Chị Nguyễn Thanh Hiếu (SN 1980, ngụ Q.2, TPHCM) có viết một chia sẻ góp ý về cà vạt đồng phục của con trai mình là bé Lê Quang Minh Hải (lớp 3 trường VStar, Q.7) trên facebook cá nhân. Sau đó, chị bất ngờ khi biết bé Hải đã bị đuổi học.
Chị Hiếu chia sẻ: "Vào ngày 20/5/2015 tôi có viết một đoạn chia sẻ về đồng phục của con mình, điển hình là chiếc cà vạt 2 dây. Vì gia đình tôi thường hay bận vào buổi sáng, nhưng con của tôi thì không biết cách thắt cà vạt, nhiều lúc vội, tôi thường thắt sai, có khi thắt làm mối không rút được.
Tôi lên mạng và thấy chiếc cà vạt trong bộ đồng phục của học sinh Hàn Quốc rất tiện lợi, đó là loại cà vạt chỉ cần cài vào phi áo là xong, nên có viết một chia sẻ so sánh giữa cà vạt của trường VStar và trường Hàn Quốc đó".
Cũng theo chị Hiếu, sau khi chia sẻ trên mạng xã hội thì đến ngày 20/6/2015 giáo viên chủ nhiệm (GVCN) của bé Hải có điện thoại cho chị mời lên trường để gặp BGH. Lúc này chị Hiếu đang đưa con đi nghỉ hè tại Hà Nội nên đã nói với GVCN hãy gửi nội dung mà trường cần thông tin cho chị thông qua email cá nhân, vì chị đang ở Hà Nội không thể đến trường ngay được.
"Lúc đó tôi còn nói với cô Thủy (GVCN) về ngày nhập học và được cô Thủy thông báo là ngày 15/8/2015. Về việc thi tiếng Anh của con tôi, thì cô bảo nếu thi tốt thì được xếp lớp, không thì trường xếp lớp nào con tôi sẽ học lớp đó. Cứ tưởng mọi chuyện đến đây là kết thúc, tuy nhiên ngày 3/8/2015 tôi tá hỏa khi hàng xóm nói hôm nay là ngày vào học năm học mới, sao con tôi lại ở nhà?", chị Hiếu cho biết.
Nhà trường: Không chịu được lời nặng nề trên Facebook
Nhận được thông tin trên, chị Hiếu tức tốc đến trường ngay trong ngày, và được dẫn vào gặp ông Huỳnh Châu Lộc (Phó hiệu trưởng trường VStar, Q.7) thì được ông Lộc trả lời rằng: "Nếu một chiếc cà vạt chị cũng không thắt được cho con mình thì chị không có kỹ năng làm mẹ.
Tại sao chị lại lên mạng xã hội chê chiếc cà vạt của trường chúng tôi là xấu, chúng tôi thấy chiếc cà vạt trường rất đẹp, tại sao chị lại đi so sánh với cà vạt của trường Hàn Quốc nào đó? Tại sao chị không xóa lời chia sẻ đó, chúng tôi đã lập một hộp đồng họp và quyết định không nhận con chị vào học nữa".
Ông nói với chị Hiếu: “Có một chút xíu như thế mà nói nặng, nói nhẹ. Tụi tôi không chịu được với những lời lẽ ảnh hưởng tới nhà trường. Nếu thông tin này nhiều hơn thế thì sẽ như thế nào?!”.
Cũng theo ông Lộc, lẽ ra nếu muốn góp ý với nhà trường, phụ huynh nên gọi điện trực tiếp để phản ánh, chứ không nên chê bai trên Facebook.
Hơn nữa, nhà trường cũng đã liên hệ với phụ huynh mà chị Hiếu không lên gặp và lẽ ra khi từ Hà Nội trở về, chị phải báo lại với nhà trường.
“Nếu không thắt được cà vạt, chị phải đến gặp trường, giáo viên để hướng dẫn cho trẻ. Đằng này chị lại lên Facebook nói như thế… Những chuyện đó rất nặng đối với chúng tôi” – ông Lộc phân trần với phụ huynh Hiếu.
Sau câu nói trên, kèm theo lý do nhà trường đã liên hệ với chị Hiếu trước, nhưng do chị Hiếu không liên lạc lại với trường nên vì thế mà chị không biết con mình đã bị đuổi học, ông Lộc cũng trả lại cho chị bộ hồ sơ của bé Minh Hải bao gồm học bạ và tất cả những giấy tờ liên quan, rồi yêu cầu chị Hiếu về nhà.
Khi chị Hiếu nói GVCN thông báo là ngày 15/8 mới bắt đầu học thì ông Lộc cho rằng giáo viên này đã vi phạm nội quy nhà trường về thi vào một trường khác nên đã đuổi việc, vì vậy những phát ngôn của cô này không còn liên quan đến nhà trường nữa.
Không ít phụ huynh có con em đang theo học tại trường VStar cảm thấy lo lắng trước thái độ của nhà trường đối với sự việc trên.
Bà Nguyễn Ái Ch. cho biết: "Nếu thông tin trên là sự thật thì chúng tôi cảm thấy rất hoang mang, thứ nhất khi có một quyết định thôi học tại trường này thì trường phải thông báo trước cho phụ huynh trên email hoặc ít nhất là điện thoại. Vì bây giờ đã bắt đầu học, nếu phụ huynh không lên tìm hiểu mà đợi đến ngày 15/8 thì chắc chắn sẽ không còn trường nào nhận được nữa.
Tôi thấy việc góp ý vào đồng phục một trường học là chuyện trường thường hay hỏi ý kiến phụ huynh vì đây là quyền lợi của con em mình. Tôi cảm thấy lo lắng cho tương lai của con gái mình tại trường nếu đây là sự thật".
Ông Trương Văn H. cho biết: "Nếu đúng sự thật là vậy, tôi khuyên phụ huynh của em kia nên làm đơn khiếu nại, bởi vì nếu trường muốn cho học sinh nghỉ, hoặc chuyển trường thì theo luật giáo dục phải thông báo trước với người có trách nhiệm của học sinh trước khoảng 15 ngày, và khi một trường khác tiếp nhận, có giấy yêu cầu thì trường mới có quyền trả học bạ của học sinh như vậy. Tôi sẽ suy nghĩ lại việc cho con mình tiếp tục học tại đây".
Cũng theo các phụ huynh khác tại đây, vì nhà trường thường xuyên gửi mail liên lạc với gia đình trong tất cả hoạt động của học sinh khi tham gia học, bao gồm các tiết ngoại khóa, du lịch hay đổi mới lịch học,... đều có mail chính thức. Thế nên việc buộc một học sinh thôi học mà diễn ra chóng vánh và đơn giản như thế là điều không đúng.
Trong đoạn băng ghi âm mà chị Hiếu cung cấp, ông Lộc cho biết: "Đúng ra chị phải hợp tác bằng cách gọi điện góp ý thay vì lên fabeook nói như thế. Và việc đó rất là nặng nề với chúng tôi. Nếu không thắt được cà vạt, chị phải đến gặp trường, giáo viên để hướng dẫn cho trẻ. Hơn nữa, nhà trường cũng đã liên hệ với phụ huynh mà chị không lên gặp. Lẽ ra khi từ Hà Nội trở về, chị phải báo lại với nhà trường”.
Chúng tôi đã nhiều lần gọi vào số điện thoại đường dây nóng, và cả số nội bộ của trường VStar nhưng người tiếp chuyện yêu cầu để lại thông tin liên hệ họ sẽ cung cấp sau. Nhưng đến nay, tất cả chỉ là sự im lặng từ phía nhà trường, vì: "Trường chúng tôi đang tổ chức cuộc họp về việc này, khi nào có thông tin chính thức, chúng tôi sẽ liên hệ với phụ huynh để làm việc".
Liên hệ lại với chị Hiếu thì được biết, từ khi trường trả học bạ buộc con chị thôi học đến nay chị không nhận được thêm bất kỳ phản hồi nào về lý do chính thức từ nhà trường. Hiện bé Minh Hải đã được chuyển sang học tại một trường khác.
Với gia đình chị Hiếu, việc con mình bị đuổi học chỉ vì một câu chê bai trên trang Facebook cá nhân khiến chị bức xúc.
“Tôi thấy việc chọn cho con vào học trường Vstar là một quyết định sai lầm. Bởi một môi trường lớn phải quản lý chuyên nghiệp chứ không thể chỉ vì một lần chê bai cà vạt xấu mà đuổi học học sinh như vậy!
Con tôi lại phải vất vả chuyển trường và phải mất một thời gian mới hòa nhập được với các bạn mới” – chị Hiếu bất bình.
“Qua Facebook của mình, tôi muốn cảnh báo với các phụ huynh khác, để con của họ không bị đuổi học một cách vô lý, trừ phi trong hợp đồng ký với nhà trường ghi rõ: Phụ huynh không được có ý kiến chê bôi nhà trường trên Facebook” – chị Hiếu chia sẻ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc./.
Hiện stt được share một cách chóng mặt. Một bình luận nhận được nhiều sự đồng tình: "Cuộc khủng hoảng tạo ra sự đổ vỡ không từ một phía. Điều trầm trọng nằm ở chỗ giải quyết mẫu thuẫn để không bị đổ vỡ be bét. Thậm chí khi học sinh quá dư để sẵn sàng cho đi một " deal ". Nhưng suy nghĩ ấy chỉ được phép tồn tại trong mua bán một món hàng. Còn với giáo dục lại liên quan đến cuộc đời và tâm lí của một đứa trẻ. Chuyện của người lớn mà phải bức tử quyền được học của một đứa trẻ. Dù đứa trẻ ấy học chưa tốt và không xứng đáng học ngôi trường ấy thì nhân cách và tư duy làm GD tốt cũng không được làm cái điều ấy. Giáo dục là đem lại cơ hội thay đổi cho một đứa trẻ. Mình rất e ngại một môi trường giáo dục chỉ đem lại kiến thức tốt, mới lạ mà không chứa đựng cái gốc về tính nhân văn, nhân đạo. Điều này sẽ phản ánh qua cách cư xử của người làm GD đối với học sinh cá biệt trong ngôi trường ấy. Làm giáo dục không chỉ tạo ra cái tốt cho trường mình, cá nhân công việc mình mà suy nghĩ giúp xh bớt học sinh kém đi và thêm học sinh tốt lên. Như thế xã hội, cộng đồng mới tốt lên. GD công hay tư đang đòi hỏi con người có lương tri làm giáo dục là thế. XH muốn văn minh, tiến bộ gì thì GD luôn phải tiên phong về những vấn đề đó". |
VstarSchool được thành lập và đi vào hoạt động từ năm học 2009-2010. Trường này nằm cạnh Khu dân cư Kim Lam, đường Nguyễn Hữu Thọ, Phường Tân Hưng, quận 7, Tp.Hồ Chí Minh. Trường dạy 3 cấp: tiểu học, THCS và THPT. Cơ sở vật chất hiện đại, mặt bằng sở hữu rộng hơn 30.000m2, đưa đón học sinh bằng xe bus. Theo lời giới thiệu của thầy Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng cấp THCS: nhà trường lựa chọn giáo viên dạy theo tiêu chuẩn nhân cách. |