1. Nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy

Theo truyền thuyết “Bánh chưng, bánh dày”, vào đời Hùng Vương thứ 6, nhân dịp giỗ tổ, vua Hùng triệu tập các quan Lang (các con của nhà vua) đến và truyền rằng: vị quan Lang nào tìm được món lễ vật dâng lên tổ tiên hợp ý với nhà vua sẽ được nhà vua nhường ngôi.

Các vị quan Lang lên rừng, xuống biển tìm châu ngọc và các sản vật quý để làm lễ vật dâng lên nhà vua. Người con trai thứ 18 tên là Lang Liêu là người nghèo khó nhất trong số các vị quan Lang nhưng tính tình hiền hậu, lối sống đạo hạnh, hiếu thảo với cha mẹ. Không thể tìm những sản vật quý hiếm về dâng vua cha, chàng đã dùng những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để làm ra hai loại bánh chưng và bánh dày tượng trưng cho trời và đất làm lễ vật dâng vua.

Lễ vật của Lang Liêu rất hợp ý vua Hùng và vua Hùng đã truyền ngôi cho Lang Liêu. Từ đó, bánh chưng, bánh dày trở thành lễ vật linh thiêng trong nghi thức thờ cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với ông cha, là món ăn không thể thiếu của người dân Việt Nam những ngày Tết. Chẳng thế mà dân gian Việt Nam có câu:

                                         Bên ngoài xanh lá dong xanh.

                                    Bên trong nếp mỡ, đỗ hành hạt tiêu.

                                        Gói nghĩa tình, gói yêu thương.

                                     Dẻo thơm từ thuở Lang Liêu tới giờ.

2. Ý nghĩa của bánh chưng, bánh giầy

Tượng trưng cho Đất Trời

Bánh chưng và bánh dày tượng trưng cho triết lí Vuông Tròn của người Việt nói riêng và triết lí Âm Dương nói chung.

Bánh dày tượng trưng cho trời, màu trắng, hình tròn, nhỏ gọn trong lòng bàn tay, được nặn thành 2 nửa hình vòng cung rất đẹp, bên trên và dưới đều có 2 miếng lá chuối đậy lên.

Bánh chưng có màu xanh, được gói theo hình vuông lớn, tượng trưng cho đất. Sự kết hợp của bánh chưng xanh và bánh dày tượng trưng cho sự kết hợp và gắn kết của đất trời.

Dân tộc Việt Nam gắn liền với văn hóa lúa nước, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thiên nhiên, trong đó đất trời là yếu tố quyết định. Chính vì lẽ đó, người ta chọn dâng bánh chưng và bánh dày vào ngày Tết để thể hiện lòng biết ơn trời đất tạo điều kiện mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc.

gói bánh chưng
Bánh chưng ngày Tết

Thể hiện cho vũ trụ, nhân sinh

Trong tín ngưỡng phồn thực của người Việt ta, bánh giầy tượng trưng cho âm, bánh chưng đại diện cho dương. Bánh chưng là hiện thân của Mẹ, thì bánh dày chính là sức mạnh của Rồng, sự hy sinh lớn lao của Cha.

Bánh dày đại diện cho những người đàn ông trụ cột trong gia đình, là lễ vật khát vọng cho những mong muốn thăng quan tiến chức, học hành đỗ đạt thành tài.

Ý nghĩa tinh thần của tục gói bánh chưng, bánh dày

Bánh chưng, bánh dày là thức ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ. Phong tục truyền thống thờ cúng và thưởng thức bánh chưng ngày Tết của người Việt Nam vừa mang nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh, vừa là tinh hoa ẩm thực, trí tuệ của người Việt Nam.

Theo tục lệ, trước tết 2,3 ngày, các gia đình đều tất bật chuẩn bị cho phần gói bánh chưng, bánh dày. Lúc này, ông bà cha mẹ anh em quây quần bên nhau, mỗi người phụ một tay để làm nên những cái bánh thật đẹp, thật ngon dâng lên ông bà tổ tiên trong ngày đoàn tụ sum vầy.

Không chỉ vậy, bánh chưng gồm đủ các nguyên liệu từ động vật đến thực vật như thịt mỡ, đậu xanh, gạo nếp, lá dong thể hiện sự sung túc, ấm no. Bánh giầy với hình tròn đầy đặn chính là sự đầy đủ, trọn vẹn trong cuộc sống.

Tuy đó là những điều nhỏ bé, đơn giản nhưng lại là tất cả những mong cầu của người dân vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Theo Công luận

Nguồn: https://congluan.vn/nguon-goc-y-nghia-cua-tuc-goi-banh-chung-banh-day-ngay-tet-post118143.html