Nhiều địa phương vào cuộc ngăn chặn “sốt đất”
Từ đầu năm 2022, hiện tượng tăng giá đất đã xuất hiện tại nhiều địa phương đã tạo ra những cơn sốt nóng khó tin. Thậm chí còn xuất hiện tình trạng đầu tư bất động sản bất chấp quy định pháp luật.
Cụ thể, nhiều địa phương đã xuất hiện việc tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án, lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước, tạo dựng tài liệu giả nhằm thổi giá đất lên cao.
Hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: Bán đất rừng, đất ruộng, đất vườn… cũng xuất hiện phổ biến. Nhiều "cò đất" thường xuyên tập hợp ở những khu vực này nhằm tạo ra sự sôi động đồng thời tung nhiều thông tin không có cơ sở để đẩy giá lên từng giờ, từng ngày với mục đích lôi kéo các nhà đầu tư. Điều này đã và đang tác động xấu đến thị trường bất động sản cũng như lợi ích của các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm.
Ghi nhận tại các địa phương cho thấy, đất nền được săn đón khắp nơi với giá bán tăng chóng mặt. Thậm chí nhiều nơi tăng trung bình 10% sau 1 tháng. Không ít người dân đã bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất và tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư bất động sản.
Trước tình trạng nói trên, từ đầu quý I/2022, chính quyền một số địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ để kiểm soát các hoạt động mua - bán đất trái quy định pháp luật để ngăn chặn các cơn sốt đất, bình ổn thị trường, hướng đến hạ giá đất về mức phù hợp.
Đơn cử như TP. Đà Nẵng, tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2022 chiều 18/4, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, Sở đã có văn bản gửi Công an thành phố đề nghị vào cuộc điều tra xem có hay không đường dây thông đồng giữa “cò” đất, cơ quan và cán bộ quản lý Nhà nước để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, tạo cơn sốt đất tại một số huyện mà nổi bật là huyện Hòa Vang.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Chỉ thị số 10 về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong đó chỉ đạo hàng loạt cơ quan chức năng có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm. Đặc biệt, chỉ đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; tổ chức theo dõi các khu vực có dấu hiệu giá đất tăng đột biến, tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không phù hợp; điều tra các đối tượng có hành vi đầu cơ, thổi giá, làm thị trường tạo cơn sốt đất ảo để kiếm lời.
Tại Gia Lai, cơ quan chức năng tỉnh này cũng đã đề nghị công an vào cuộc tăng cường điều tra, làm rõ các dấu hiệu, hành vi đẩy giá, thổi giá đất để thu lợi bất chính, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản nếu có.
Giá đất nền vẫn có xu hướng lên xuống khó đoán
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, việc hàng loạt địa phương vào cuộc để ngăn chặt tình trạng sốt đất trên thị trường là tín hiệu tích cực giúp bình ổn giá đất, hướng thị trường phát triển lành mạnh. So với tháng 3/2022, giá đất nền cũng không còn tăng nóng trong tháng 4/2022.
Theo ông Đính, tại thời điểm quý I/2022, thị trường đất nền vẫn khá sôi động với mức độ quan tâm cả nước tăng 4% so với thời kỳ năm 2019. Nhiều địa phương gia tăng đáng kể cả về lượt tìm mua lẫn giá rao bán đất như Khánh Hòa, Bình Thuận, Thanh Hóa. Tuy nhiên, bước sang tháng 4/2022, mức độ quan tâm đến đất nền trên cả nước đã giảm mạnh gần 20% so với tháng liền trước.
Báo cáo thị trường tháng 4 của Batdonngsan.com.vn cũng cho thấy, xu hướng tìm kiếm và giao dịch đất nền đang giảm mạnh tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương trên cả nước. Theo đó, nhu cầu tìm kiếm phân khúc đất nền cả nước giảm 18% so với tháng 3/2022. Hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng ghi nhận lượng khách quan tâm tìm kiếm đất nền giảm lần lượt 17% và 11% so với tháng trước. Khi nhu cầu tìm kiếm giảm sẽ kéo theo giá đất nền dần trở về giá trị thực.
Tuy nhiên, dự báo về diễn biến giá đất nền trong những tháng cuối năm 2022, ông Đính cho rằng, các cơn sốt đất nhằm đẩy giá tăng cao vẫn có thể tiếp diễn. Đặc biệt là đất nền vùng ven các thành phố lớn khi các dự án hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh. Thậm chí, ngay thời điểm hiện tại, giá đất nền vùng ven TP. Hà Nội đang tăng nóng tại nhiều địa phương như: Thường Tín, Hoà Lạc, Hưng Yên…
Lý giải nguyên nhân xuất hiện các cơn sốt đất, thổi giá đất tăng cao, ông Đính cho biết, một phần là do chủ đầu tư đang kỳ vọng lợi nhuận quá cao nên trực tiếp đẩy giá bán. Mặc khác, bất động sản đang được xem là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Chưa kể, đầu tư công trong năm 2022 được triển khai dồn dập, nhiều dự án mới được hình thành, các dự án đang dang dở được đẩy nhanh tiến độ đã tạo tín hiệu khởi sắc cho thị trường song cũng kéo giá bất động sản lân cận “ăn theo”.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Đính, để đảm bảo giá đất nền trong thời gian tới được diễn biến ổn định, đúng với nhu cầu thực, chính quyền các địa phương cần tiếp tục quyết liệt kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, các dự án đầu tư, giao dịch đất nền… để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật; cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.
“Cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương với tình trạng mua bán đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở trái quy định của pháp luật để tránh dẫn đến hiện tượng sốt đất ảo. Chính quyền địa phương cũng cần quản lý các sàn giao dịch và môi giới bất động sản chặt chẽ, hiệu quả hơn”, ông Đính nhìn nhận./.
Nguồn: https://reatimes.vn/kho-du-doan-gia-dat-nen-trong-nhung-thang-cuoi-nam-2022-20201224000012168.html