Hoàn thành di dời người dân ra khỏi 6 nhà chung cư cũ trong quý 1/2022
Để đảm bảo tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đợt 1, UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn đợt một. Theo đó, thành phố sẽ phá dỡ để xây dựng lại 4 khu chung cư nguy hiểm cấp D trên địa bàn quận Ba Đình, gồm nhà C8 (khu tập thể Giảng Võ), G6A (tập thể Thành Công), nhà A (tập thể Ngọc Khánh), khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi).
Cùng với việc chỉ đạo khẩn trương di dời các hộ dân, thành phố giao trách nhiệm cho Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình, Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bố trí nhà ở tạm thời trong quý 3/2022; lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại trình thành phố trong quý 4/2022; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư trong quý 1/2023. Đồng thời, chủ đầu tư sau khi được chọn phải thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, lập phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng... hoàn thành trong quý 1/2023. Đối với nhà 148 - 150 Sơn Tây, UBND quận Ba Đình di dời dân, lựa chọn chủ đầu tư, bố trí chỗ ở tạm thời... báo cáo thành phố trong quý I/2022, thời gian phá dỡ chung cư hoàn thành trong quý III/2022.
Thành phố dự kiến sử dụng các quỹ nhà ở tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng khoảng 4.433 căn hộ. Đồng thời TP Hà Nội có kế hoạch xây dựng các khu định cư mới tại các khu di dân Đền Lừ 3, khu Đông Hội (huyện Đông Anh)... Nguồn vốn huy động từ 3 nguồn, gồm: vốn xã hội hóa với trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư thỏa thuận với doanh nghiệp bất động sản lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; nguồn vốn đầu tư công; nguồn vốn vay từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố cho các chủ đầu tư vay để triển khai…
Trường hợp Nhà nước trực tiếp thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư và đầu tư xây dựng quỹ nhà tạm cư, nhu cầu vốn đầu tư công khoảng 65.360 tỷ đồng gồm khoảng 60.500 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp D Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp; khoảng 4.860 tỷ đồng để xây dựng 5 dự án tạm cư tại quận Hoàng Mai, quận Tây Hồ, huyện Đông Anh.
Hoàn thành kiểm định chung cư cũ vào quý III/2023
UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 5289/QĐ-UBND ban hành "Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội". Theo đó, Đề án xác định rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Thành lập Hội đồng thẩm định của UBND TP (dự kiến trong 12/2021 - 1/2022); ban hành Kế hoạch kiểm định (dự kiến trong tháng 12/2021) với tiến độ thực hiện từng nhà chung cư cũ theo từng năm trong giai đoạn 2021 - 2025, chia làm 4 đợt và phấn đấu hoàn thành kiểm định tất cả chung cư cũ trên địa bàn TP trước quý III/2023.
Cụ thể, UBND thành phố cũng phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan theo nguyên tắc "5 rõ", có lộ trình, tiến độ triển khai cụ thể đối với từng nhiệm vụ. Đề án xác định rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như tổng rà soát, khảo sát, kiểm định chung cư cũ. Dự kiến tiến độ thực hiện từng nhà chung cư cũ theo từng năm trong giai đoạn 2021- 2025, chia làm 4 đợt và phấn đấu hoàn thành kiểm định tất cả chung cư cũ trên địa bàn thành phố trước quý III/2023.
Lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết chung cư cũ. Trong đó, định hướng giải pháp quy hoạch đối với 3 mô hình cấp độ: Lập đồ án quy hoạch chi tiết với khu chung cư cũ quy mô từ 2ha; lập tổng mặt bằng với nhóm chung cư cũ quy mô nhỏ hơn 2ha; lập tổng mặt bằng và thực hiện đề án quy gom đối với nhà chung cư cũ độc lập, đơn lẻ để tái định cư tại chỗ. Dự kiến hoàn thành lập, trình duyệt quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng, đề án quy gom toàn bộ các khu chung cư, nhà chung cư trong quý IV/2023.
Ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, gồm: Lập danh mục chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại đồng bộ, toàn diện với 3 nhóm: Nhóm các dự án đang triển khai (chuyển tiếp từ giai đoạn trước năm 2021); nhóm dự kiến khởi công xây dựng trong giai đoạn 2021-2025; nhóm chuẩn bị đầu tư để triển khai giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, dự kiến các nguồn vốn thực hiện đối với từng dự án cụ thể; tạo lập quỹ nhà tái định cư tạm thời...
Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, trong đó quy định 3 hình thức lựa chọn gồm: Các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn; đấu thầu lựa chọn; nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Thành lập Hội đồng thẩm định của UBND thành phố hoặc phân cấp cho UBND cấp huyện xem xét, thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bố trí nhà ở tạm cư...
Tạo lập quỹ nhà ở tạm cư, theo đó thành phố có thể sử dụng các quỹ nhà tái định cư có sẵn của thành phố; đầu tư xây dựng mới quỹ nhà tạm cư hoặc mua nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tạm cư. Thực hiện các chính sách ưu đãi: Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất...
Qua 4 đợt khảo sát với hơn 1.200 công trình, Hà Nội thống kê được 325 công trình ở tình trạng nguy hiểm, hư hỏng có thể dẫn đến phá hủy kết cấu (mức 3); 691 công trình ở tình trạng hư hỏng làm giảm khả năng chịu lực, ảnh hưởng đến quá trình sử dụng (mức 2); 145 công trình còn đáp ứng yêu cầu sử dụng (mức 1) và 110 công trình không khảo sát được do không xác định được vị trí hoặc đã xây dựng lại...
Trong số này có danh mục 33 công trình nhà tập thể, chung cư cũ Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị cần kiểm định ngay chủ yếu nằm ở các quận nội thành: Ba Đình 1 công trình, Đống Đa 11, Hai Bà Trưng 3, Long Biên 2, Thanh Xuân 1 và Hà Đông 11.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/di-doi-nguoi-dan-ra-khoi-6-nha-chung-cu-cu-quy-i-2022-20201231000005050.html