Điểm mới năm nay, kỳ thi được giao toàn quyền cho địa phương tổ chức với mục tiêu xét tốt nghiệp trung học phổ thông, song nhiều trường đại học, cao đẳng vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh. Do đó, công tác tổ chức kỳ thi cần được chuẩn bị kỹ ở mọi khâu với mục tiêu bảo đảm nghiêm túc, thực chất.

Một tiết học của học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Tăng trách nhiệm, rõ chế tài

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 dự kiến diễn ra từ ngày 8-8 với 5 bài thi, gồm 3 bài độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 2 bài tổ hợp (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội). So với kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học này không có nhiều thay đổi.

Khẳng định tầm quan trọng và tác động lớn của kỳ thi, tại cuộc họp chiều 27-5 về công tác tổ chức kỳ thi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các vụ, cục liên quan phối hợp hướng dẫn, giám sát để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Các địa phương có trách nhiệm rất cao với nhiệm vụ chủ trì tổ chức toàn bộ các khâu của kỳ thi.

Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó quy định rõ quy trình và trách nhiệm của từng thành viên tham gia kỳ thi. Nếu như tại kỳ thi năm trước, trong thành phần nhân sự như lãnh đạo điểm thi, cán bộ coi thi, chấm thi… đều có 50% số lượng là cán bộ giảng viên đại học, thì năm nay, toàn bộ thành phần tham gia các khâu là cán bộ, giáo viên phổ thông tại địa phương.

Các chế tài xử phạt hành vi vi phạm Quy chế thi cũng được quy định rõ. Ông Nguyễn Thành Nam, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Tây Hồ (quận Tây Hồ) bày tỏ sự thống nhất cao với hình thức xử lý nghiêm cán bộ gian lận trong quá trình tổ chức kỳ thi, như: Buộc thôi việc, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự… Còn em Trần Thị Thùy, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) chia sẻ: “Em đồng tình với hình thức đình chỉ, hủy kết quả kỳ thi đối với thí sinh mang tài liệu, vật dụng vào phòng thi. Đây là chế tài nghiêm khắc, cần thiết để tạo sự công bằng và thực chất cho kỳ thi”.

Giải tỏa mối lo thiếu khách quan khi kỳ thi được giao cho địa phương tổ chức, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Cường khẳng định, Bộ sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra chặt chẽ ở tất cả các khâu của kỳ thi. Có khoảng 5.000 cán bộ, giảng viên đại học được huy động tham gia các đoàn thanh tra tại 63 tỉnh, thành phố.

Quyết tâm tổ chức kỳ thi nghiêm túc, thực chất

Quyết tâm dạy - học thực chất, chuẩn bị chu đáo để tổ chức kỳ thi nghiêm túc, làm cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh là mục tiêu của ngành Giáo dục Hà Nội.

Ngoài việc được hỗ trợ tích cực trong học tập, 456 học sinh lớp 12 của Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (quận Cầu Giấy) luôn được thầy giáo, cô giáo nhắc nhở tuyệt đối không chủ quan. “Hiện, học sinh lớp 12 của trường đang tập trung ôn tập với quyết tâm đạt kết quả cao nhất và bảo đảm trung thực. Nhà trường lưu ý học sinh về thông tin đề thi có thể dễ hơn và được giảm tải, song các em không được chủ quan mà phải xác định trách nhiệm học nghiêm túc, tạo nền tảng để học tập tốt sau này”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ.

Còn Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Hồng Quang cho biết, khi tổ chức dạy học trở lại sau thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid-19, nhà trường đã tập trung rà soát kiến thức, kỹ năng của 624 học sinh lớp 12 để tổ chức phụ đạo. Việc này nhằm không để em nào bị đuối so với mặt bằng kiến thức chung. Ngoài 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, với các môn còn lại, học sinh được bố trí học tập theo bài thi tổ hợp mà các em dự kiến chọn để đăng ký thi.

Liên quan đến công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Ngọc Quang nhấn mạnh: Nhiệm vụ quan trọng với các nhà trường lúc này là dạy đủ nội dung chương trình; tổ chức ôn tập theo từng nhóm đối tượng, quan tâm hỗ trợ học sinh yếu, kém hoặc bị hổng kiến thức. Bên cạnh đó, việc khảo sát chất lượng qua hệ thống học và thi trực tuyến Hanoi Study đối với học sinh lớp 12 sẽ tiếp tục được triển khai, nhằm tạo cho các em ý thức, thói quen tự giác và trung thực trong học tập, thi cử, chứ không nhất thiết phải có sự giám sát của giám thị. Đây là giải pháp quan trọng để chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nghiêm túc, thực chất.

Theo Hà Nội Mới