Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại Lễ công bố Dự án truyền thông khẩu trang “Vì sức khỏe Việt Nam” và “Bảo vệ Blouse trắng” do Công đoàn ngành Y tế Việt Nam tổ chức chiều 12-11.

Theo đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phân tích nguy cơ bùng phát dịch tại cộng đồng ở Việt Nam đến từ các chuyến bay để đưa các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc ở các dự án, đưa công dân từ nước ngoài về; đường biên giới của Việt Nam giáp với Trung Quốc, Lào, người dân thường đi qua đường mòn, lối mở,… nên việc giao thương, đi lại rất khó kiểm soát.

Hơn nữa, “trong thời gian dài không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, người dân bắt đầu có tư tưởng chủ quan, ngay cả cán bộ cũng chủ quan, chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, nguy cơ dịch Covid-19 và bùng phát ca bệnh ở cộng đồng là rất lớn. Một ca bệnh ở nhà máy, xí nghiệp còn có thể xử lý những ca lây nhiễm ở cộng đồng thì rất khó để truy vết”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Ngoài ra vẫn còn nhiều dịch bệnh khác nguy hiểm lây qua đường hô hấp như bạch hầu, lao phổi, cúm, rota virus,… Trong tình hình hiện nay, khí hậu chuẩn bị bước sang mùa Đông, Xuân, tình hình bão lũ phức tạp. Khi lũ rút, vấn đề ô nhiễm môi trường và dịch bệnh cần đặc biệt quan tâm.

“Việc phòng, chống dịch Covid-19 là cơ sở để thực hiện mục tiêu kép, không để dịch chồng dịch. Đeo khẩu trang là một trong những biện pháp phòng, chống dịch hiện hữu, không chỉ phòng, chống dịch Covid-19 mà còn phòng, chống các dịch bệnh khác hiệu quả”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng hiện người dân có biểu hiện chủ quan trong phòng dịch Covid-19 (ảnh P.C)

Phát biểu tại buổi lễ, bà Phạm Thị Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam chia sẻ, Dự án truyền thông khẩu trang “Vì Sức khỏe Việt Nam” và “Bảo vệ Blouse trắng” là một dự án xã hội nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng thực hiện thông điệp 5K do Bộ Y tế phát động, bao gồm: Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập, Khai báo Y tế; kêu gọi người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua thay đổi thói quen đeo khẩu trang hàng ngày nơi công cộng. Đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm cộng đồng trong việc phòng dịch Covid-19, tri ân những người anh hùng áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch, ngày đêm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, và góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động trong ngành dệt may và trang thiết bị y tế.

Trong khuôn khổ Dự án, BTC Dự án sẽ ký kết với các đơn vị dệt may, sản xuất khẩu trang y tế. Các đơn vị sản xuất cam kết trích 1.000 đồng/chiếc đối với khẩu trang vải kháng khuẩn, 100 đồng/chiếc đối với khẩu trang y tế mang thông điệp “Vì Sức khỏe Việt Nam”, kèm hashtag #BaoveBlousetrang được bán ra.

Nguồn quỹ thu được từ Dự án sẽ chuyển vào Quỹ xã hội từ thiện của Công đoàn Y tế Việt Nam dành để hỗ trợ các đối tượng nằm trong chương trình Bảo vệ Blouse trắng là các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, cán bộ y tế có hoàn cảnh khó khăn ở tất cả các vùng miền của cả nước đang chăm lo sức khỏe cho người dân Việt Nam.

Dự án đặt mục tiêu bước đầu thu hút ít nhất 5.000.000 người dùng tiềm năng đến từ hệ thống Công đoàn Việt Nam; 1.000 doanh nghiệp, tổ chức tham gia Dự án; tiêu thụ 5.000.000 khẩu trang mang thông điệp của dự án, qua đó gây quỹ hỗ trợ 1.000 trường hợp các cán bộ, nhân viên y tế đang ngày đêm chống dịch COVID-19, mắc bệnh hiểm nghèo, bị bệnh nghề nghiệp, bị bạo hành, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Theo Pháp luật xã hội