Sau hôm nay, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 sẽ khép lại, tạm thời cất gánh nặng lo toan trên vai các em học sinh và phụ huynh trong một thời gian ngắn, cho đến khi biết điểm hoặc đến khi các em tham gia các kỳ thi chọn trường mới.

Thế nhưng, dù bài thi đã nộp, dù bút nghiên đã tạm xếp lại nhưng câu chuyện xung quanh kỳ thi vừa diễn ra vẫn còn rất nóng hổi và dường như luôn là câu hỏi thường trực nhất của những gia đình có con em tham dự kỳ thi vừa qua.

Khi quyết định tổ chức gộp kỳ thi Tốt nghiệp phổ thông và kỳ thi đại học vào làm một, hẳn những người làm công tác giáo dục kỳ vọng rằng, việc làm này sẽ giúp giảm áp lực cho các em học sinh, giảm gánh lo cho gia đình và giảm chi phí tổ chức các kỳ thi cho toàn xã hội.

Đây rõ ràng là một mục tiêu vô cùng tốt đẹp và đáng trân trọng. Tuy nhiên, thực tế dường như lại không như mong đợi.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã khép lại nhưng những lo toan đằng sau đấy dường như vẫn chưa dứt. Ảnh: Hoàng Anh.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã khép lại nhưng những lo toan đằng sau đấy dường như vẫn chưa dứt. Ảnh: Hoàng Anh.

Với mục tiêu “một mũi tên trúng hai đích” nên bài thi THPT Quốc gia vừa qua được thiết kế theo tỷ trọng 60% câu hỏi dễ dành cho việc xét tốt nghiệp và 40% còn lại khó hơn để phù hợp với việc xét tuyển đại học. Đây có lẽ cũng là lý do khiến nhiều học sinh cho rằng đề năm nay khó hơn nên khả năng điểm số sẽ không cao bằng năm trước.

 

Bên cạnh đó, do bản chất của hai việc xét tuyển vốn không giống nhau nên khi gộp chung vào làm một sẽ có phần khiêng cưỡng, thậm chí là tự mâu thuẫn lẫn nhau. 

Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp THPT không nhằm so sánh kiến thức của các học sinh với nhau, không nhằm “chọi” hay cạnh tranh để loại những thí sinh yếu kém mà chỉ đặt ra một ngưỡng nhất định, để tất cả các học sinh vượt qua ngưỡng đó đều đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp.

Trong khi đó, kỳ thi đại học không chỉ đặt ra yêu cầu về ngưỡng bắt buộc phải vượt qua (điểm sàn) mà còn buộc các thí sinh phải nỗ lực hết mình để cạnh tranh những vị trí ưu tú nhất vì chỉ có một số lượng hạn chế những thí sinh có điểm cao nhất mới được chọn.

Bên cạnh đấy, sẽ có những trường đại học có yêu cầu riêng để tuyển chọn không chỉ những học sinh có kiến thức tốt ở nhà trường phổ thông mà còn cần có tư duy tốt, năng lực phù hợp mà những điều này hầu như sẽ không thể thực hiện thông qua bài thi “2 trong 1” vừa diễn ra.

Với những trường này, bài thi THPT Quốc gia vừa qua chỉ mang mục đích tham khảo hoặc sơ loại thí sinh chứ không thể được coi là căn cứ chính xác để tuyển chọn thí sinh phù hợp với yêu cầu của các ngành nghề đào tạo đặc thù.  

Trước tình hình này, một số ý kiến cho rằng, các trường top đầu, các trường có ngành đào tạo đặc thù, bên cạnh việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia làm căn cứ xét tuyển cũng cần tổ chức thi tuyển riêng để đảm bảo chọn lựa được những người thực sự phù hợp với lĩnh vực đào tạo của mình.

Như vậy, có thể thấy việc ghép hai kỳ thi vào làm một có thể giúp gia đình và xã hội giảm được một gánh nặng đáng kể về chi phí tổ chức, thời gian, công sức,… so với việc tổ chức 2 kỳ thi riêng biệt. Tuy nhiên, câu chuyện về chất lượng kỳ thi vẫn là một bài toán khó, chưa có lời giải thỏa đáng, đáp ứng mong mỏi của cả các thí sinh, gia đình và các đơn vị giáo dục trên khắp cả nước.

Hồng Hạc/Reatimes.vn