Nhiều huyện ngoại thành thắng lớn từ đất đấu giá
Chỉ riêng trong tháng 6 vừa qua, nhiều huyện ở Hà Nội đã tổ chức đấu giá đất thành công, thu về cả trăm tỷ đồng. Đơn cử, ngày 25/6, theo thông tin từ UBND huyện Phú Xuyên (Hà Nội), đơn vị vừa tổ chức công khai đấu giá 21 trong tổng 31 lô đất rộng 2.664,71m2 tại thôn Bái Đô, xã Tri Thủy; thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ; thôn Tư Sản, xã Phú Túc. Theo đó, 21 lô đất này có tổng giá khởi điểm hơn 33 tỷ đồng.
Tại phiên đấu giá, 21 lô đất huyện Phú Xuyên đưa ra đấu giá đã thu về được 47 tỷ đồng, tổng số tiền thu chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá đấu thực là hơn 13,5 tỷ đồng.
Chiều 28/6, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh (Hà Nội) phối hợp với Công ty Hợp danh đấu giá Việt Nam tổ chức đấu giá 51 thửa đất tại Khu Đồng Trước xóm 4, thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc. Tổng số tiền trúng đấu giá thu về cho ngân sách là 169 tỷ đồng, chênh 47 tỷ so với giá khởi điểm.
Trước đó, ngày 14/6, huyện Mê Linh cũng tổ chức đấu giá thành công 30 thửa đất tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa, thu về ngân sách hơn 100 tỷ đồng, chênh gần 30 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Các thửa đất có diện tích từ 80m2 đến 190m2; giá khởi điểm từ 24,7 triệu đồng/m2 đến 32,8 triệu đồng/m2. Giá trúng thấp nhất là 29,3 triệu đồng/m2, cao nhất 43,7 triệu đồng/m2.
Tại xã Tam Đồng và xã Tiến Thịnh, ngày 7/6, huyện Mê Linh cũng thu về ngân sách 186,5 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất, chênh 52,4 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đinh Ngọc Thức, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, huyện Mê Linh đã tổ chức thành công 10 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, thu ngân sách 1.062 tỷ đồng. Tính cả số tiền đấu giá cuối năm 2023 chuyển sang 262 tỷ đồng thì số tiền đấu giá phải thu đến 28/6/2024 là 1.324 tỷ đồng.
Còn ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho hay: "Từ đầu năm đến nay, công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, các khu đất đưa ra đấu giá đều được bỏ giá cao hơn so với mức khởi điểm. Bởi hiện nay, khu vực ngoại thành Hà Nội đều được đẩy mạnh đầu tư mới và cải tạo hệ thống hạ tầng, giao thông trọng điểm. Chỉ tính riêng tại địa bàn huyện Hoài Đức, hiện nay đang đẩy nhanh tiến độ tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Vành đai 3,5... tác động tích cực đến việc tăng trưởng giá trị của sản phẩm đất nền tại khu vực này".
Trên đà thành công của những phiên đấu giá gần đây, ngay từ đầu tháng 7, các huyện vùng ven Hà Nội cũng rục rịch triển khai các cuộc đấu giá đất, có thể kể đến như Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín, Quốc Oai, Đông Anh, Chương Mỹ, Phú Xuyên dự kiến tiếp tục đưa ra đấu giá nhiều thửa đất trong thời gian tới.
Nhiều nhà đầu tư đổ về phiên đấu giá tại vùng ven Hà Nội để bỏ giá mua đất làm nhà ở hoặc kinh doanh. Ảnh: Di Anh.
Cụ thể, huyện Đan Phượng dự kiến đấu giá 85 lô đất ở tại khu Đồng Sậy – Trẫm Sau, xã Đan Phượng; khu Đệ Nhị, xã Phương Đình và khu Trục đường N1, xã Hạ Mỗ vào 28/7 tới đây. Giá khởi điểm cao nhất ở 51 triệu đồng/m2.
Còn vào ngày 9/8 tới, nhiều lô đất và tài sản gắn liền với đất tại huyện Gia Lâm, huyện Chương Mỹ cũng được đưa ra đấu giá quyền sử dụng. Theo đó, giá khởi điểm cao nhất là 3,6 tỷ đồng/lô.
Lý giải về sự sôi động của phân khúc đấu giá đất vùng ven Hà Nội, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho hay, phân khúc đất đấu giá hiện nay đang có mức giá khá mềm, chỉ dao động từ 2 - 3 tỉ đồng/lô nền dễ thanh khoản, phù hợp với điều kiện tài chính của nhiều người dân.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, các huyện vùng ven Hà Nội hiện đang có lợi thế lớn về quỹ đất, dư địa phát triển, các dự án hạ tầng dần hoàn thiện. Trong bối cảnh thị trường bất động sản dần phục hồi, việc tổ chức đấu giá đất còn góp phần gia tăng nguồn thu cho ngân sách cho các địa phương.
Lý giải về sự sôi động của phân khúc đấu giá đất vùng ven Hà Nội, ông Nguyễn Thế Điệp cho hay, phân khúc đất đấu giá hiện nay đang có mức giá khá mềm, chỉ dao động từ 2 - 3 tỉ đồng/lô nền dễ thanh khoản, phù hợp với điều kiện tài chính của nhiều người dân.
Ngoài ra, theo ông Điệp, các huyện vùng ven Hà Nội hiện đang có lợi thế lớn về quỹ đất, dư địa phát triển, các dự án hạ tầng dần hoàn thiện. Trong bối cảnh thị trường bất động sản dần phục hồi, việc tổ chức đấu giá đất còn góp phần gia tăng nguồn thu cho ngân sách cho các địa phương.
Đất nền ven đô được nhà đầu tư săn lùng
Theo dữ liệu thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2024 của Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm kiếm đất nền và nhà riêng trên phạm vi toàn quốc trong quý II?2024 tăng lần lượt là 33% và 18%, so với quý I-2024. Hai loại hình bất động sản này nhìn chung có cải thiện về mức độ quan tâm và giao dịch trong nửa đầu 2024. Tuy nhiên, đây chỉ là sự cải thiện cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc.
Tại Hà Nội, mức độ quan đến tâm đất nền được ghi nhận tăng 75%, nhà riêng tăng 48%. Trong đó, mức độ quan tâm và giá tăng mạnh ở khu vực vùng ven Hà Nội.
Cụ thể, nửa đầu năm 2024, đất nền ở các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai ghi nhận nhu cầu tìm mua tăng từ 48% đến 104%, kéo theo giá rao bán đất nền tại các huyện ngoại thành này tăng 4 - 24% so với nửa cuối năm 2023.
Nhu cầu mua đất nền ở khu vực ven đô Hà Nội bắt đầu nhận được sự quan tâm trở lại. Ảnh: Di Anh.
Trong số các huyện vùng ven Hà Nội, đất nền huyện Đông Anh ghi nhận giá bán và mức độ quan tâm tăng trưởng mạnh nhất. Cụ thể, so với quý I, trong quý II/2024 có mức độ quan tâm tăng 104%, giá bán tăng 24%. Tại các xã Lễ Pháp, Tiên Dương, Đông Trù, Uy Nỗ, Đông Hội… đất vị trí mặt đường lớn đang được chào bán 170 - 220 triệu đồng/m2, trong khi cuối năm 2023 mức giá chỉ dao động 130 - 160 triệu đồng/m2.
Đất nền Hòa Lạc khu vực Thạch Thất tăng giá khoảng 10% so với cuối năm ngoái. Đất xã Tiến Xuân vị trí mặt tiền đường tăng từ mức 25 - 27 triệu đồng/m2 lên mức 27 - 30 triệu đồng/m2. Đất xã Thạch Hòa, vị trí đường đôi tăng từ 32-33 triệu đồng/m2 lên mức 35 - 36 triệu đồng/m2.
Chia sẻ với phóng viên, nhà đầu tư Đào Văn Cảnh (Hoài Đức,Hà Nội) chia sẻ, sau những ồn ào trong thời kỳ nóng sốt với thực trạng bỏ cọc, thổi chênh giá…đất đấu giá bước vào giai đoạn trầm lắng, từ đó ngắt mạch sốt ảo của thị trường này. Đến hiện tại, thị trường đất nền đấu giá nói riêng, đất nền nói chung "nóng" trở lại. Người mua giai đoạn này chủ yếu là có tiềm lực tài chính, với mục đích đầu tư lâu dài hoặc để ở.
"So với đất nền dự án, đất thổ cư trong dân thì đất đấu giá có ưu thế như pháp lý rõ ràng, vị trí thuận lợi, minh bạch về giá cả nên có sức hút hơn", ông Cảnh nói.
Sau khoảng thời gian dừng hoạt động trong nghề môi giới, gần đây chị Nguyễn Như Ngọc (Hà Đông, Hà Nội) đã bắt đầu trở lại hoạt động, tìm kiếm thông tin về những đợt đấu giá đất nền hay những lô đất nền ven đô để tham giao kết nối giao dịch.
Chị cho biết: "Nhu cầu mua đất nền ở khu vực ven đô Hà Nội bắt đầu nhận được sự quan tâm trở lại cao hơn trong năm 2024. Tuy nhiên, các nhà đầu tư với nhu cầu thực chiếm đại đa số, còn người lướt sóng sang tay gần như không có".
Theo các môi giới và nhà đầu tư, phân khúc đất nền vẫn là lựa chọn với khả năng sinh lời cao, song hiện tại không dành cho số đông và cần tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định mua bán. Đặc biệt, những người mua có sẵn tiền mặt mới nên xuống tiền mua đất nền ven đô còn nếu dùng đòn bẩy tài chính thì không nên.
Nguồn: https://reatimes.vn/hang-loat-lo-dat-ngoai-thanh-ha-noi-sap-duoc-dau-gia-mua-boi-thu-da-den-202240710172733168.htm