Sáng 29/12, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức hội thảo về phương án quy hoạch và giải pháp phát triển các khu công nghiệp Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thông tin tóm tắt về nội dung báo cáo phục vụ công tác lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội của Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng ban quản lý cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 10 khu công nghiệp đã thành lập và đi vào hoạt động, với tổng diện tích trên 1.300 ha. Trong số này, có 9 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy gần 100% và 1 khu đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đang tích cực thu hút đầu tư. Cũng trong 10 khu công nghiệp, có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động đã và đang tiến hành xây dựng với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở; đã hoàn thành được 8.388 chỗ và bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ.

Qua rà soát 14 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 2.800 ha do không đủ điều kiện để xem xét phát triển thành khu công nghiệp và không phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, không có trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch chung xây dựng huyện nên Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng các khu công nghiệp đang hoạt động và định hướng phát triển hệ thống khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn kết với hệ thống, mạng lưới giao thông theo quy hoạch Thủ đô, vị trí, định hướng quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp cơ bản được bố trí tiếp cận theo các tuyến đường vành đai (2,3 và vành đai liên vùng 4, 5), các trục đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm (1,2, 3,5, 6), Đại lộ Thăng Long, các trục đường phát triển kinh tế (Bắc - Nam, Cienco 5, Đỗ Xá - Quan Sơn) và các sân bay, cảng sông Hồng.

Hà Nội: Đánh giá sát thực tiễn, đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp xứng tầm
Hà Nội: Đánh giá sát thực tiễn, đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp xứng tầm

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Ban quản lý cũng kiến nghị cập nhật, bổ sung vào phương án phát triển hệ thống các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng số 24 khu công nghiệp, có tổng diện tích trên 5.800 ha; phát triển nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa - xã hội phục vụ công nhân, lao động tại các khu công nghiệp…

Các KCN gắn kết với hệ thống, mạng lưới giao thông theo quy hoạch Thủ đô. Vị trí, định hướng quy hoạch, xây dựng các KCN cơ bản được bố trí tiếp cận theo các tuyến đường vành đai (2,3 và vành đai liên vùng 4, 5), các trục đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm (1,2, 3,5, 6), Đại lộ Thăng Long, các trục đường phát triển kinh tế (Bắc - Nam, Cienco 5, Đỗ Xá - Quan Sơn) và các sân bay, cảng sông Hồng.

Đối với việc phát triển nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa - xã hội phục vụ công nhân lao động, Ban đề nghị các sở, ngành, UBND các quận, huyện có KCN nghiên cứu, xem xét bố trí vị trí, quy mô nhà ở công nhân để gắn kết với phát triển hệ thống các KCN trên địa bàn TP theo kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 đã được phê duyệt.

Tại hội thảo, bên cạnh nhiều tham luận chuyên sâu của các chuyên gia, đại diện Sở Xây dựng, Cục Thống kê thành phố cũng đóng góp ý kiến góp phần hoàn thiện báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, Ban quản lý cần bổ sung các thông số về người lao động trực tiếp, gián tiếp làm việc trong các khu công nghiệp và các nhu cầu liên quan đến nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sẽ tăng theo. Bởi trong giai đoạn tới, tỷ lệ đô thị hóa tăng đáng kể sẽ tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu dân cư từ nông nghiệp sang đô thị và khu công nghiệp.

Còn theo đại diện Cục Thống kê thành phố, thực trạng thu hút dự án của các khu công nghiệp, các giá trị mang lại cho nền kinh tế - xã hội như kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách, doanh thu, giá trị gia tăng các dự án đạt được là những thông tin cần làm rõ. Đại diện Cục viện dẫn số liệu trong 10 khu công nghiệp đang hoạt động, số dự án đầu tư nước ngoài là hơn 300 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 6,1 tỷ USD (chiếm 89%). Số dự án trong nước gần tương đương, xấp xỉ 400 dự án, nhưng tổng số vốn có sự chênh lệch lớn, chỉ đạt 18.000 tỷ đồng (chiếm 11%). Trên cơ sở đó, Cục đề xuất định hướng phát triển và quy hoạch khu công nghiệp Thủ đô Hà Nội cần hướng đến thu hút dự án tạo ra giá trị cao, đóng góp lớn cho tổng sản phẩm trên địa bàn như điện, điện tử, dược phẩm, cơ khí chế tạo, công nghệ thông tin…

Phát biểu kết luận, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nhấn mạnh, hội thảo là hoạt động đầu tiên được tổ chức nhằm bàn thảo và tập hợp những vấn đề mang tính gợi mở về phương án quy hoạch và giải pháp phát triển khu công nghiệp Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất thành phố tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện nội dung báo cáo phục vụ công tác lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Những vấn đề cần có sự trao đổi, bàn bạc kỹ lưỡng sẽ tiếp tục được làm rõ trong các buổi làm việc tới đây.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ha-noi-danh-gia-sat-thuc-tien-day-manh-phat-trien-cac-khu-cong-nghiep-xung-tam-20201231000008456.html