Hơn 12,8 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, khó tránh khỏi áp lực nợ xấu tăng
Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương, đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động, việc làm, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng mạnh.
Theo thống kê của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trong 7 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn so với số doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước (có 79,7 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường). Cùng với đó, số lao động thất nghiệp gia tăng do nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh nên buộc phải cắt giảm lao động.
Số người thất nghiệp trong quý II/2021 là 1,2 triệu người, chiếm 2,62%. Tháng 7/2021 với mức độ phức tạp của dịch bệnh, số lao động thất nghiệp tăng cao, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị lên hơn 4%.
Trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…
Cũng theo Cục Việc làm, từ cuối tháng 6/2021 với sự bùng phát mạnh của pha 2 đợt 4 tại TP.HCM và các tỉnh thành phố phía Nam, khiến cho 21 tỉnh thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, đặc biệt trong đó có các tỉnh tập trung phần lớn khu công nghiệp, khu chế xuất, là động lực phát triển kinh tế quan trọng của đất nước. Theo báo cáo nhanh của 54 tỉnh, thành phố, 9,94% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh; số lao động tạm ngừng việc là gần 4 triệu người (20% tổng số lao động).
Điều này đã và đang tạo áp lực lên các công ty tài chính tiêu dùng khi sự ảnh hưởng của dịch bệnh lần này tác động rất lớn đến những người dân lao động trong những ngành nghề phổ thông, buôn bán nhỏ, công nhân... - những người có sức chịu đựng với biến động kinh tế kém và cũng chính là đối tượng khách hàng chính của công ty tài chính. Đặc biệt, các công ty có lượng khách hàng và thị phần lớn thì mức độ ảnh hưởng càng nghiêm trọng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, đồng nghĩa với việc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhất là ở những vùng kinh tế trọng điểm. Mặc dù đã hoàn thành trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngay từ năm 2020 nhưng ngành tài chính cũng sẽ khó tránh khỏi kịch bản nợ xấu tăng cao trong giai đoạn tiếp theo và ảnh hưởng tới lợi nhuận nếu dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài.
Ngành tài chính đối mặt nhiều thách thức từ đại dịch COVID-19
Tại FE CREDIT – có thị phần khoảng 50% ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam, đầu năm 2021, công ty được Ngân hàng Nhà nước thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng là 8,5%. Tuy nhiên, việc bùng phát dịch bệnh COVID-19 đã làm xáo trộn khá nhiều đến việc triển khai hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này nói riêng và tất cả các ngành nghề khác của nền kinh tế nói chung, tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Đứng trước tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại, công ty đã chủ động đề ra nhiều biện pháp ứng phó nhằm bảo toàn năng lực tài chính, nguồn lực lao động, duy trì hoạt động kinh doanh liên tục. Đồng thời, FE CREDIT cũng chú trọng thực hiện các biện pháp giãn cách nhân viên, phân chia lịch làm việc tại nhà, tái cơ cấu hoạt động nhằm duy trì được năng suất, ổn định tâm lý làm việc và giữ gìn sức khỏe cho cả bộ máy nhằm hướng đến tăng trưởng ổn định và bền vững sau đại dịch. Hầu hết hoạt động của công ty vì vậy vẫn ở mức cầm chừng, dư nợ cho vay giảm nhẹ 4,5% so đầu năm (tức giảm khoảng 3.000 tỷ đồng).
Ngoài ra, FE CREDIT tiếp tục xây dựng mức lãi suất phù hợp với khách hàng, cũng như hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong 5 tháng đầu năm 2021, có tới 400.000 khoản vay, trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng được hưởng lãi suất ưu đãi, đồng thời doanh nghiệp này cũng chủ động giảm tần suất tác động thu hồi nợ nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, FE CREDIT ghi nhận tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 8.800 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, công ty cũng liên tục cải tiến năng lực vận hành, áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh để tối ưu hóa chi phí. Theo đó, chi phí hoạt động (OPEX) trong 6 tháng đầu năm 2021 ở mức 2.200 tỷ đồng, giảm tới 15,4% so với cùng kỳ. Đồng thời, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm mạnh còn 25,4% so với 31,7% của 6 tháng đầu năm 2019 và thuộc nhóm tốt nhất trong các công ty tài chính ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tác động của dịch bệnh tới ngành tài chính tiêu dùng ngày càng nặng nề, chi phí dự phòng rủi ro của FE CREDIT được ghi nhận ở mức cao hơn, dẫn đến lợi nhuận trước thuế của công ty trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt mức 1.200 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc FE CREDIT cho biết: “Đứng trước tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại, FE CREDIT đã chủ động đề ra nhiều biện pháp ứng phó nhằm bảo toàn năng lực tài chính, nguồn lực lao động, duy trì hoạt động kinh doanh liên tục. Tuy nhiên, với thực tế dịch bệnh đang diễn biến vượt rất xa khỏi dự đoán, cần nhìn nhận rằng nợ xấu khó tránh khỏi nguy cơ sẽ tăng, không chỉ tại các công ty tài chính, mà cả các ngân hàng cho vay tiêu dùng. FE CREDIT kỳ vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi cũng như sẽ hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2021 và tạo đà cho một giai đoạn tăng trưởng bền vững”.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/nganh-tai-chinh-doi-mat-nhieu-thach-thuc-tu-dai-dich-covid-20201231000003509.html