Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, có nhiều yếu tố cần phải xem xét khi đánh giá chất lượng của một ngôi trường, bao gồm cả đội ngũ thầy cô, môi trường học tập, tài liệu dạy học, cơ sở vật chất và các dịch vụ đi kèm, từ bữa ăn trưa cho đến các hoạt động ngoại khóa,...

Tuy nhiên, kể cả khi đã có đầy đủ các thông tin thì việc so sánh chất lượng giữa các ngôi trường cũng không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là khi so sánh giữa các trường công, trường tư và trường quốc tế bởi mỗi hệ thống trường sẽ có những quy chuẩn riêng.

Chia sẻ thêm về mối liên hệ giữa chất lượng và chi phí, Giáo sư Thuyết cho rằng các trường tư thục, đặc biệt là quốc tế có tiêu chuẩn riêng, khác biệt so với trường nội nên “học phí của họ cao là điều tất yếu”.

“Chúng ta cũng hiểu rằng trường quốc tế không phải là lựa chọn dành cho số đông mà chỉ dành cho các gia đình giàu có nên khó có thể nói bao nhiêu là vừa. Tuy nhiên, nếu học phí mà lên đến mức hơn 500-600 triệu đồng/năm thì quả thực là đáng giật mình vì mức học phí này có khi còn cao hơn cả các trường tư ở Mỹ và các nước phát triển”.

Chia sẻ quan điểm với Giáo sư Thuyết, chị Nga, một người mẹ đang có con theo học cấp 2 ở một trường quốc tế có tiếng trên địa bàn Hà Nội cho biết chị là người theo quan điểm “tiền nào của đấy” và sẵn sàng cắt giảm các khoản chi tiêu khác trong gia đình để dành tiền cho việc học hành của con cái.

“Tuy nhiên, nếu học phí mà lên tới mức 500-600 triệu đồng/năm thì tôi sẽ cho con đi du học nước ngoài hoặc chọn hẳn những trường trong nước có uy tín lâu năm và thực sự là trường quốc tế 100% như Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc (UNIS) Hà Nội hay trường Le Lycée của Pháp chứ không thể chọn những trường quá mới, chưa có bề dày kinh nghiệm giảng dạy, chưa có thành tích và uy tín gì đáng kể” – chị Nga nhấn mạnh.

“Giáo dục là lĩnh vực đặc thù nên không thể dùng tiền để làm thước đo chất lượng dịch vụ”, Giáo sư Thuyết nhấn mạnh. 

“Giáo dục là lĩnh vực đặc thù nên không thể dùng tiền để làm thước đo chất lượng dịch vụ”. Ảnh: Tuổi trẻ

“Giáo dục là lĩnh vực đặc thù nên không thể dùng tiền để làm thước đo chất lượng dịch vụ”. Ảnh: Tuổi trẻ

Hiện tại, UNIS là tên tuổi đứng đầu danh mục các “trường con nhà giàu” với mức học phí cao nhất lên tới hơn 600 triệu đồng/năm (đối với học sinh lớp 11-12). Tuy nhiên, với bề dày lịch sử gần 30 năm, được đảm bảo bằng uy tín của tổ chức đa quốc gia hàng đầu thế giới là Liên hợp quốc và chủ yếu dành cho con em của các cán bộ thuộc tổ chức này, mức học phí của UNIS gần như không phải là vấn đề mà các bậc phụ huynh quan tâm khi nhắc đến ngôi trường này. 

Đứng ở vị trí thứ 2 trong danh mục này là TH school, ngôi trường mới khai trương chưa đầy một năm với chỉ 45 học sinh theo học dưới dạng học bổng toàn phần. Mặc dù chưa có thành tích hay uy tín gì đáng kể bởi quá trình hoạt động quá ngắn ngủi nhưng những người lãnh đạo của ngôi trường màu hồng này cũng đã bước đầu gây được sự chú ý bởi mức học phí lên tới 500 triệu đồng/năm (đối với học sinh cuối cấp 3).

Nếu so với TH school thì học phí cao nhất của các trường quốc tế khác đều thuộc dạng khá “mềm” như Le Lycée của Pháp là dưới 200 triệu đồng/năm, trường Liên cấp Quốc tế Singapore (SIS) khoảng 400 triệu đồng/năm, trường Wellspring khoảng 250 triệu đồng. 

Khi được hỏi về chương trình học của TH school có gì khác biệt so với các trường khác hay không thì đại diện ngôi trường này chỉ nói chung chung rằng nhà trường áp dụng “mô hình giáo dục thực sự toàn diện” nhưng không giải thích được cặn kẽ sự khác biệt và “toàn diện” của mình.

Theo Quỳnh Trang/Reatimes