Theo kế hoạch, về quán triệt, tuyên truyền phổ biến nội dung của Nghị quyết số 115/2020/QH14: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp nhằm truyền tải tới các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư về nội dung Nghị quyết và ý nghĩa, tầm quan trọng của các cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù trong Nghị quyết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nắm được đầy đủ nội dung các cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù được quy định trong Nghị quyết để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả trên tinh thần đổi mới, cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ.

Hà Nội triển khai thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù

Trong xây dựng và triển khai các cơ chế về quản lý thu ngân sách nhà nước, UBND thành phố chỉ đạo rà soát các khoản phí đang triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố để nghiên cứu, đề xuất danh mục các loại phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố mà chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí (trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách Trung ương hưởng 100%).

Xây dựng các đề án ban hành một số loại phí mới hoặc điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí thuộc thẩm quyền của địa phương trình HĐND thành phố.

Thực hiện lấy ý kiến các chuyên gia, đánh giá tác động xã hội và lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành cơ chế; đảm bảo tính khoa học, phát huy trí tuệ tập thể, công khai, minh bạch. Việc đề xuất chính sách thu phí trên địa bàn thành phố quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 phải theo nguyên tắc: Bảo đảm có lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), kế hoạch tài chính 5 năm 2021- 2025 và những tác động của đại dịch Covid-19; phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của Thành phố; tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành, nghề ưu đãi đầu tư.

Bên cạnh đó, bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập của tổ chức, cá nhân tiêu thụ, sử dụng trực tiếp trên địa bàn thành phố; công khai, minh bạch, cải cách hành chính nhà nước, bao gồm cả cải cách hành chính quản lý phí, lệ phí.

UBND thành phố cũng triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố, trong đó, dự kiến đầy đủ các nguồn lực cho đầu tư phát triển đã được Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 115/2020/QH14, cụ thể: Nguồn thu từ tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn thành phố, nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND thành phố Hà Nội làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, nguồn cải cách tiền lương còn dư (sau khi đã đảm bảo nhu cầu cải cách tiền lương theo lộ trình của Chính phủ giai đoạn 2021-2025).

Phân bổ, sử dụng các nguồn thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn thành phố, nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước của thành phố cho các dự án đầu tư phát triển triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo nguồn lực hằng năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Trong kế hoạch này cũng nêu rõ về triển khai các cơ chế về quản lý chi; triển khai cơ chế về mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ Dự trữ tài chính thành phố; đồng thời phân công các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện.

Theo Pháp luật xã hội