Thị trường TCTD đang có cơ hội bứt phá
Số liệu từ Financial Times Confidential Research (FTCR) cho thấy, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam kém hơn các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Tuy nhiên tính chỉ số về thu nhập hộ gia đình và chỉ số chi tiêu thì Việt Nam lại đứng cao nhất trong khu vực, đạt 129 điểm. So với năm 2017, mức độ lạc quan của người dùng Việt cũng cao hơn 13 điểm (năm 2017 chỉ 116). Qua đây cho thấy người Việt tuy tiết kiệm nhưng cũng đã chịu bỏ tiền sắm sanh phục vụ nhu cầu bản thân và xã hội.
Thêm nữa, chỉ số GDP năm 2018 vừa qua được báo cáo là 7,06%, tăng cao nhất trong 10 năm cũng cho thấy nền kinh tế nước ta đang từng bước phát triển ổn định và do đó thị trường mua sắm, tiêu dùng cũng sẽ tăng cao.
Tất cả những yếu tố thuận lợi như kinh tế tăng trưởng tốt, thu nhập bình quân tăng và công nghệ phát triển vượt trội sẽ mang lại nhiều bứt phá cho ngành tài chính tiêu dùng.
Ai được hưởng lợi khi TCTD phát triển?
Trước đây, chắc hẳn không ai nghĩ sẽ tìm đến vay tiêu dùng để vay vốn, mua xe, mua điện thoại hay sắm sửa cho mình bất cứ cái gì. Hình thức cho vay tiêu dùng ra đời như một cách đảm bảo người tiêu dùng có thể an tâm vay vốn hợp pháp. Trên tất cả nhu cầu về một cuộc sống đầy đủ hơn thì đó còn là phương tiện để những người đi vay cải thiện cuộc sống, quản lý ngân sách của mình tốt hơn.
Sinh viên nghèo có thể vay tín chấp mua xe máy, mua điện thoại để kiếm việc làm thêm trang trải cuộc sống, đỡ gánh nặng cho cha mẹ. Một người bệnh đang đứng trước bờ vực thẳm khi không có một đồng xu nào trong túi trả tiền viện phí vay chữa trị bệnh tật. Một mái nhà dột có thể nhờ đến vay tiêu dùng để vá lại ấm áp và khang trang, một gói du lịch xả stress và hâm nóng tình cảm đôi lứa…
Điều đó được ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Ngân hàng khẳng định: “Khi có trách nhiệm phải trả nợ, người đi vay sẽ phải cân nhắc về vấn đề tài chính của mình một cách kỹ lưỡng hơn, đưa ra quyết định thận trọng hơn nếu không muốn vỡ nợ, từ đó họ sẽ quản lý nguồn tài chính cá nhân tốt hơn.”
Sự phát triển của các hoạt động cho vay tiêu dùng cho thấy không chỉ có ý nghĩa đối với từng cá nhân mà còn mang lại những tác động tích cực và ổn định cho toàn xã hội. Đó là khi nó là đòn bẩy để đẩy lùi nạn “tín dụng đen” hoành hành khắp các ngõ hẻm.
“Đặc điểm chung của tín dụng đen là lãi suất cao "cắt cổ" từ vài chục % thậm chí tới hàng trăm % mỗi năm, gấp nhiều lần so với lãi suất vay mượn thông thường từ ngân hàng và công ty tài chính. Bên cạnh đó người vay còn bị đòi nợ bằng các hình thức "khủng bố" về tinh thần, sức khỏe, thậm chí đe dọa cả tính mạng, thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau, mà tín dụng đen vẫn cứ phát triển. Sự phát triển mạnh mẽ của các CTTC ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính của người dân chính là giải pháp quan trọng để đẩy lùi “tín dụng đen”, PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Tài chính nhận định.
Cũng có thể nói rằng, nhờ tài chính tiêu dùng mà các công ty bán lẻ cũng tăng cường lợi nhuận của mình vì tính cho đến nay, khoảng 60-70% doanh số bán hàng tại các cửa hàng điện máy là do các công ty tài chính mang lại. Đơn cử là FPT. Tính trong năm 2017, đơn vị này đã tăng trưởng tới hơn 40%, đó, đóng góp của mảng cho vay tiêu dùng chiếm tới 30-35% doanh thu.
Nếu như ngành TCTD phát triển thì nền kinh tế cũng được hưởng lợi vì: “Ở Việt Nam, tiêu dùng cá nhân tương đương khoảng 67% GDP. Như vậy, nếu phát triển tốt tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế bởi vì tín dụng tiêu dùng góp phần đáp ứng nhu cầu của cá nhân và hộ gia đình trong tiêu dùng; tạo động lực để làm việc, tiết kiệm, nuôi dưỡng con cái. Đối với doanh nghiệp (nhất là DNNVV), TDTD góp phần đáp ứng nhu cầu vốn và phát triển sản phẩm-dịch vụ của DN, tăng hiệu quả quá trình sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng”, chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết.
Đối với nền kinh tế, tài chính tiêu dùng góp phần thúc đẩy tăng cầu trên thị trường, khuyến khích tăng cung cả về số lượng lẫn chất lượng từ phía sản xuất và cung ứng dịch vụ, làm cho nền kinh tế năng động hơn và tốc độ tăng trưởng cao hơn. Không những vậy, tài chính tiêu dùng còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động, đóng góp phần không nhỏ vào tăng trưởng nền kinh tế.