Ngày 16/3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký ban hành Kế hoạch về việc quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022.
Theo đó, thành phố đặt 7 mục tiêu cụ thể trong công tác quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn. Thứ nhất là xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống kết nối hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động. Thứ hai là tiếp tục tổ chức khởi công, xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2019 - 2020. Thứ ba, trong năm nay quyết định thành lập, mở rộng thêm 15 - 20 cụm công nghiệp mới. Thứ tư là bổ sung 4 cụm công nghiệp mới vào Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030.
TP đặt kế hoạch phấn đấu 100% cụm công nghiệp đang hoạt động được quản lý hoạt động theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; 100% cụm công nghiệp xây mới có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; 100% các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, TP yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã có cụm công nghiệp chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và đơn vị liên quan để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn và thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; phối hợp với các sở, ngành để giải quyết các nội dung vướng mắc theo thẩm quyền; đề xuất báo cáo UBND TP các nội dung vượt thẩm quyền.
Quản lý, theo dõi, xử lý việc sử dụng đất, xây dựng trái phép theo đúng quy định và quy hoạch đã được phê duyệt; đề xuất xử lý vi phạm (nếu có)... Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ khởi công các cụm công nghiệp trên địa bàn đã được phê duyệt. Rà soát các cụm công nghiệp chậm triển khai để báo cáo UBND TP xem xét, xử lý theo quy định hiện hành…
Đối với chủ đầu tư các cụm công nghiệp, TP yêu cầu thực hiện nghiêm túc và đầy đủ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quyết định thành lập, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, đảm bảo tiến độ khởi công và hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ quy định. Chủ động kêu gọi, thu hút, tiếp nhận dự án đầu tư vào cụm công nghiệp trên cơ sở quy hoạch chi tiết và ngành nghề đã được phê duyệt bảo đảm đúng quy định; ưu tiên các nhà đầu tư, dự án sử dụng công nghệ mới, kỹ thuật cao, các hộ sản xuất tại các làng nghề, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường…
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 4836/UBND-KT, đôn đốc tiến độ triển khai các dự án cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Công văn nêu rõ, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án cụm công nghiệp, sớm đưa vào hoạt động, thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế trong bối cảnh thành phố thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, UBND thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố, UBND các huyện, thị xã có cụm công nghiệp căn cứ quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố, chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 2294/UBND-KT ngày 9-6-2020; đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư các cụm công nghiệp triển khai thủ tục đầu tư, xây dựng đảm bảo đúng quy định và tiến độ được phê duyệt; tham mưu, đề xuất UBND thành phố xử lý các trường hợp vi phạm, chậm khởi công, triển khai do chủ đầu tư không đủ năng lực theo quy định.
Về biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc về đất đai: Các dự án cụm công nghiệp thuộc danh mục dự án nhà nước thu hồi đất cần được quán triệt và tuyên truyền tới các tổ chức và cá nhân liên quan. UBND các huyện, thị xã căn cứ chủ trương thực hiện dự án của cấp có thẩm quyền, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt, triển khai trình tự, thủ tục liên quan đến điều tra, khảo sát, kiểm đếm làm cơ sở để lập dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định; việc ban hành các quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ sẽ được thực hiện sau khi đáp ứng đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/du-kien-thanh-lap-mo-rong-15-20-cum-cong-nghiep-moi-20201231000005711.html