Nguyên nghĩa của Tết chính là tiết. Văn hóa người Việt thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước, do nhu cầu canh tác nông nghiệp nên được phân chia thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau (ứng với mỗi tiết này có một thời khắc giao thời).

Trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán, sau này được biết đến là Tết Nguyên Đán. Tết Nguyên Đán là lễ tết đầu tiên của một năm, Tết được bắt đầu từ lúc giao thừa giữa năm cũ và năm mới.

Trong Hán Nôm, Nguyên có nghĩa là bắt đầu, Đán là trọn vẹn. Tết Nguyên Đán tức là mở đầu cho mọi công việc, với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ và trọn vẹn. Với lẽ đó, người phương Đông nói chung đặc biệt coi trọng những thời khắc của ngày đầu năm mới.

Do vậy, phong tục người Việt từ xưa tới nay thường làm vào ngày Tết Nguyên đán để lấy may cho năm mới như:

Tục mua muối đầu năm

Tục mua muối được người xưa nhắc nhớ trong câu tục ngữ: "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi". Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, và có thể xua đuổi tà ma, đem lại nhiều may mắn trong gia đình.

Tục mua muối đầu năm còn có ý nghĩa cầu mong sự đậm đà trong tình cảm gia đình, sự hòa thuận, gắn bó keo sơn giữa vợ chồng, con cái. Hơn thế nữa, còn là sự mặn mà, tình thân thiết quanh năm trong các quan hệ ứng xử, quan hệ làm ăn. Người ta thường mua muối vào sáng mùng 1 Tết. Tuy nhiên, khi mua nên chú ý mua một bát đầy có ngọn và trả tiền tương ứng một hai cân để cầu may.

Tục mua lửa ngày mùng 1

Tục mua lửa, là bật lửa hay diêm cũng được nhiều người Việt chú trọng. Theo quan niệm của người xưa, mua lửa là mang may mắn, mang lộc đầu năm về nhà. Vì thế, nếu đầu năm ai mua được lửa thì người đó hy vọng vào một năm mới nhiều điềm lành, nhiều may mắn và nhiều tài, lộc.

Đi chùa cầu may và hái lộc đầu năm

Đầu năm lên chùa cầu may đã trở thành một thói quen và nét đẹp văn hóa của phần lớn người dân nước ta. Vào chùa, mọi người đều kính cẩn cúi đầu trước tượng phật uy nghiêm mà hành lễ, xin đức phật từ bi hỉ xả phù hộ cho gia đình, cho bạn bè, cho toàn bộ người thân yêu bên mình một năm đủ đầy hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.

Người dân đi lễ đầu năm

Sau khi lễ Phật, người Việt Nam còn có tục bẻ lấy một cành lộc mang về nhà để lấy may, lấy phước. Đó là tục hái lộc.

Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si, cây xương rồng... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc này thường đem về cắm ở bàn thờ Tổ tiên.

Xin chữ đầu năm mới

Tết đến xuân về là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới tốt đẹp. Vào dịp đầu xuân năm mới, người Việt Nam thường có phong tục đi lễ chùa và xin chữ đầu năm. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt Nam.

Xin chữ đầu năm là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt

Xin chữ đầu năm là nét văn hóa thể hiện sự trọng chữ nghĩa, tri thức và cũng là mong muốn xin cho được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ.

Khai bút đầu năm

Khai bút đầu năm là việc nên làm dịp Tết, đặc biệt là khoảnh khắc giao thừa đối với học sinh, sinh viên và những người có công việc cần phải viết nhiều như: phóng viên, giáo viên, nhà thơ, nhà văn…

Luôn tươi cười, hỉ hả với mọi người xung quanh

Đầu năm mới, bạn không nên mang gương mặt ủ rũ, đầy những muộn phiền khí tiếp xúc với những người xung quanh. Bởi điều này không chỉ có thể mang lại những trắc trở ngay trong những ngày Tết mà còn khiến bạn mất điểm trong mắt bạn bè người thân. Chẳng ai thích khi phải trò chuyện với người cau mày, cáu kỉnh trong ngày đầu năm.

Xuất hành lấy may

Đầu năm mới, người Việt Nam còn có tục xuất hành. Xuất hành là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ, phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần...

Thông thường, người ta theo các hướng tốt, xuất hành đi lễ chùa, đền hoặc đi chúc Tết các bậc huynh trưởng, thân quyến hay bằng hữu.

Trên đây là những việc nên làm vào dịp Tết để gặp nhiều may mắn. Dù ngày nay nhiều phong tục này xuất phát từ quan niệm dân gian và khó được kiểm chứng về kết quả mang lại. Tuy nhiên, khi thực hiện những việc này, bạn chắc chắn sẽ an tâm hơn trong năm mới.

Theo Gia đình Việt Nam