1. Mặc dù triết gia Masanobu Fukuoka với “Cuộc cách mạng một cọng rơm” nổi tiếng lừng lẫy thế giới (ít nhất là với nhiều độc giả Việt Nam - những người ủng hộ canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên và mê mẩn với nông sản organic), nhưng chúng ta sẽ bắt đầu với câu chuyện của một lão nông Nhật Bản ít nổi tiếng hơn: Akinori Kimura.
Là người trồng táo, Kimura loay hoay nhiều năm với bài toán Bón phân - Phun thuốc - Sâu bệnh - Sản lượng thấp (hoặc sản lượng cao nhưng giá thấp). Mùa nối mùa, sâu bệnh ngày càng kháng thuốc dữ dội, lượng thuốc phải tăng lên ngày càng cao, và nông sản cứ ngày càng xuống giá.
Kimura rơi vào cảnh nợ nần, tuyệt vọng, ông quyết định lên núi tự vẫn. Nhưng cái cành cây mà ông quàng sợi dây thừng vào lại của một cây táo mọc hoang. Chặc lưỡi hái một quả ăn thử, Kimura thảng thốt nhận ra đó là quả táo ngon nhất mà mình từng ăn trong đời.
Vậy là ông xuống núi, suy ngẫm vì sao một cây táo dại lại cho quả ngon hơn hẳn những cây táo được chăm bón phun thuốc hóa chất. Kimura cho rằng, đó là cái ngon nguyên sơ (cho đến lúc đó, lão nông này chưa hề biết đến khái niệm organic), ông quyết định ngừng phun thuốc, để mặc cây táo tự sinh tồn.
Mất 6 năm cho cuộc thử nghiệm liều lĩnh đó. Những cây táo héo rũ, không ra quả, thậm chí chết hàng loạt. Gia đình Kimura lâm vào cảnh khốn cùng, nhưng ông vẫn không bỏ vườn táo của mình. Ông lên núi, nghiên cứu kỹ sinh thái dưới gốc những cây táo dại, nhận ra rằng không những không cần phun thuốc hay bón phân, mà còn không cần nhổ cỏ và tỉa cành. Thổ nhưỡng vùng Aomori nơi ông sống vốn là thiên đường của cây táo rồi (cho đến nay vẫn là vùng trồng táo ngon nhất Nhật Bản).
Cuối cùng, ở mùa thứ 6, những cây táo của Kimura ra hoa, đậu quả sai trĩu trịt. Và những quả táo ấy không chỉ thơm ngon, chúng còn không bị sâu bệnh. Trong điều kiện bảo quản bình thường (không cần bảo ôn), những quả táo từ vườn của Akinori Kimura có thể để tới hàng năm trời. Sau đó, chúng chỉ khô lại, chứ không hề hư thối.
2. Chuyện là như vậy, nhưng nhân rộng trên thực tế không hề đơn giản, thậm chí là “tự sát”. Cuộc cách mạng cọng rơm mà Fukuoka khởi xướng, với những nông dân hưởng ứng thành công như Akinori Kimura hay Takao Furuno (lão nông nổi tiếng với phương pháp canh tác Aigamo, trồng lúa - nuôi vịt, cá - thả bèo hoa dâu), rốt cuộc vẫn không thể là hình mẫu canh tác cho toàn bộ nông dân Nhật Bản. Nhưng họ đã làm được một việc quan trọng, đó là khiến người nông dân biết yêu thiên nhiên, yêu cây trái do tay mình trồng nên. Đó cũng chính là thuận tự nhiên.
Trái với suy đoán của nhiều người, nền nông nghiệp hữu cơ của Nhật Bản không hề lớn, chỉ chiếm chưa tới 1% tổng diện tích đất nông nghiệp của quốc gia này. Triệt để ngành nông nghiệp (từ chỗ 80% dân số phục vụ ngành nông nghiệp thì nay chỉ còn 3%, máy móc đã thay thế con người), Nhật Bản quản lý nghiêm ngặt từ canh tác đến đầu ra nông sản bằng hệ thống JAS (Japanese Agricultural Standards - tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản).
Trong đó, chuỗi cung ứng lạnh nông sản bằng công nghệ CAS (Cell Alived System) được xem là ưu việt nhất thế giới (nhiều địa phương ở Việt Nam những năm qua đã tìm cách tiếp cận và được chuyển giao công nghệ này). Người nông dân chỉ việc trồng, lựa ra những nông sản ngon nhất, và dù chính vụ hay trái vụ thì hệ thống cung ứng lạnh luôn đảm bảo giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng được mùa - mất giá (hay thương lái Việt Nam hay gọi là dội chợ).
Chứng kiến người nông dân Việt Nam phải đổ thanh long cho bò ăn, để dưa hấu vỡ toác trên ruộng, đổ vải thiều xuống sông, hay ủ phân xanh bằng bắp cải, su hào, củ cải… Sự xót xa không chỉ là công là của, mà hơn hết là câu hỏi: Phải làm như vậy, rồi người ta còn có thể yêu cây trái tay mình trồng ra không?
3. Phải biết yêu đồ ăn trên bàn ăn, như thế mới biết quý trọng nông sản. Gordon Ramsay - đầu bếp nổi tiếng thế giới - khi đến Việt Nam đã đúc rút rằng: “Xứ này ẩm thực tất nhiên phải ngon thôi, vì thực phẩm của họ quá tươi, quá phong phú”.
Ramsay đã không hề nói về giá. Trong suốt 1 tuần lễ chạy từ Bắc chí Nam, nếm thử, đi chợ và thử nấu nướng theo cách của người Việt, đầu bếp giàu có này không một lần đề cập đến giá. Với ông, chất lượng nông sản mới là mối quan tâm hàng đầu, là tìm kiếm tình yêu từ đồng ruộng và đưa tới bàn ăn.
Những phong trào giải cứu nông sản liên miên bất tuyệt, mùa nào giải cứu thứ đó. Và thứ đọng lại trong tâm khảm của người mua lẫn người bán, là giá. Một nghìn một cân su hào. Mười lăm nghìn một yến bắp cải. Hai mươi nghìn mười cân cà chua.
Khi mà giá trị nông sản được nhìn nhận thiên lệch chỉ về giá tiền, thì giá trị dinh dưỡng, cái ngon ngọt của chúng bị rớt xuống hàng thứ yếu. Người bán sẽ quẳng vào túi những cây bắp cải đầy lá già, những củ su hào nứt toác, những củ cải trắng để lớn quá độ đến mức bở tung ra. Còn người mua, xách túi rau về để khoe rằng mình mua được rẻ, rằng mình tham gia “giải cứu”, rồi tìm mọi cách tống khứ cho người quen vì ăn không hết, mà cũng chẳng mấy ngon.
Từ tâm thế ấy, phát sinh sự nghi kỵ nhau, rằng có thật là người ta giải cứu nông sản không. Cũng như phát sinh một sự coi rẻ nông sản khi vào vụ, rẻ rúng ê hề.
4. Hãy cầm quả vải trên tay, bóc thật khéo lớp vỏ, rồi đưa lên mũi ngửi mùi hương thơm mát, sau đó mới đưa vào miệng, cắn ngập răng để nước vải chảy tràn trên vị giác, cảm nhận rằng mình đang được thưởng thức một trong những loại trái cây ngon nhất trên thế giới này.
Đó không phải là miêu tả một đoạn quảng cáo, mà là cách để thưởng thức trân trọng quả vải. Hay quả mận hậu. Rồi sắp tới là nhãn lồng. Là thanh long. Là xoài cát. Là cam sành. Đừng nghĩ đến giá của nó, hãy yêu thứ quả mình đang cầm trên tay, và thưởng thức với tất cả niềm tự hào và hạnh phúc của một người sinh sống nơi đất nước nhiệt đới hoa trái 4 mùa. Và cũng đừng vội kết luận rằng hoa quả nhiều quá, khi mà Việt Nam là thị trường nhập khẩu hoa quả lớn thứ 9 của Hoa Kỳ, và hàng tháng chúng ta vẫn chi hàng trăm triệu đô la cho hoa quả nhập khẩu.
Cuộc cách mạng cọng rơm, không phải để kéo lùi nền nông nghiệp hiện đại. Mà để nhắc con người rằng, trước tiên cần yêu nông sản của quê hương mình.
Nguồn: https://ngaynay.vn/truoc-tien-can-phai-yeu-post108657.html?fbclid=IwAR31ausbJLdOtMl_CCXGdGNUCS9PkF7Z1vQtC6nfPIa7zi-fiseGHZ0u_ps