Những cái "bắt tay" từ các "ông lớn"
Những năm qua, khi nguồn cung bất động sản cao cấp, hạng sang, trung cấp áp đảo thị trường thì nhà giá bình dân lại "tuyệt chủng" tại các đô thị lớn cũng như dần cạn kiệt tại khu vực vùng ven. Theo các chuyên gia đó là sự bất ổn về mặt xã hội, khi mà nhu cầu nhà cho người thu nhập trung bình – thấp vẫn luôn chiếm tỉ lệ rất lớn trên thị trường địa ốc. Trước bối cảnh nguồn cung phân khúc này hạn hẹp, mới đây. nhiều doanh nghiệp bắt tay hợp tác nhằm phát huy thế mạnh sở trường của mình.
Mới đây, Tập đoàn Novaland đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư, xây dựng Dự án nhà ở xã hội với Tập đoàn Hoàng Quân. Tại lần hợp tác này, Novaland và đối tác sẽ cùng đóng góp tài chính, năng lực, kinh nghiệm, khai thác quỹ đất hiện có của hai bên…
Hai công ty cũng sẽ kết hợp thế mạnh của nhau để hợp tác đầu tư xây dựng và phát triển các dự án tiềm năng tại TP.HCM và các tỉnh thành như Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long… Dự kiến, trong năm nay, với sự nỗ lực cùng nguồn lực của các bên, khoảng 3.000 căn nhà ở xã hội sẽ được bàn giao tại nhiều địa phương.
Theo CEO Novaland Dennis Ng Teck Yow, đây là dịp để các bên phát huy thế mạnh sẵn có, góp phần đưa giấc mơ an cư với giá thành hợp lý đến gần hơn với những người có thu nhập thấp. Lãnh đạo công ty cũng khẳng định tiếp tục xây dựng các dự án hiện hữu như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, các dự án trung tâm TP.HCM... và bàn giao nhà theo từng giai đoạn cho khách hàng.
Hoàng Quân đi đầu trong phát triển nhà ở xã hội ở phía Nam từ hơn chục năm trước. Doanh nghiệp này cũng được mệnh danh là "trùm" của phân khúc nhà ở khó nhằn này với rổ hàng gồm hàng chục nghìn căn - quy mô lớn nhất cả nước
Trong khi đó, Novaland chủ yếu phát triển các dự án thương mại cao cấp, nghỉ dưỡng chưa tham gia vào phân khúc giá rẻ này. Tuy nhiên, tại hội nghị với Thủ tướng về việc phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp trước đây, lãnh đạo Novaland cũng từng tuyên bố sẵn sàng nhận nhiệm vụ phát triển 200.000 căn nhà ở xã hội tại các tỉnh phía Nam, trọng tâm là TP.HCM để góp phần hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra. Động thái mới của Novaland được đưa ra trong bối cảnh việc triển khai các dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM vẫn còn chậm.
Trước đó, thị trường cũng chứng kiến những lần bắt tay hợp tác làm nhà ở vừa túi tiền của các doanh nghiệp tên tuổi khác. Nổi bật phải kể đến liên minh của ông Nguyễn Đình Trung – chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Võ Quốc Thắng – chủ tịch Đồng Tâm Group, ông Mai Hữu Tín – chủ tịch Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành với sáng kiến làm nhà ở dành cho người có nhu cầu phổ thông với giá dự kiến dưới 25 triệu đồng/m2 tại TP.HCM và dưới 20 triệu đồng/m2 tại Long An, Đồng Nai, Bình Dương...
Theo đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cam kết sẽ đầu tư, xây dựng và phát triển những ngôi nhà có chất lượng đảm bảo, giá thành phù hợp với công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp... thông qua việc tối ưu hóa hệ sinh thái của Tập đoàn.
Riêng Đồng Tâm Group và Gỗ Trường Thành sẽ nghiên cứu và cung cấp nguyên vật liệu xây dựng đảm bảo chất lượng với chi phí phù hợp, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng ngôi nhà cho nhu cầu phổ thông.
Đại diện 3 tập đoàn này kỳ vọng, việc mở rộng và thực thi hiệu quả sáng kiến sẽ góp sức vào giải quyết bài toán an sinh xã hội của các địa phương, góp phần giúp những giấc mơ an cư của hàng triệu lao động phổ thông không còn xa vời, đồng thời thúc đẩy phát triển đô thị, hướng đến sự phát triển bền vững chung của cộng đồng - xã hội. Sáng kiến này còn là một phần trong trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, là cơ hội để các doanh nghiệp cùng chia sẻ mục tiêu và tầm nhìn hướng tới sự phát triển bền vững chung.
Ngoài ra, một liên minh là "đại gia" trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất vật liệu của ngành xây dựng Vinaconex - Viglacera cũng từng bắt tay hợp tác hướng tới mục tiêu thực hiện thắng lợi, hiệu quả chương trình phát triển nhà ở xã hội do Chính phủ đề ra.
Các dự án nhà ở xã hội do Vinaconex và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công sẽ ưu tiên sử dụng sản phẩm mà Viglacera hoặc các đơn vị thành viên của Tổng công ty này có khả năng cung cấp trên theo nguyên tắc "đảm bảo chất lượng - giá cả cạnh tranh".
Cũng theo nguyên tắc trên, phía Viglacera và các đơn vị thành viên khi thực hiện dự án nhà ở xã hội sẽ sử dụng các sản phẩm của Vinaconex như dịch vụ tư vấn thiết kế ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới; công nghệ sản xuất và lắp dựng cấu kiện bê tông dự ứng lực; sản phẩm bê tông ứng suất trước tiền chế...
Hai doanh nghiệp đều bày tỏ tâm huyết muốn tham gia vào phân khúc thị trường nhà ở xã hội để tạo ra những sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên cả nước.
Đằng sau câu chuyện là xu thế và niềm tin
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang ở chu kỳ sàng lọc, định hướng phát triển bền vững, các doanh nghiệp bất động sản hiểu rằng họ cần chuyển hướng phát triển sản phẩm gắn với nhu cầu thực để tự cứu mình, sẵn sàng bắt tay hợp tác cùng phát huy thế mạnh để cùng phát triển, giúp thị trường "ấm" dần và người thu nhập thấp có thêm cơ hội an cư.
Liệu sự kết hợp mà các chuyên gia gọi là "môn đăng hộ đối" này có tạo nên dấu ấn mới cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ?
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho hay, các "ông lớn" ở các lĩnh vực khác nhau hoặc chung ở lĩnh vực bất động sản khi bắt tay hợp tác làm nhà ở xã hội sẽ đem đến nhiều thuận lợi. Đó là mỗi doanh nghiệp có thể phát huy thế mạnh về quỹ đất, vốn, năng lực phát triển dự án, vật liệu…nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Sự hợp tác không chỉ đơn thuần là sự liên kết cùng phát triển dự án có giá trị lớn cho xã hội, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà ở đây còn là sự liên kết của các thương hiệu có uy tín và vị thế trên thị trường.
Theo ông Điệp, khi đại gia bất động sản chuyên làm sản phẩm cao cấp chuyển hướng cùng làm nhà ở xã hội nghĩa là niềm tin về chốn an cư chất lượng của người dân sẽ tăng lên. Đồng nghĩa, thị trường bất động sản cũng tin rằng, phân khúc nhà ở giá rẻ đã biến mất trên thị trường bất động sản sẽ được "hồi sinh" trở lại khi các đại gia vào cuộc, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cũng sẽ có thêm hi vọng sớm thành hiện thực.
"Các doanh nghiệp phát triển bất động sản cao cấp nhiều năm trên thị trường sẽ không mấy khó khăn để các họ xây nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, vấn đề khơi thông cho phân khúc này vẫn là cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp như quỹ đất, vốn vay...", ông Điệp cho hay.
Ông Điệp cũng tin rằng, khi xu thế các doanh nghiệp lớn cùng bắt tay làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội thì cơ chế cho phân khúc này sẽ "thông thoáng" hơn, để loại hình này thực sự hiện thực hóa như mục tiêu của Chính phủ đề ra thay vì để người dân trông ngóng nhiều năm qua.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thống kê từ Hiệp hội cho thấy trong hơn 30 năm qua có đến hơn 15 doanh nghiệp bất động sản TP.HCM chủ động tự thỏa thuận "mua đất" để xây nhà xã hội. Gần đây, có hàng loạt doanh nghiệp lớn đã đăng ký tổng hơn 1,5 triệu căn hộ để đóng góp vào đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà xã hội đến năm 2030. Điều đó cho thấy, nếu doanh nghiệp không mặn mà với nhà ở xã hội thì không thể đăng ký đến hàng nghìn căn hộ. Đặc biệt, nhiều ông lớn chuyên làm sản phẩm cao cấp, và ông lớn từ các lĩnh vực khác đang tham gia đã giúp phân khúc này có sự sôi động hơn.
Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, để cuộc đua phát triển nhà ở xã hội có hiệu quả và bền vững, cần đảm bảo hai yếu tố mấu chốt là quỹ đất và nguồn vốn ưu đãi. Về quỹ đất, Luật Nhà ở 2023 đã quy định UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất xây nhà xã hội, gồm cả quỹ đất phát triển dự án độc lập. Điều này giúp hình thành các khu nhà xã hội độc lập quy mô lớn, có đủ dịch vụ, tiện ích đô thị.
Về nguồn vốn ưu đãi, Chủ tịch HOREA cho rằng, đây là vấn đề then chốt. Do đó, Bộ Xây dựng cần kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội bố trí chi ngân sách nhà nước trung hạn 2021- 2225 và 2026 - 2030 có nguồn vốn tái cấp vốn, bù lãi suất, để người mua vay với lãi suất 4,8% thời hạn vay 25 năm. Chủ đầu tư được vay với lãi suất 4,8 - 5% trong thời hạn 5 năm.
Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ông Châu cho rằng, bản chất gói vay này cho vay thương mại, lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất vay thông thường. Gói này rất có lợi người mua cải tạo chung cư nhưng với người mua nhà ở xã hội mà 6 tháng điều chỉnh một lần nên bà con không yên tâm. Trong khi chủ đầu tư chỉ được vay 3 năm và điều chỉnh 6 tháng 1 lần. Từ đó, ông Châu đề nghị đối tượng người mua thương mại từ 3 tỷ đồng trở xuống được tiếp cận. Đồng thời, cho chủ nhà trọ được tiếp cận gói 125.000 tỷ đồng này để xây nhà, sửa nhà.
Ngoài ra, hiện nay, nhà ở xã hội đi vay không được thế chấp dự án mà phải thế chấp dự án khác nên đây là bất cập cần xử lý. Theo đó, ông Châu đề nghị cho phép thế chấp chính dự án nhà ở xã hội này.
Bên cạnh đó, ông Châu kiến nghị tăng thêm ưu đãi với chủ đầu tư dự án. "Hiện, quy định lợi nhuận 10% trong khi có nhiều chi phí không tên. Mức lợi nhuận này chủ đầu tư hòa vốn là tốt rồi. Chủ đầu tư làm vì cái tâm. Làm sao nâng lên lợi nhuận 15%", ông Châu cho hay.
Cùng với đó, ông Lê Hoàng Châu cũng kiến nghị bổ sung giảm 50% thuế VAT, TNDN với căn hộ để bán, thuê mua; giảm 70% với căn hộ cho thuê mới khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng. Hiện, thế hệ gen Z đang lựa chọn thuê thay vì mua nhà ở.
Nguồn: https://reatimes.vn/nhieu-doanh-nghiep-chuyen-huong-bat-tay-lam-nha-o-cho-nguoi-thu-nhap-thap-202240530155724656.htm