Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này đều nhỏ lẻ, giết mổ thủ công, nguy cơ không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) khá cao... để có nguồn thực phẩm sạch phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, các cơ quan chức năng cần triển khai nhiều giải pháp, quản lý chặt từ "gốc".

Tại Hà Nội, thời gian này đều thấy không khí rất nhộn nhịp. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở nhỏ lẻ này đều không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y, ATTP. Thậm chí, tại các chợ dân sinh ở ngoại thành vẫn xuất hiện tình trạng tiểu thương giết mổ gia cầm phục vụ người tiêu dùng. Các điểm giết mổ gia cầm tại chợ dân sinh thường chỉ có một nồi nước nhỏ, vài chiếc chậu và máy vặt lông. Toàn bộ khâu giết mổ thực hiện dưới nền gạch đã cáu bẩn, mất ATVSTP.

Về việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay toàn thành phố có 738 cơ sở giết mổ nhưng có tới 673 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Đa số các điểm giết mổ nhỏ lẻ đều không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động, không được cơ quan thú y kiểm tra, kiểm soát theo quy định. 

Đây là nguồn nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mất ATVSTP. Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công thường không có địa điểm cố định mà nằm ở hầu hết các chợ, các khu dân cư và không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh thú y, ATTP. Mặt khác, nguồn nước thải, chất thải từ các cơ sở giết mổ thải trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Thói quen nên người tiêu dùng vẫn chấp nhận những sản phẩm động vật không được kiểm soát cho bữa cơm gia đình. Điều này đã tạo cơ hội cho các lò giết mổ nhỏ lẻ hoạt động, trong khi các cơ sở giết mổ công nghiệp đầu tư dây chuyền hiện đại với kinh phí hàng chục tỷ đồng chỉ đạt 20-30% công suất.

Để khắc phục tình trạng trên và kiểm soát nguồn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm ra thị trường đảm bảo ATVSTP, các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương cần tăng cường trách nhiệm, chỉ đạo lực lượng thú y kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ không bảo đảm VSATTP; yêu cầu vào giết mổ ở những cơ sở tập trung đã được chính quyền địa phương quy hoạch.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các sở, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn sản phẩm không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen trong việc sử dụng thịt gia súc, gia cầm giết mổ không bảo đảm ATVSTP tại các chợ, các điểm giết mổ nhỏ lẻ.

Theo Báo Dân Sinh

Nguồn: https://baodansinh.vn/kiem-soat-an-toan-thuc-pham-dip-tet-quan-ly-chat-tu-goc-20210126083825406.htm