Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, Việt Nam được đánh giá đang trong giai đoạn "vàng" để phát triển tín dụng tiêu dùng, khi nhóm khách hàng mục tiêu có quy mô khoảng 30 triệu người, trong độ tuổi từ 20 đến 50.

Sự phát triển đi lên của nền kinh tế cùng với sự bứt phá của công nghệ đã giúp người dân tự tìm kiếm rất nhiều cơ hội việc làm tăng thu nhập, ngày càng lạc quan với tài chính cá nhân, thay đổi thói quen từ tiết kiệm tích lũy sang chi tiêu mạnh dạn. Theo họ, chi tiêu trước, trả sau hàng tháng là cách để tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn.

Người đi vay cần có trách nhiệm hơn

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đánh giá cao về những lợi ích mà tín dụng tiêu dùng mang lại, đồng thời ông đưa ra lời khuyên với người đi vay cần nắm vững một số nguyên tắc để gia tăng cơ hội vay vốn và hạn chế rủi ro khi vay.

Người vay cần hiểu rõ năng lực tài chính của mình

Bởi chỉ có hiểu rõ khả năng tài chính, các nguồn thu nhập thì mới biết mình có đủ khả năng để vay và trả nợ hay không. Việc chủ động lên kế hoạch tài chính rõ ràng trước khi quyết định vay chính là cách để tự bảo vệ mình, tránh những rắc rối phát sinh nếu như không trả được nợ, hạn chế những hành vi tiêu cực như chây ỳ, chậm trả, hoặc thậm chí trốn nợ.

Cần xác định mục đích vay tiền để làm gì, có thực sự cần thiết vay hay không?

Những khoản vay lớn sẽ có áp lực trả nợ rất lớn. Vì vậy, cần căn cứ vào nhu cầu mình muốn vay làm gì, năng lực trả nợ như thế nào. Những người không có kế hoạch cụ thể hay không tuân thủ kế hoạch một cách nghiêm ngặt rất dễ bị vỡ nợ.

Ông Lực cho rằng, người đi vay nên tính toán khoản trả nợ chỉ nên chiếm tối đa khoảng 30 - 50% thu nhập hằng tháng, để đảm bảo mình luôn trả nợ đúng hạn. Đặc biệt, người vay tiền nên có ý thức thực hiện đúng cam kết, trích phần thu nhập vào tài khoản trả nợ ngân hàng, chứ không thể tuỳ hứng tiêu pha lung tung.

Khi vay cần tìm hiểu kỹ hợp đồng tín dụng, kiểm tra kỹ các điều kiện liên quan đến lãi suất, phí để đảm bảo phương án trả nợ

Người tiêu dùng có thể yêu cầu nhân viên công ty tài chính giải thích rõ về một số vấn đề trọng tâm như lãi suất, phí liên quan, cách tính lãi, phương thức trả nợ, đòi nợ, mức xử phạt vi phạm khi trả nợ muộn hoặc thanh toán trước hạn…, vì đây là quyền lợi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Khi đã ký vào hợp đồng vay vốn, người đi vay cần nghiêm túc trả nợ đúng hạn

Cần phải tính toán cân đối chi tiêu để trả nợ đúng hạn, đúng cam kết theo thỏa thuận ban đầu, tránh trường hợp trả chậm quá hạn sẽ bị phạt rất nặng.

Đặc biệt, việc nâng cao hiểu biết và có trách nhiệm hơn khi đi vay cũng là cách để lãi suất cho vay tiêu dùng dần thấp hơn với người vay. Bởi theo lý giải của TS. Cấn Văn Lực, có hai cách để giảm lãi suất cho vay. Một là, đảm bảo hồ sơ tín dụng đẹp. Hai là, không nên để xảy ra nợ xấu vì có lịch sử nợ xấu thì chắc chắn công ty tài chính không áp dụng lãi suất thấp hơn đối với lần vay sau. Nếu người đi vay có hồ sơ “đẹp” (thu nhập ổn định, không có nợ quá hạn trả, chưa đi vay quá nhiều…) sẽ nhận được lãi suất thấp hơn so với người có hồ sơ không “đẹp”.

Theo Mộc My/Đô Thị Mới