Thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, năm 2020 trên địa bàn Thành phố còn tồn tại 34 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Lực lượng liên ngành GTVT - Công an Thành phố đã phối hợp, thực hiện nhiều giải pháp xử lý 8/34 điểm ùn tắc.

Trong năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu giảm được từ 8 - 10 điểm ùn tắc như: Phùng Chí Kiên - Hoàng Quốc Việt, nút giao cầu 361 - Nguyễn Khang, điểm quay đầu Trung Văn - Tố Hữu, đường Vành đai 3 đoạn nút giao Big C, Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ.

Hiện Hà Nội có khoảng 7,1 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Trong đó xe máy là hơn 6 triệu chiếc, ô tô gần 900 nghìn chiếc, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn.

Tốc độ tăng trưởng của ô tô là 10,2%/năm và xe máy là 6,7%/năm, trong khi đó tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị còn thấp, mới đạt khoảng 10,2% (tỷ lệ cần đạt là 20 - 26%). Vì vậy, nguy cơ ùn tắc là khó tránh khỏi và dự báo sẽ ngày càng diễn biến phức tạp hơn.

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, để kéo giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn trong thời gian tới, Sở đã đề xuất UBND Thành phố một số nhóm giải pháp gồm: Xén  dải phân cách để mở rộng tối đa diện tích mặt đường dành cho phương tiện lưu thông.

Xây dựng cầu vượt tại một số nút giao thông quan trọng. Nghiên cứu cho các phương tiện rẽ phải liên tục, cấm rẽ trái tại một số nút giao thông để hạn chế xung đột phương tiện. Liên tục theo dõi để có phương án điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông hợp lý theo lưu lượng phương tiện.

Tăng cường lực lượng phân luồng, hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm, tại vị trí các nút giao. Trong đó phân rõ các nút giao thuộc trách nhiệm của thành phố, trách nhiệm của UBND cấp quận, phường,...

Trong kế hoạch năm 2021, ngành GTVT Hà Nội phấn đấu hoàn thành 38/91 công trình hạ tầng, bảo đảm tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 10,35% trở lên. Thành phố cũng đang tích cực phối hợp với Bộ GTVT để sớm đưa vào khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng ùn tắc là do quá tải hệ thống hạ tầng, xung đột tại một số nút giao thông có mật độ cao, tiến độ một số dự án giao thông trọng điểm còn chậm so với yêu cầu, việc quản lý quy hoạch và xây dựng còn lỏng lẻo,...

Đặc biệt là hạ tầng nhiều khu đô thị mới còn thiếu đồng bộ như thiếu bãi đỗ xe, trường học, tình trạng “ở một nơi, đi làm, đi học một nẻo” khiến áp lực giao thông ngày càng nặng nề.

Những khu đô thị từng được coi là kiểu mẫu như: Trung Hòa - Nhân Chính, Linh Đàm,... hiện đã quá tải. Dẫn đến việc  nhiều tuyến đường như: Vành đai 3, Lê Văn Lương - Tố Hữu, Trần Duy Hưng,...rơi vào cảnh ùn tắc do sự phát triển quá nhanh của các chung cư cao tầng.

Việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ quan công sở cũng đã được nêu ra tại Luật Thủ đô năm 2012 nhưng tiến độ còn chậm.

Một số cơ sở sản xuất đã được di dời tuy nhiên thay vào đó lại là các khu đô thị lớn, các chung cư cao tầng với dân số còn nhiều hơn số công nhân trước đó. Áp lực dồn lên hệ thống hạ tầng xã hội, giao thông vốn đã nặng nay càng nặng hơn.

Vì vậy ngoài những giải pháp trước mắt, Thành phố cần có những chiến lược lâu dài để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng và chú trọng công tác quản lý quy hoạch xây dựng một cách đồng bộ.

Theo Công luận

Nguồn: https://congluan.vn/ha-noi-phan-dau-xu-ly-dut-diem-tu-8--10-diem-un-tac-giao-thong-post114240.html