Thực tế trên khiến nhiều chuyên gia phải cảm thán: Liệu Việt Nam đã có thiết kế đô thị!?

Vì đâu mặt phố lem nhem?

Ở hầu hết các con đường, ngõ phố Hà Nội hay TP. HCM, ấn tượng đầu tiên đối với du khách có lẽ là sự nhem nhuốc, lổm chổm của những dãy nhà san sát nhau mà không có bất kỳ điểm chung hay sự thống nhất nào. Đáng nói hơn, những hình ảnh này hiện diện ở cả những con phố cũ lẫn những con phố mới.

Đi dọc những con phố cũ, phố cổ như Lò Sũ, Mã Mây, Hàng Bè, Hàng Bạc không khó để nhìn thấy những căn nhà mặt phố đang “đeo ba lô” nhếch nhác; những “chuồng cọp”, “chuồng chim” bằng rào sắt, mái tôn có vẻ kiên cố được dựng lên bịt kín lối thoát hiểm của căn nhà.

Biển quảng cáo,

Những chuồng chim, chuồng cọp chen lẫn biển quảng cáo, dây điện chằng chịt ở phố Mã Mây. Ảnh: Liên Hà.

Cơi nới, sửa chữa theo muôn hình vạn trạng là cách mà người dân đang làm để đáp ứng nhu cầu cuộc sống và đối mặt với thực tế người tăng nhưng đất không tăng. Tất cả tạo nên một nếp sống ngột ngạt, khó hình dung.

Đó là chưa kể đến tình trạng dây điện dày đặc, đan chéo như mạng nhện; biển quảng cáo, mái che chồng lấn… khi hầu hết những nhà mặt phố đều được sử dụng để kinh doanh hàng quán.

Ở những tuyến đường mới mở như Nguyễn Văn Huyên, Trương Công Giai… cũng bởi những giá trị “vàng” mà ngôi nhà mặt tiền đem lại nên cũng dẫn đến một thực tế, đường thông đến đâu, nhà mọc đến đó nhưng lại không có một quy tắc trật tự nào.

Những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, hình tam giác, hình thoi… với diện tích khiêm tốn cứ thế mọc lên nhan nhản trên nhiều tuyến phố gây mất mỹ quan đô thị. Tất cả tạo nên bức tranh chung của đô thị Việt Nam đang hiện hữu là những mặt phố na ná nhau, lộm cộm, nhếch nhác. Có những tuyến phố, nhà ống mọc lên quá dày đặc, trong khi có những con đường lại phải oằn mình gánh chi chít cao ốc.

Nhà siêu mỏng, siêu méo nhan nhản trên các tuyến đường mới mở.

Nhà siêu mỏng, siêu méo nhan nhản trên các tuyến đường mới mở.

Câu hỏi đặt ra, tại sao sự phát triển đi lên của thành phố lại không tạo ra không gian sống tốt hơn, thay vào đó là sự bức bách, chật chội và xấu xí? Liệu những biển quảng cáo, những chuồng chim, chuồng cọp hay những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo có nằm trong sự tính toán và kiểm soát trong bài toán thiết kế, quy hoạch đô thị của chính quyền?

Trả lời câu hỏi, trước những thực tế đang tồn tại, liệu ở Việt Nam đã có thiết kế đô thị hay chưa, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, vấn đề thiết kế đô thị vốn đã được đặt ra từ rất lâu “nhưng hời hợt và quan trọng là nó không được thực thi khi xây dựng, cải tạo đô thị. Người ta đã quá say sưa với những quy hoạch chung, quy hoạch định hướng cho vài chục năm sau, mà quên mất những quy hoạch chi tiết, những thiết kế đô thị phục vụ cho con người của ngày hôm nay…”

KTS Phạm Thanh Tùng.

KTS Phạm Thanh Tùng.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Việt Nam có các văn bản pháp lý nhưng chưa có các hướng dẫn cụ thể đối với loại hình thiết kế đô thị. Thiết kế đô thị chỉ mới được yêu cầu là một phần hồ sơ của quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị, ví dụ như: xác định các trục chính không gian đô thị, các điểm nhấn, các quy định về hình khối, chiều cao, vật liệu, màu sắc công trình, các trang thiết bị, biển quảng cáo… nhưng chưa bao hàm hết nội dung của thiết kế đô thị.

“Thiết kế đô thị sẽ không có chỗ cho những nhà siêu mỏng siêu méo xây dựng một cách vô lối như đã và đang xảy ra tại các đô thị như Hà Nội, TP HCM. Thiết kế đô thị không cho phép vỉa hè trở thành của riêng của những nhà mặt phố, bị chiếm dụng để làm nơi bán hàng, bãi gửi xe cho một nhóm người. Thiết kế đô thị sẽ trả lại vỉa hè cho cộng đồng, cho người đi bộ, thực thi dân chủ và công bằng trong hoạt động giao thông đô thị. Thiết kế đô thị được thực hiện sẽ không có chuyện nhà xây cao tầng bị cắt ngọn, sẽ không có chuyện kiện tụng, thanh tra vì xây dựng không phép và trái phép”, KTS Phạm Thanh Tùng khẳng định.

Còn theo KTS Nguyễn Viết Thuận (Đại học Kiến trúc Hà Nội), từ hình ảnh nhem nhuốc, xấu xí của các đô thị Việt Nam hiện tại có thể thấy công tác quản lý và thiết kế đô thị còn nhiều bất cập: “Hầu hết hình ảnh các tuyến phố, kể cả khu phố cũ và mới, kiến trúc mặt phố giống như một cuộc đại triển lãm về đồ họa quảng cáo. Không còn thấy đâu là kiến trúc, nói gì đến ngôn ngữ kiến trúc và bản sắc địa phương. Phố còn như vậy, nói gì đến kiến trúc ven hồ nước và các dòng kênh trong đô thị. Có rất nhiều những tồn tại trong thiết kế và quản lý đô thị của chúng ta không thể kể hết được. Đó chính là nguyên nhân mà đa số người dân không thấy đô thị của chúng ta đẹp là như vậy”.

Theo các chuyên gia, thiết kế đô thị ở Việt Nam vẫn còn là một thứ xa xỉ, chưa được quan tâm đúng cách mà hầu hết mới chỉ dừng lại ở “sự cẩu thả vô trách nhiệm, vội vàng cho xong và phi chuyên môn nghề nghiệp", dẫn đến những tuyến phố đẹp đẽ và ngăn nắp vẫn còn rất hiếm trên bức tranh đô thị Việt Nam.

“Trong đô thị của chúng ta hiện nay (như Hà Nội), cụ thể là câu chuyện về những ngôi nhà xấu, ngôi nhà siêu mỏng – là hệ lụy của việc mở đường qua các khu dân cư. Các dự án này, hầu như chỉ mới làm được một việc là có con đường giao thông, còn hình ảnh về kiến trúc hai bên của tuyến đường này như thế nào, xử lý những ngôi nhà siêu mỏng ra sao thì vẫn chưa được quan tâm giải quyết. Họ thi hành công vụ làm đường như một cái máy, không hề có sự rung động gì về thiết kế đô thị”, KTS Nguyễn Viết Thuận nhận định.

Thiết kế đô thị tạo nên những đô thị có bản sắc

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị là một phần quan trọng, không thể thiếu đối với một đồ án quy họach xây dựng đô thị, là công cụ hữu hiệu của chính quyền trong quản lý đô thị.

“Thiết kế đô thị cụ thể hóa nội dung của quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị về tổ chức không gian chức năng bên ngoài công trình; bố cục không gian, tạo cảnh quan và trang trí không gian đô thị… Một thiết kế đô thị tốt sẽ tạo nên một đô thị có bản sắc riêng, với những hình khối công trình hài hòa với không gian và cảnh quan xung quanh.

Thiết kế đô thị sẽ cho ta những khu phố tiện nghi, những dãy phố có nhịp điệu kiến trúc, hài hòa về mầu sắc, những không gian xanh, không gian công cộng với những kiến trúc nhỏ phục vụ cho cuộc sống con người từ kiểu dáng đèn đường, biển quảng cáo, biển báo… đến hình dáng chiếc ghế ngồi trong công viên, bên hồ nước, thùng đựng rác... Có thiết kế đô thị, thì kiến trúc đô thị sẽ không còn bị tạp nham bởi những thứ kiến trúc lai căng, hổ lốn, nhại cổ, phi bản sắc”, KTS Phạm Thanh Tùng khẳng định.

Thiết kế đô thị sẽ tạo nên những đô thị có bản sắc.

Thiết kế đô thị sẽ tạo nên những đô thị có bản sắc.

KTS Nguyễn Viết Thuận cũng cho rằng, thiết kế đô thị là yếu tố cốt lõi nhằm phát triển một đô thị có bản sắc và cũng là cách để hướng tới sự phát triển bền vững của đô thị: "Chúng ta đều biết rằng, thiết kế đô thị không thuần túy chỉ là những gì mà người ta nhìn thấy hằng ngày. Nếu được xem xét một cách bài bản, thiết kế đô thị còn được bắt nguồn từ những luận cứ vĩ mô và sâu xa như kinh tế đô thị, xã hội học đô thị… Song cái kết quả cuối cùng của thiết kế đô thị lại chính là cái mà người ta cảm thụ được, nó hiện hữu hằng ngày trong môi trường sống của đô thị.

Đâu đó có những con đường trải dài nối tiếp nhau, với những hàng cây thảm cỏ được chăm chút, chọn lựa kỹ càng. Gạch lát vỉa hè bằng phẳng với những hàng gạch đồng nhất thẳng tắp, lâu lâu lại thấy một nắp hố ga ép mặt ngay ngắn trên mặt vỉa hè. Lại thấy một thùng rác được bố trí tiện dụng đúng chỗ, lại thấy những biển báo, ký hiệu thông tin hướng dẫn cho người đi bộ, và còn những chiếc ghế cho những người già mỏi chân ngồi nghỉ… Chỉ đi trên vỉa hè của những con đường này thôi đã cho người ta cảm nhận ấn tượng về nơi chốn, con người cảm thấy được nâng niu, chăm sóc và trân trọng”.

Cuốn sách nổi tiếng “Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc” tác giả Jan Gehl (Đan Mạch) cũng cho thấy: Cuộc sống hạnh phúc của những cư dân đô thị không chỉ giới hạn trong ngôi nhà riêng, mà còn chính là không gian công cộng bên ngoài, giữa những công trình kiến trúc.

Từ đó có thể thấy được tầm quan trọng của thiết kế đô thị, xây dựng một “đô thị vị nhân sinh” như kiến trúc sư Jan Gehl đã quan niệm. Đó là một đô thị thân thiện với con người, mang lại cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh cho con người. Cũng theo kiến trúc sư Người Đan Mạch này thì để xây dựng một thành phố bền vững, đáng sống, cần coi trọng và đầu tư thích đáng cho thiết kế đô thị.

(Còn tiếp)

Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/khong-co-thiet-ke-do-thi-bo-mat-thanh-pho-lem-nhem-vo-hon-37027.html 

Theo Tạp Chí Điện Tử Reatimes