Làn sóng trả phòng khi dịch bùng phát
Những năm gần đây, chứng kiến tốc độ đô thị hoá nhanh tại Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn, kéo theo đó là nhu cầu nhà ở tăng mạnh, vì thế hình thức kinh doanh cho thuê phòng trọ càng nở rộ. Điển hình phải kể đến như chung cư mini, nhà trọ tiện ích (hay nhà trọ homestay). Nếu chung cư mini nằm trong các tòa nhà cao tầng (từ 4 - 9 tầng), có thang máy, bảo vệ, các phòng khép kín và được trang bị đầy đủ tiện nghi như giường, tủ, internet cáp quang, nóng lạnh, điều hòa… thì nhà trọ tiện ích là sự kết hợp giữa nhà riêng và ký túc xá. Không gian phòng ngủ của nhà trọ tiện ích mô phỏng hệ thống giường tầng, tủ đồ cá nhân trong ký túc xá. Người thuê sử dụng chung phòng khách, bếp, khu sinh hoạt cộng đồng…
Đối tượng có nhu cầu thuê nhà chủ yếu là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng và người lao động có thu nhập thấp. Với nhu cầu cao, khả năng sinh lời tốt, các loại nhà trọ cho thuê được đánh giá là “gà đẻ trứng vàng” của rất nhiều nhà đầu tư có vốn nhỏ.
Nhưng kể từ khi làn sóng Covid-19 xuất hiện, thị trường ngách này cũng lâm vào cảnh khó khăn khi làn sóng trả phòng diễn ra mạnh. Theo khảo sát của PV, 2 năm trước, giá thuê phòng trọ các khu vực Quan Hoa, Dịch Vọng Hậu, Phùng Khoang, Hạ Đình, Khương Đình, Thượng Đình, Triều Khúc (quận Thanh Xuân), Đình Thôn, Trung Văn, Mễ Trì, Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), Định Công (quận Hoàng Mai) vẫn dao động phổ biến từ 1,8 - 2,5 triệu đồng/phòng/tháng thì đến giai đoạn sau Tết 2020, giá thuê phân khúc này sụt giảm, chỉ còn phổ biến từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/tháng. Ở phân khúc giá cao hơn dao động khoảng 2,5 - 5,5 triệu đồng/phòng chỉ có tỷ lệ lấp đầy khoảng 70% thậm chí chỉ còn khoảng 50%.
Đáng chú ý, sau lần bùng dịch thứ 4, phân khúc nhà trọ giá rẻ hướng tới đối tượng sinh viên, công nhân, người lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất. Dịch bùng khiến nhiều trường đại học chuyển sang hình thức học online, nhiều nhà hàng, cơ sở dịch vụ đóng cửa, người lao động tự do mất việc. Họ chọn giải pháp trả phòng trọ để trở về quê, tiết kiệm chi phí.
Chủ nhà một khu trọ cho thuê tại khu vực Mỹ Đình chia sẻ, nếu năm 2019, để tìm được phòng còn trống trong khu trọ của anh là rất hiếm, bởi đa phần người thuê khi đã ổn định chỗ ở họ ít khi di chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 liên tục bùng phát hết lần này đến lần khác, nhà trọ này lúc nào cũng trong tình trạng trống phòng, có thời gian lượng phòng trống tới 40%.
Chủ nhà trọ cho biết thêm, ngoài việc gặp người lao động trả phòng về quê thì giai đoạn này cũng là lúc bắt đầu vào kỳ nghỉ hè của sinh viên, nên việc tìm khách thuê phòng lúc này càng khó.
Giá ưu đãi mong giữ chân khách
Đứng trước tình trạng tìm kiếm khách thuê ngày càng trở nên khó khăn, nhiều chủ nhà trọ đã đưa ra những ưu đãi hấp dẫn. Chị Hạnh, chủ nhà trọ cho thuê tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giầy cho biết, gia đình chị có 30 phòng trọ cho thuê, mỗi phòng có mức giá khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Trước đây, thu nhập mỗi tháng từ việc cho thuê trọ của gia đình chị Hạnh khoảng gần 80 triệu đồng, tuy nhiên đến nay, con số này giảm chỉ còn hơn 1 nửa. Mặc dù ở khu vực trung tâm, gần các trường đại học và khu văn phòng, nhưng hiện tại việc tìm kiếm khách thuê phòng rất khó khăn.
“Khách thuê trọ nhà tôi đa phần là sinh viên hoặc những người mới đi làm. Bởi vậy khi dịch bệnh xuất hiện, số phòng trống tăng tới 12. Bên cạnh đó, thời gian khách thuê cũng không kéo dài, người thuê nửa năm, người chỉ thuê 3 tháng”, chị Hạnh chia sẻ.
Chị Hạnh cho biết thêm, từ đầu năm nay, chị áp dụng rất nhiều “khuyến mại”. Cụ thể, nếu người thuê tới ở ngay sẽ được giảm 50% giá tháng đầu tiên. Nếu khách đóng tiền 3 tháng sẽ được giảm mỗi tháng thêm 200.000 đồng nhưng đã trải qua nửa năm 2021, chị cũng không tìm được khách thuê mới.
Tương tự, anh Hùng, chủ nhà tại khu vực Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng cho biết, năm 2015, khu nhà trọ của anh chỉ là những phòng trọ cấp 4 với giá thuê chưa đến 1 triệu đồng/phòng. Từ năm 2019, anh đã tạm dừng hoạt động khu trọ để xây dựng theo dạng chung cư mini để hướng tới phân khúc khách thuê cao hơn. Do thiếu tiền xây dựng, anh Hùng đã vay ngân hàng gần 2 tỷ đồng. Đến đầu năm 2020, khi các phòng trọ được xây dựng hoàn tất, tưởng rằng việc cho thuê trở nên thuận lợi hơn, tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 tới bất ngờ, khiến gia đình anh gặp khó khăn trong việc lấp đầy số phòng.
Anh chia sẻ: “Nhà tôi xây dựng 55 phòng trọ có diện tích từ 20m2 - 35m2/phòng, giá dao động khoảng từ 3 - 5 triệu đồng/phòng. Mỗi phòng đều được trang bị đầy đủ điều hoà, bình nóng lạnh, giường, người thuê chỉ cần mang quần áo tới ở
Mặc dù, các phòng được trang bị đầy đủ nhưng đến nay người hỏi thuê rất ít. Hiện tại, số lượng trống là khoảng 20 phòng. Để giữ chân khách đang thuê, tôi phải giảm giá mỗi phòng 300.000 đồng/tháng. Ngoài ra, để tăng khách thuê mới, tôi chấp nhận giảm giá 30% trong tháng đầu tiên và giảm 50% phí dịch vụ tới khi dịch bệnh ổn định”.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Sơn, trưởng phòng kinh doanh, công ty môi giới cho thuê tại Hà Nội cho biết, hiện tại đang là thời điểm khó khăn của nhà trọ cho thuê. Thậm chí, một số chủ nhà chấp nhận tăng chi phí cho môi giới nhưng vẫn không thể tìm được khách thuê trọ.
Anh Sơn cho biết thêm, việc ưu đãi cho người thuê mới cũng chỉ là kế sách ngắn hạn của các chủ nhà, còn về lâu dài bền vững chỉ có cách chờ dịch bệnh qua đi, khi đó sinh viên, người lao động tiếp tục quay trở lại hoạt động bình thường.
Một chuyên gia tài chính nhận định, thời điểm này, nếu những người đầu tư căn hộ, nhà trọ cho thuê bằng vốn tự có dù thất thu cũng đỡ lo vì nhà cửa vẫn còn đó, giá trị tài sản vẫn tăng lên theo thời gian. Chỉ cần cầm cự, sau khi dịch bệnh qua đi, chắc chắn tình hình kinh doanh sẽ cải thiện. Còn những người đi vay ngân hàng sẽ chịu áp lực rất lớn vì lỗ chồng lỗ, nguy cơ mất cả chì lẫn chài rất cao./.
Nguồn: https://reatimes.vn/nha-tro-cho-thue-voi-gia-re-cung-e-am-khi-dich-benh-quay-tro-20201224000004590.html