Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2016 vừa được tổ chức cuối tháng 4 vừa qua nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, những đổi thay căn bản và những chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động du lịch tại thị xã Sầm Sơn, đồng thời thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến với Sầm Sơn.

Mục tiêu năm 2016, Sầm Sơn sẽ đón 3,7 triệu lượt khách với doanh thu ước đạt khoảng 2.300 tỉ đồng, tăng 8,5 % so với năm 2015.

Tỉnh Thanh Hóa xác định du lịch trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế dịch vụ của tỉnh. Tỉnh phấn đấu trở thành một trong những trọng điểm về du lịch của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.

Chạy dài gần 6km từ cửa Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ, Sầm Sơn có bãi cát thoai thoải, sóng mạnh và nồng độ muối vừa phải, rất tốt cho sức khỏe con người. Ngay từ thời Pháp thuộc, Sầm Sơn đã được các quan chức Pháp cho xây dựng nhiều biệt thự nghỉ dưỡng và được đánh giá là “điểm nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương”.

Ngoài bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn ưu ái ban tặng cho Sầm Sơn nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử độc đáo như: hòn Cổ Giải, hòn Trống Mái, đền Ðộc Cước, chùa Cô Tiên.

           Dịch vụ xe điện tại Sầm Sơn

Bên cạnh nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, Sầm Sơn còn có hệ thống cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch tương đối hoàn thiện. Hiện nay, thị xã có gần 400 cơ sở lưu trú với hơn 12.000 phòng, trong đó có nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 đến 4 sao. Nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn cũng được đưa vào hoạt động phục vụ khách tham quan tại Sầm Sơn như: xe đạp đôi, xe điện, xích lô…

Thị xã cũng đã tiến hành quy hoạch các gian hàng kinh doanh làm thông thoáng không gian bãi tắm, đồng thời mở rộng và “xanh hóa” các con đường, tuyến phố.

Tình trạng bán hàng rong trong khuôn viên bãi biển, đường Hồ Xuân Hương, núi Trường Lệ, khu vực chợ đêm và một số tuyến phố khác đã được ngăn chặn, đảm bảo trật tự giao thông, trật tự công cộng, vệ sinh môi trường.

9 không được cắm tại các bãi tắm ở Sầm Sơn - Thanh Hóa

Thị xã còn tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho người dân thực hiện nếp sống văn hóa trong ứng xử và văn minh trong kinh doanh du lịch; ban hành các văn bản quản lý dịch vụ du lịch, không để các cơ sở kinh doanh chèn ép khách.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho du khách khi tắm biển, lực lượng quản lý bãi biển còn thường xuyên thông báo giờ cho phép tắm biển để nhắc nhở du khách không ra quá xa so với cột mốc chỉ định, tránh tình trạng đuối nước do sóng quá to.

Tại cuộc họp báo du lịch Sầm Sơn năm 2015 chiều ngày 18-4, ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) cho biết, nếu du khách bị chèo kéo, ép giá, làm phiền… hãy điện về đường dây nóng của Chủ tịch UBND thị xã: 0946.353.000; Trưởng công an thị xã: 0123.467.9999; Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 2 Sầm Sơn: 0968.721.285, Bệnh viện đa khoa: 0965.391.212.

Mạnh tay với nạn “chặt chém” du khách, Sầm Sơn đã đưa ra bộ quy tắc “9 có và 9 không”.

Trong đó, “9 không” gồm: Không bán hàng rong, tẩm quất dạo, ăn mày, ăn xin; không chèo kéo, đeo bám làm phiền du khách; không mồi chài, ép buộc khách sử dụng hàng hóa, dịch vụ; không to tiếng, nặng lời với du khách; không xả rác thải, nước thải tùy tiện; không làm hàng quán, cơi nới, lấn chiếm trái phép; không sử dụng, đậu đỗ phương tiện sai quy định; không tổ chức trò chơi có thưởng, cờ bạc trá hình; không chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu du lịch.

Theo Long Nguyễn TH/ Gia đình Việt Nam