Qua kết quả thực hiện công tác điều hành giá 9 tháng năm 2019, Ban Chỉ đạo điều hành giá khẳng định quyết tâm thực hiện điều hành giá theo đúng mục tiêu đề ra và dự báo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2019 trong mức từ 3,3 - 3,5%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng năm 2019 tăng 2,5%, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Ảnh minh họa

Bức tranh kinh tế nhiều điểm sáng

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bức tranh kinh tế - xã hội nước ta trong quý III và 9 tháng năm 2019 có nhiều điểm sáng; trong đó, điểm nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các chỉ số vĩ mô đều ở mức tích cực.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 2,2% so với tháng 12/2018; lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,91% so với bình quân cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, CPI bình quân tăng 2,5%, dự báo lạm phát bình quân năm 2019 từ 3,3 - 3,5%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, thanh khoản tốt, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 18/9 tăng 8,24% so với cuối năm 2018; tỷ giá và thị trường tiền tệ ổn định.

Đến hết tháng 9, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 1.093.800 tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2018. Tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 1.029.950 tỷ đồng, bằng 63,1% dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm ước đạt 192.136,038 tỷ đồng, đạt 49,13% so kế hoạch Thủ tường Chính phủ giao và bằng 45,1% dự toán năm. Tính đến ngày 20/9, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài ước đạt 26,16 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Giải ngân vốn FDI 9 tháng đầu năm đạt 14,22 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Vừa qua, tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện công tác điều hành giá quý III/2019, dự báo và định hướng điều hành giá những tháng còn lại của năm 2019, Ban Chỉ đạo điều hành giá nhận định, tình hình kinh tế - xã hội diễn biến tích cực, làm giảm áp lực lên mặt bằng giá. CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2019 tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, từ đó có thêm dư địa cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát cả năm 2019 theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để xem xét điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường.

Kiểm soát lạm phát bình quân từ 3,3 - 3,5%

Qua kết quả thực hiện công tác điều hành giá tháng 9 và 9 tháng của năm 2019, Ban Chỉ đạo điều hành giá khẳng định quyết tâm thực hiện điều hành giá theo đúng mục tiêu đề ra và dự báo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2019 trong mức từ 3,3 - 3,5%.

Về phương hướng điều hành giá từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp; chủ động chuẩn bị các nguồn hàng đáp ứng nhu cầu thường tăng cao vào cuối năm, hạn chế tăng giá.

Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa chặt chẽ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,9% - 2%.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; làm tốt hơn nữa công tác truyền thông tạo niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào công tác điều hành của Chính phủ; thực hiện công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Trong điều kiện dư địa lạm phát đang có điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường, các Bộ, ngành, địa phương căn cứ lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý để chủ động tính toán, lựa chọn mức độ và thời điểm phù hợp, kịp thời báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã chỉ đạo cụ thể về công tác điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu.

Cụ thể, đối với mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán có thể bị sụt giảm, bên cạnh đó, nhu cầu thịt lợn xuất sang các nước láng giềng gia tăng. Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường thịt lợn cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2020, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT có kịch bản chi tiết cụ thể tình hình sản xuất, dịch bệnh, đánh giá sát từng tháng tình hình cung - cầu và phối hợp với Bộ Công Thương có biện pháp bảo đảm nguồn cung cho tiêu dùng trong nước; tránh tình trạng tăng giá đột xuất.

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sẽ được sử dụng linh hoạt, hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát. Ảnh: TL

Mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính nắm bắt diễn biến của giá thế giới để điều hành giá xăng dầu theo hướng bảo đảm giá trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới; sử dụng linh hoạt, hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân…

Về giá điện, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương thực hiện rà soát phương án giá bán lẻ điện bình quân Quý III năm 2019 của EVN; kiểm tra, rà soát chi phí đầu vào, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 và công bố công khai chậm nhất là vào tháng 11/2019.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế sớm hoàn tất việc rà soát, phân loại dịch vụ và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trong tháng 10/2019; tính toán, đề xuất với Ban Chỉ đạo điều hành giá về phương án kết cấu chi phí quản lý trong cơ cấu giá dịch vụ thực hiện trong tháng 11 và tháng 12/2019.

Về thuốc chữa bệnh cho người, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu thầu thuốc tập trung, thực hiện nghiêm và quy trách nhiệm cho các tập thể và cá nhân trong quy trình đàm phán giá thuốc. Tổ chức thực hiện ngay công tác đấu thầu vật tư y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuẩn bị phương án để thực hiện khi Ban Chỉ đạo được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ.

Theo Công luận