời điểm này đã bắt đầu vào năm học mới, nhưng có lẽ để bàn về việc chuẩn bị cho các con vào lớp 1, nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn về việc chọn trường. Họ không biết nên chọn trường công hay trường tư, cố gắng đầu tư cho con học trường quốc tế hay học "trường làng" cũng được. Quan điểm của PGS về việc này như thế nào?
PGS. TS. Dương Hải Hưng: Để chọn trường thì trước nhất các bậc cha mẹ cần tự đặt ra câu hỏi: Chọn trường theo tiêu chí nào?
Có nhiều tiêu chí mà mọi người hay nói đến, có thể là trường có cơ sở vật chất tốt, nhiều giáo viên giỏi, có danh tiếng... Theo tôi, cái quan trọng nhất khi chọn trường cho con vào lớp 1 đó là: cô yêu thương trẻ. Vậy thôi, chỉ cần như vậy là đủ.
Với các bé 6 tuổi, cha mẹ không nên đặt nặng vấn đề về kiến thức. Chúng ta cần con tự tin, vui vẻ, yên ấm và an toàn, chúng ta cần con cảm nhận được sự yêu thương. Được yêu thương thì trẻ mới tự tin, sáng tạo được. Không tạo sự an toàn về tâm lý thì không có tự tin, trẻ không tự tin thì làm sao thông minh được?
Với những tiêu chí đó, thì học trường nào cũng được và không quá quan trọng thành tích. Cha mẹ đừng mong con phải giỏi, phải thành thiên tài. Người lớn đang tự áp đặt và làm khổ nhau, làm khổ cả con trẻ vì muốn con giỏi.
Các bố mẹ mới có con mới đi học thường hỏi nhau, hoặc được hỏi: “Cháu học thế nào? Viết đẹp không? Chịu khó học không? Học Tiếng Anh tốt không?”... Các câu hỏi đó vô tình đã tạo nên áp lực tâm lý không cần thiết.
PV: Như vậy áp lực học tập với trẻ một phần là do những suy nghĩ sai lầm của cha mẹ?
PGS. TS. Dương Hải Hưng: Cha mẹ cũng cần thay đổi tâm lý: mình không phải thiên tài, con cũng vậy, mình không giỏi, đừng bắt con giỏi.
Con chỉ là người bình thường thôi, sẽ có những điểm mạnh và điểm yếu, cha mẹ cần dõi theo và phát huy những điểm mạnh của con và hỗ trợ con khắc phục những điểm yếu.
Một điều rất bình thường nữa là: Con mới đi học, đó là những bước đi chập chững đầu tiên cần tập đi thì mới đi giỏi được, cha mẹ không nên bắt con chạy ngay khi con mới tập đi. Thay vào đó, cha mẹ đồng hành cùng con, hỗ trợ, khuyến khích con và con sẽ tiến bộ trong quá trình học tập.
Cha mẹ đừng bắt buộc con phải hoàn thiện ngay. Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, vì vậy cha mẹ hãy thừa nhận, tôn trọng và động viên, khuyến khích, tuyệt đối không so sánh, không “nhìn sang nhà hàng xóm” để đánh giá con mình.
Trẻ có thể bị sốc, sợ đi học nếu cha mẹ không ứng xử hợp lý
PV: Chị có thể nói thêm về những áp lực tâm lý mà trẻ phải đối mặt khi bước vào lớp 1?
PGS. TS. Dương Hải Hưng: Người lớn thường nghĩ học lớp 1 mà, có gì đâu, nhưng thực ra với các con, lớp 1 là khó khăn vô cùng. Các con đang học mẫu giáo với hình thức học mà chơi, chơi mà học với thời lượng dưới 30 phút/tiết học có 2 – 3 cô giáo/lớp học.
Trong lớp học các con được tham gia rất nhiều hoạt động. Vào lớp 1, các con phải học đọc, viết và hoàn thành bài theo quy định của cô, không được mất trật tự bên cạnh đó lớp học đông mà chỉ có 1 cô giáo quán xuyến mọi hoạt động trong lớp nên bắt buộc cô phải dùng các hình thức kỷ luật để “giữ vững trật tự" cho lớp.
Từ những thay đổi đó, tác động không nhỏ đến tâm lý của trẻ, khiến trẻ sợ hãi khi đến lớp và sốc về mặt tâm lý.
Nhiều trường hợp có trẻ bị sang chấn tâm lý, phụ huynh phải tìm đến các chuyên gia tâm lý để nhờ hỗ trợ. Có nhiều bé khi học mẫu giáo thì hoàn toàn bình thường, sau khi vào học lớp 1 thì bé có những phản ứng như trước khi đi học trẻ hay kiếm cớ đau bụng, mệt mỏi, bị bệnh, ốm không thể đi học.
Có bé thì đến cổng trường cha mẹ thả xuống là la hét. Có bé chịu vào lớp ngồi, nhưng đến giờ chỉ xếp đồ chơi lên bàn chơi, không chịu học….
Ngay cả với những bé vẫn học hành bình thường cũng có những khó khăn tâm lý nhất định khi đi học lớp 1.
Qua phân tích trên cho thấy sau khi học ở trường căng thẳng học thì con cực kỳ mệt mỏi và cần một chỗ dựa về tâm lý, vì vậy cha mẹ nên đồng hành cùng con, đừng tạo thêm những áp lực cho con.
PV: Theo PGS. cha mẹ nên làm gì để giúp trẻ bớt đi áp lực tâm lý khi mới đi học?
PGS. TS. Dương Hải Hưng: Cha mẹ nên có cách ứng xử hợp lý. Trước hết, hãy tăng cường thời gian dành cho con.
Dù cha mẹ bận rộn nhưng khi đón con nên dành thời gian cho con chơi một chút ở trường, giúp con làm quen với môi trường mới. Hãy trò chuyện, chia sẻ với con về bạn bè, về thầy cô, quan tâm xem con có điều gì vui, có gì buồn.
Bên cạnh đó, cha mẹ thay vì áp lực bài vở của con thì hãy cố gắng “kiềm chế” khi cùng con học. Hãy biến những giờ làm bài tập ở nhà thành hoạt động thú vị cùng con và trải nghiệm “khoảng thời gian bên con” bởi vì dù cha mẹ có cáu gắt, nóng giận thì bé cũng không thể thành thiên tài ngay được mà khi trẻ sợ hãi, luống cuống thì trẻ càng khó tiếp thu.
PV: Nhiều phụ huynh cho rằng nên cho con học trước chương trình để khi vào lớp 1 đỡ gặp những khó khăn như chị vừa nêu, quan điểm của chị như thế nào?
PGS. TS. Dương Hải Hưng: Tôi không đồng ý với quan điểm đó. Các bé được học trước chương trình thì nhanh hơn một chút khi vào lớp 1, nhưng cũng có nhược điểm: các con đã quen với việc học dễ dàng, khi gặp những bài học cần sự “nỗ lực vượt khó” trẻ sẽ lười, ỷ lại, nản chí.
Mặt khác, trẻ quen với việc biết trước hoàn thành trước nên trẻ sẽ dễ dẫn tới chủ quan khi làm bài. đến khi.
Trong khi các bạn không đi học trước nên quen khó khăn, nỗ lực suốt trong quá trình. Như chuyện “Rùa và Thỏ”, các bạn không học trước lúc đó sẽ vượt lên.
Theo quan điểm của tôi hãy để trẻ lớn đúng tuổi, đừng đánh cắp tuổi thơ của con bắt con đi học trước. Các nhà tâm lý, giáo dục học, sinh lý học đã nghiên cứu kỹ về lứa tuổi bắt đầu cho trẻ đi học. Vậy thì bố mẹ hãy thuận theo tự nhiên, đừng bắt trẻ “chín ép”
PV: Xin cảm ơn PGS!