Nhóm nhà đầu tư châu Á dẫn đầu dòng vốn ngoại

Thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá tương đối nổi bật trong khu vực Đông Nam Á. Ưu thế này được cộng hưởng nhờ sự ổn định về chính trị và tốc độ phát triển ấn tượng về kinh tế.

Ngoài ra, số lượng dân số lên tới 100 triệu người và chưa phải đối diện với giai đoạn già hóa nghiêm trọng cũng là một điểm cộng, cho thấy tệp khách hàng tiềm năng vẫn còn rất lớn.

Đáng chú ý, dù sở hữu nhiều lợi thế nhưng giá bất động sản Việt Nam hiện vẫn chưa chạm đỉnh. Chính vì vậy, trong nhiều năm nay, Việt Nam luôn lọt vào "mắt xanh" của hàng loạt nhà đầu tư từ khắp các khu vực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 35 năm qua, khoảng 66,4 tỷ USD vốn ngoại đã đổ vào hơn 1.100 dự án bất động sản tại Việt Nam. Trong đó, nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc là những nhà đầu tư "mạnh tay" nhất.

Nguyên nhân khiến các nước này ưu tiên dòng vốn đổ vào Việt Nam là do vị trí địa lý tương đối thuận tiện, dễ di chuyển, cùng với đó là văn hóa có nhiều điểm tương đồng.

Báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho thấy, nhóm nhà đầu tư Châu Á và Trung Đông gồm Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Malaysia đang là nhóm nhà đầu tư quan tâm nhiều đến thị trường bất động sản Việt Nam. Ngoài phân khúc bất động sản công nghiệp và nhà ở, nhóm nhà đầu tư này còn quan tâm bất động sản thương mại văn phòng và du lịch nghỉ dưỡng.

Bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư VARS nhận định, xu hướng đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí càng ngày càng tăng cao. Có được điều này là do Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế từ chính trị đến kinh tế, con người.

Trong đó, việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng thời gian gần đây là yếu tố quan trọng nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư ngoại về một thị trường an toàn, lành mạnh và minh bạch. Yếu tố về hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, đầu tư công được đẩy mạnh cũng tạo ra cơ sở hạ tầng tốt để thu hút lượng lớn cho dòng vốn FDI đổ về.

"Hoàn toàn có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là bến đỗ cho nhiều "đại bàng" quốc tế trong thời gian tới. Mặc dù, chúng ta vẫn còn một số trở ngại nhưng nhìn chung, cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chủ quan. Việt Nam vẫn phải hoàn thiện hơn nữa về thể chế pháp lý, môi trường đầu tư và hạ tầng giao thông để không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút dòng vốn FDI", bà Miền nhìn nhận.

Trung Quốc là nhà đầu tư "mạnh tay" hơn cả

Theo nhiều đánh giá, Trung Quốc đang dần vượt qua các nhà đầu tư khác để chiếm vị trí top đầu về dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam. Ngay trong quý đầu năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu số dự án đầu tư FDI mới. Cụ thể, Trung Quốc chiếm 27,8% trong số 644 dự án mới được cấp phép trong quý I năm nay.

Năm ngoái, đất nước láng giềng này cũng tăng mạnh vốn đầu tư vào Việt Nam. Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam năm 2023 đạt 4,47 tỷ USD, tăng 1,8 lần so với năm 2022.

Vốn FDI
Năm 20234.47
Năm 20222.5
Năm 20212.92
Năm 20202.46
Năm 2019 2.3

Giới chuyên gia cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chính là nguyên nhân khiến làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc của các tập đoàn lớn ngày càng nhiều hơn. Do đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc nằm trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn này cũng dịch chuyển theo.

Mặt khác, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có nhà máy sản xuất ở Trung Quốc vì thận trọng hơn với chuỗi cung ứng đã tìm kiếm nguồn cung khác ngoài lãnh thổ nước này. Trong làn sóng này, Việt Nam được xem là một điểm đến hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á.

Đơn cử như hồi đầu tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Geleximco và thương hiệu xe năng lượng mới Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) đã ký hợp đồng liên doanh xây nhà máy tại Thái Bình vốn hơn 800 triệu USD, công suất 200.000 xe/năm.

Còn nhà sản xuất xe điện 2 bánh Yadea thì đang gấp rút xây nhà máy thứ 2 tại tỉnh Bắc Giang với công suất 2 triệu xe máy/năm, gấp 4 lần so với nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động năm 2019.

Tập đoàn BOE Bắc Kinh mới đây cũng đã đón giấy chứng nhận đầu tư của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để đầu tư nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh tại khu công nghiệp Phú Mỹ 3. Dự án có tổng đầu tư 277,5 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động năm 2026. Mục tiêu của dự án là lắp ráp và sản xuất ti vi, màn hình có độ phân giải cao dùng cho máy vi tính, linh kiện điện tử và cấu kiện nhựa (dùng trong sản xuất ti vi và màn hình máy vi tính), với quy mô công suất hơn 134 triệu sản phẩm/năm.

Nếu như trước đây, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc tập trung vào các ngành nghề sản xuất, gia công đồ gỗ gia dụng, sắt thép, các sản phẩm giày da, may mặc, chế biến thực phẩm, bao bì nhựa… thì gần đây, xu hướng đầu tư của quốc gia này chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô…

Ông John Campbell - Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Việt Nam nhận định, xu hướng doanh nghiệp Trung Quốc đem các dự án sản xuất sang Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Đặc biệt với lợi thế là nước láng giềng dễ di chuyển và mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước được nâng cấp ngày càng khăng khít sẽ tạo điều kiện rất lớn để doanh nghiệp hai bên hợp tác cùng có lợi.

Theo đó, khi doanh nghiệp Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam, chắc chắn thị trường bất động sản khu công nghiệp trong nước vốn đã sôi động lại thêm sôi động, tỷ lệ hấp thụ và giá thuê KCN, nhà kho… sẽ ngày càng tăng lên. Còn các doanh nghiệp Trung Quốc, họ sẽ tìm được nơi "trú ẩn" an toàn để yên tâm cung cấp các linh kiện, phụ tùng, vật liệu… cho các tập đoàn lớn./.

Theo Reatimes

Nguồn: https://reatimes.vn/nhom-nha-dau-tu-nao-dang-rot-tien-manh-vao-thi-truong-bat-dong-san-viet-nam-202240525162020118.htm