Sáng nay (30/9), Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Hà Nội đã có buổi làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP.Hà Nội trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIV.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, nhấn mạnh, qua buổi làm việc, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH thành phố sẽ nắm bắt tình hình của thành phố, đặc biệt là tâm tư, nguyện vọng của các cử tri để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIV.
Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản đã báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị từ năm 2011 đến năm 2016 trên địa bàn Hà Nội...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND TPNguyễn Doãn Toản cũng nêu một số tồn tại, hạn chế như: Công nghiệp vẫn tăng trưởng nhưng có xu hướng tăng chậm dần, tính cạnh tranh còn chưa cao; vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, vi phạm khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép... còn xảy ra. Hiện tượng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè có lúc, có nơi còn diễn ra.
Tại buổi làm việc này, UBND TP nêu một số kiến nghị, đề xuất với Quốc hội. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với một số nội dung cụ thể: Cho phép Hà Nội được chủ động lựa chọn nhà đầu tư ngay từ khâu lập quy hoạch chi tiết đô thị vệ tinh (Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai); phân cấp, uỷ quyền cho TP phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A có vốn ngân sách TP.
TP cũng nêu các đề xuất về cải tạo xây dựng chung cư cũ; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, việc thu hồi đất và triển khai dự án hai bên tuyến đường theo quy hoạch được duyệt; tiếp tục duy trì không sáp nhập các sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Giao thông Vận tải để phù hợp với thực tiễn đô thị lớn...
Trước đó, Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến về dự thảo Nghị định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành. Theo dự thảo này, sẽ hợp nhất, cơ cấu lại một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh như: Sáp nhập sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính, đồng thời hợp nhất các tổ chức bên trong của 2 sở bảo đảm tinh gọn, sắp xếp số lượng cấp phó của tổ chức bên trong sở.
Sở Xây dựng cũng được đề xuất sáp nhập với Sở Giao thông vận tải và Sở Quy hoạch và Kiến trúc tại Hà Nội và TP HCM thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị. Cơ cấu gồm: Văn phòng, Thanh tra và không quá 9 phòng chuyên môn, nghiệp vụ (trên cơ sở tổ chức lại 12 phòng chuyên môn, nhiệm vụ hiện có của các Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải).