Thời gian gần đây, nhiều phiên đấu giá đất liên tục được mở ra tại ven đô, có thửa đất sau đấu giá đạt ngưỡng cao gấp 2 đến 3 lần giá đất tại địa phương. Cụ thể, trên địa bàn Hà Nội, trong thời gian từ cuối tháng 7 đến nửa đầu tháng 9/2022 đã có nhiều phiên đấu giá đất được tổ chức. Đáng chú ý, tại huyện Mê Linh và Đông Anh, nhiều phiên đấu giá đất được tổ chức thành công, sau đấu giá tạo nên mức giá mới tăng cao kỷ lục; Mê Linh được coi là tâm điểm của những cuộc đấu giá đất.
Việc giá đất sau đấu giá tăng cao sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây "sốt đất", "bão giá" với thị trường. Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung xảy ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất, xuất hiện hiện tượng “cò đấu giá” hay “quân xanh, quân đỏ”. Đặc biệt là tình trạng đưa giá cao rồi bỏ cọc tạo hiệu ứng giá ảo, gây nhiễu thị trường hoặc lập hồ sơ khống để hạ thấp tài sản đấu giá làm thiệt hại ngân sách Nhà nước và gây bức xúc trong dư luận.
Do đó, trước những diễn biến tiêu cực này, ngoài việc thực hiện quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thiết lập hồ sơ dự án đấu giá quyền sử dụng đất; công tác thẩm định và phê duyệt quy hoạch; công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị quỹ đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định; tập trung rà soát, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các tổ chức tư vấn đấu giá quyền sử dụng đất; lựa chọn tổ chức tư vấn đấu giá có uy tín, trách nhiệm và tuân thủ quy định của pháp luật; mới đây, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định 32/QĐ-UBND về việc tiếp tục yêu cầu siết chặt công tác đấu thầu, đấu giá đất đai đối với những dự án đầu tư có sử dụng đất của tổ chức đấu thầu. Đồng thời, phân cấp mạnh hơn cho chính quyền cấp quận, huyện, thị xã trong việc tổ chức thực hiện.
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP giao các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành trực thuộc UBND TP làm bên mời thầu tổ chức thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư có quy mô tổng vốn đầu tư từ 2.500 tỷ đồng trở lên hoặc quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên trong khu vực quận, từ 25ha trở lên tại khu vực còn lại. TP cũng giao UBND quận, huyện, thị xã làm bên mời thầu tổ chức thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư còn lại. Trong trường hợp đặc biệt, Chủ tịch UBND TP quyết định cụ thể giao đơn vị mời thầu khi phê duyệt danh mục dự án lựa chọn nhà đầu tư.
Phân công công việc cụ thể cho các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP và UBND các quận, huyện, thị xã trong việc cung cấp thông tin và giải quyết thủ tục hành chính thuộc chức năng, nhiệm vụ theo quy định và phân cấp, ủy quyền thực hiện một số nội dung công việc liên quan đến đất đai.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn, cung cấp thông tin quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; giải quyết thủ tục thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh nhiệm vụ lập quy hoạch, đồ án quy hoạch chi tiết; chấp thuận tổng mặt bằng.
Sở KH&ĐT hướng dẫn, cung cấp thông tin, giải quyết thủ tục về chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư; Cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký và thủ tục đầu tư khác theo quy định pháp luật;
Sở TN&MT hướng dẫn, cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch, chính sách quản lý đất đai, môi trường; hướng dẫn, giải quyết thủ tục đất đai, báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; hướng dẫn, công tác đo đạc và bản đồ.
Sở Xây dựng hướng dẫn, cung cấp thông tin, giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nhà ở, xây dựng, kinh doanh bất động sản, hạ tầng kỹ thuật đô thị; Hướng dẫn, giải quyết thủ tục về thẩm định dự án, thẩm định thiết kế đối với dự án, công trình thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý; Cấp phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng; Sở GTVT hướng dẫn, cung cấp thông tin về quy hoạch chuyên ngành, quản lý công trình giao thông; hướng dẫn, giải quyết thủ tục về thẩm định dự án, thẩm định thiết kế đối với dự án, công trình thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý.
Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng vừa ban hành Công văn số 2807/UBND-TNMT về tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay trên địa bàn thành phố.
Theo đó, căn cứ chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 2/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội”; tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch số 157/KH-UBND ngày 6-6-2022 của UBND thành phố Hà Nội về triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 2/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội”, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Đó là: Tăng cường cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về đất đai; lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh; hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất; công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất.
Đáng chú ý, trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở chuyên ngành; UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ tiếp tục thực hiện tốt Công điện số 1767/CĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; Văn bản số 2015/VPCP-PL ngày 1/4/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc rà soát pháp luật về đấu giá tài sản; Văn bản số 413/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 20/1/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc rà soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Văn bản số 5370/BXD-QLN ngày 24/12/2021 của Bộ Xây dựng về việc đánh giá và rà soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, thực hiện quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thiết lập hồ sơ dự án đấu giá quyền sử dụng đất; công tác thẩm định và phê duyệt quy hoạch; công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị quỹ đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định; tập trung rà soát, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các tổ chức tư vấn đấu giá quyền sử dụng đất; lựa chọn tổ chức tư vấn đấu giá có uy tín, trách nhiệm và tuân thủ quy định của pháp luật.
Tổ chức công bố công khai thông tin về các dự án đấu giá quyền sử dụng đất và kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất hằng năm được phê duyệt bảo đảm minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu sử dụng đất tiếp cận đất đai. Thực hiện nghiêm túc, đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Rà soát, kiểm tra, đánh giá, đề xuất kiến nghị xử lý theo quy định đối với trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng, đủ theo phương án được phê duyệt hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Thường xuyên rà soát, tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định về đấu giá quyền sử dụng đất; báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Từ đầu năm 2022 đến nay, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành nhiều văn bản mới và văn bản sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục, siết chặt công tác quản lý trong hoạt động đấu thầu, đấu giá đất đai trên địa bàn. Cụ thể như Quyết định 24/2022/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 27/2020/QĐ-UBND về đấu giá quyền sử dụng để giao đất có thu tiền sử dụng hoặc cho thuê đất; Công văn 2269/UBND-TNMT tăng cường kiểm soát, chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác đấu giá; Công văn 2807/UBND-TNMT tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ha-noi-siet-chat-quan-ly-cong-tac-dau-thau-dau-gia-dat-20201231000007486.html