Sáng 25/2, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch COVID-19” với 63 tỉnh, thành phố Trung ương tại hơn 700 điểm cầu. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chủ trì Hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, lãnh đạo Sở Y tế cùng đại diện một số sở, ngành Hà Nội.
Hà Nội dự kiến có 5.600 giường bệnh
Tham luận tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội với vai trò trung tâm đầu mối giao thương trong nước và quốc tế, khả năng nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất cao. Chính vì vậy Thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn, TP đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, cả hệ thống chính trị Hà Nội cùng vào cuộc trong công tác phòng dịch; hằng tuần thường trực Thành ủy nghe tình hình và có chỉ đạo để các đơn vị thực hiện; TP thành lập Ban Chỉ đạo, phân công và xây dựng cụ thể kế hoạch triển khai phòng chống dịch bệnh Covid-19 với 4 mức độ khác nhau và có giải pháp cụ thể cho từng mức độ; tổ chức 3 buổi giao ban/tuần và nếu đột xuất sẽ có họp tất cả Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã để thực hiện.
Đối với chính quyền cấp ủy các cấp từ Thành phố đề quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn, tổ dân phố đều đồng loạt triển khai thực hiện tuyên truyền, thực hiện các giải pháo thành phố đã chỉ đạo.
Về công tác cách ly, thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, chủ động giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu và các cơ sở y tế nhằm phát hiện sớm và tổ chức cách ly theo quy định; thực hiện nghiêm túc cách ly đối với trường hợp từ nước ngoài về, đặc biệt là Trung Quốc, gần đây là Hàn Quốc và các nước, khu vực nhiễm dịch.
Chủ động giao ngành y tế phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận 950 người có thể cách ly tập trung tại Hội trường của Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Vì thế đến nay, Hà Nội chưa có ca nhiễm bệnh, 78 trường hợp nghi ngờ, có 77 trường hợp âm tính và 1 ca đang theo dõi; 2.110 trường hợp cách ly y tế, đến nay đã có 1.779 trường hợp đã kết thúc thời gian cách ly, còn 331 trường hợp tiếp tục theo dõi tiếp.
Về công tác vệ sinh môi trường, TP triển khai khử khuẩn, tất cả các cơ quan công sở, xí nghiệp, trường học, chung cư, các khu công cộng như bến xe, ga tàu, trường học trên địa bàn được Thành phố chủ động yêu cầu nghiêm túc thực hiện vệ sinh môi trường khử khuẩn.
Đối với các cơ quan do các cơ quan chủ động thực hiện và có hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan y tế, chính quyền các phường. Đối với trường học, toàn bộ cán bộ, giáo viên, thậm chí cả phụ huynh tham gia để vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường học.
TP Hà Nội cũng mới ban hành văn bản liên ngành Sở Giáo dục đào tạo, Sở Y tế, Sở LĐ TB&XH hướng dẫn tất cả các trường trên địa bàn Thành phố về công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại, hướng dẫn này mang tính chất “cầm tay chỉ việc”. Đến nay, Hà Nội đã triển khai vệ sinh, khử khuẩn trường học được 4 lần và cuối tuần này sẽ tiếp tục thực hiện trước khi học sinh đi học trở lại.
Chiều nay, TP sẽ tổ chức tập huấn cho trên 5.000 cán bộ, giáo viên trên địa bàn TP về công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn và hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh trong nhà trường để các trường triển khai thực hiện.
Về bảo đảm nguồn nhân lực, trang thiết bị phòng chống dịch bệnh, Hà Nội đã tập trung nguồn lực và cơ sở vật chất phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng 400 giường điều trị khi có bệnh nhân; rà soát tất cả các nơi, dự kiến sẽ có 5.600 giường bệnh cho bệnh nhân, đồng thời lên phương án xây dựng các bệnh viện trên cơ sở cơ sở vật chất sẵn có ở Bộ Tư lệnh Thủ đô với 2 cơ sở có thể bố trí từ 600 đến 1.000 giường bệnh khi được bổ sung trang thiết bị và nguồn lực vào đây.
Hiện TP đã bố trí cấp hơn 400 tỷ đồng để mua vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hà Nội thường xuyên kiểm tra và sẵn sàng ứng phó từ cấp Thành phố đến cấp cơ sở.
Cần sớm có hướng dẫn thống nhất về đối tượng, hình thức cách ly
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tập trung thực hiện 5 giải pháp: Tuyên truyền tốt để mọi người dân tham gia công tác phòng, chống dịch; tổ chức cách ly theo đúng hướng dẫn, đúng quy định; chuẩn bị các cơ sở vật chất; vệ sinh môi trường, khử khuẩn; tăng cường công tác kiểm tra.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị sớm có hướng dẫn về các trường hợp, hình thức cách ly đối với những người từ vùng dịch trong nước và quốc tế để các địa phương trên cả nước thống nhất thực hiện; Ban Chỉ đạo TƯ có những biện pháp hạn chế xuất nhập cảnh đối với những người đi/đến từ vùng dịch.
Bộ Y tế có giải pháp liên quan đến vật tư và trang thiết bị y tế nhằm khử khuẩn, phòng, chống dịch. Hiện có cơ sở cách ly của Hà Nội khoảng 88 giường bệnh nhưng sắp quá tải, vì vậy đề nghị Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Quốc gia cho phép Hà Nội được đưa những người cách ly tập trung về cơ sở đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chuẩn bị trên địa bàn Thành phố, trong đó có 950 giường chuẩn bị sẵn sàng.
Không để dịch bệnh lây nhiễm chéo
"Đến thời điểm này, Việt Nam đã điều trị khỏi bệnh cho 16/16 trường hợp nhiễm Covid-19. Đáng chú ý là 11 ngày qua không phát hiện thêm ca nhiễm mới Covid-19 nào. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số quốc gia, nhất là Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran. Chính vì vậy, ngành Y tế các địa phương không chủ quan, các cơ sở y tế vẫn phải nghiêm khắc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, thực hiện đồng bộ các biện pháp như: phát hiện sớm các ca bệnh; cách ly kịp thời; khoanh vùng dập dịch hiệu quả; không để lây chéo bệnh ra nhân viên y tế và cộng đồng, không để ai nhiễm bệnh mà ngành Y tế không được biết. Nếu phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 mới thì phải dốc toàn lực để sớm điều trị khỏi bệnh” - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên