Theo đó, Tổ công tác có 25 thành viên do Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong là Tổ trưởng. Nhiệm vụ của Tổ công tác là nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của thành phố về cải tạo, xây dựng nhà chung cư theo quy định của Nghị định số 69 ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo chung cư cũ và các quy định khác có liên quan.

Sở Xây dựng là cơ quan thường trực của Tổ công tác, chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng các quy định của thành phố về cải tạo, xây dựng nhà chung cư, gửi tổ công tác để xem xét, đánh giá, hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy trình, quy định. Đồng thời, Tổ công tác được sử dụng con dấu của Sở Xây dựng để phục vụ công tác; kinh phí hoạt động do ngân sách thành phố đảm bảo theo quy định.

Hà Nội: Lập Tổ công tác để nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư
Hà Nội: Lập Tổ công tác để nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư

Tổ công tác tự giải thể sau khi quy định về tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của thành phố về cải tạo, xây dựng nhà chung cư được cấp có thẩm quyền ban hành.

Trước đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 947-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP.

Theo quyết định, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội phân công cơ quan thường trực, xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.

Theo đó, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh Hà Nội làm Trưởng ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo. Các Phó Trưởng ban Chỉ đạo gồm: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải...

Bộ Xây dựng cũng lập tổ công tác triển khai chính sách hỗ trợ NƠXH, cải tạo chung cư cũ
Bộ Xây dựng cũng lập tổ công tác triển khai chính sách hỗ trợ NƠXH, cải tạo chung cư cũ

Về phía Bộ Xây dựng, mới đây Bộ cũng vừa có Quyết định 56/QĐ-BXD thành lập Tổ công tác triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Cụ thể, căn cứ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình; Bộ Xây dựng vừa có Quyết định 56/QĐ-BXD thành lập Tổ công tác triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Theo đó, Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh là Tổ trưởng; Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bùi Xuân Dũng là Tổ phó. 10 thành viên là đại diện lãnh đạo các vụ, cục trực thuộc bộ: Cục Quy hoạch - Kiến trúc; Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo quyết định, Tổ công tác có nhiệm vụ làm việc với các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra về xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; việc bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư, quản lý sử dụng nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp); việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm kịp thời thúc đẩy tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo kế hoạch trên, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ cải tạo, xây dựng lại 6 khu chung cư, nhà chung cư nguy hiểm cấp D, gồm: Khu tập thể Giảng Võ, khu tập thể Thành Công, khu tập thể Ngọc Khánh, khu tập thể Bộ Tư pháp (quận Ba Đình), nhà chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa), nhà 148-150 Sơn Tây (quận Ba Đình).

Để triển khai kế hoạch trên, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội giao quận Ba Đình, quận Đống Đa hoàn thành di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D trong quý 1/2022.

Theo thống kê, tại thời điểm năm 2020, trên địa bàn TP.Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ (bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ) chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến 1994 (một số ít nhà xây dựng trước năm 1954) tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 18 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng (trong đó, có 2 nhà nguy hiểm cấp D), 14 dự án đang triển khai. Các dự án đã hoàn thành thực hiện theo 3 mô hình: Mô hình sử dụng nguồn vốn ngân sách; Mô hình sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách có sự hỗ trợ từ Thành phố và Mô hình sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách.

Theo An An/Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/lap-to-cong-tac-de-hoan-thien-cong-tac-cai-tao-chung-cu-20201231000005706.html