Hơn bao giờ hết, Hà Nội kêu gọi sự vào cuộc của mỗi công dân để chặn dịch Covid-19.
Dịch lan đến đâu, truy vết đến đó
Diễn biến dịch tại Hà Nội bắt đầu phức tạp trở lại sau khi thành phố phát hiện một trường hợp bảo vệ tại Công ty SEI, KCN Thăng Long dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 5/7. Từ đó đến nay, Hà Nội đã ghi nhận thêm gần 1.000 ca Covid-19, đa số là ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng. Đã có nhiều ổ dịch nhỏ lẻ, bùng phát trong cộng đồng liên quan đến Bắc Giang, TP.HCM, Bắc Ninh, thậm chí không xác định được nguồn lây.
Một mối lo khác đã hiện hữu khi dịch xâm nhập vào bệnh viện (BV) với việc ghi nhận hơn 40 trường hợp gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà người bệnh tại BV Phổi Hà Nội. Cùng với đó, dịch xâm nhập vào các KCN như KCN Thăng Long (huyện Đông Anh), KCN Phú Mỹ (huyện Chương Mỹ)… Đây đều là những vị trí phức tạp, tập trung đông người, gây nguy cơ bùng phát dịch cao.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho rằng, trong những ngày tới có thể gia tăng thêm các ca F0 nhưng cơ bản đều là các ca đã được truy vết, cách ly tập trung. Thành phố tiếp tục tăng cường xét nghiệm đối với các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, các đối tượng liên quan đến F0, F1 để sàng lọc nhanh nhất nhằm phát hiện trường hợp dương tính, dập dịch hiệu quả.
Giám đốc Sở Y tế cũng nhận định, do chủng mới nên dịch đợt này phức tạp hơn những đợt trước đây, tốc độ lây lan nhanh hơn. 1 F0 có thể lây ra hàng chục ca nhiễm, điển hình như 3 ca nhiễm ở hiệu thuốc Đức Tâm (95 Láng Hạ, Đống Đa); chùm tại chợ Bùng (Thạch Thất); chùm B6, Trại Găng (Hai Bà Trưng) hết sức phức tạp… đã có hàng chục ca dương tính.
Tuy nhiên, hiện nay dịch vẫn đang trong tầm kiểm soát, tất cả các ca nhiễm đều được điều tra dịch tễ, xử lý theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đến thời điểm này, toàn thành phố truy vết, cách ly hơn 10.000 trường hợp F1, hơn 60.000 F2 (tính từ 29/4 đến ngày 29/7). Hiện toàn thành phố đang quản lý cách ly tập trung gần 7.000 người; 6 BV của thành phố đang điều trị cho gần 500 trường hợp F0.
Những mặt tích cực
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành ở nước ta có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng cũ nhiều lần. Tại Hà Nội, có nhiều bệnh nhân trong cộng đồng không rõ nguồn lây, vì vậy khó truy vết đến tận cùng và bất cứ ai cũng có thể trở thành F0. Đánh giá trước nguy cơ dịch có thể lây lan rộng, bùng phát mạnh trên địa bàn, TP. Hà Nội đã vào cuộc rất khẩn trương.
“Với sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của Hà Nội hiện nay, Thủ đô có khả năng kiểm soát được tình hình dịch Covid-19, nhất là khi thành phố đã áp dụng nghiêm Chỉ thị 17, thậm chí địa bàn nguy cơ cao được áp dụng biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 17” - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Vừa qua, nhiều ổ dịch rất phức tạp nhưng đã được kiểm soát tốt, hạn chế lây lan ra cộng đồng như chùm lây nhiễm liên quan đến chợ Cửa hàng mới Đông Anh, chùm tại Công ty SEI...
“Tôi cho rằng Hà Nội phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ để khoanh vùng dịch tễ, truy vết từng ca bệnh, từng chùm ca bệnh, hạn chế được tối đa sự lây lan. Bên cạnh đó, việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc người có triệu chứng ho, sốt trong cộng đồng hay giãn cách xã hội ngay khi dịch có dấu hiệu lây lan rộng là những việc làm khoa học, quyết liệt để sớm khoanh vùng, dập dịch” - ông Phu nhấn mạnh.
Thực tế, trong thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội kêu gọi tất cả những người khi có dấu hiệu ho, sốt trong cộng đồng khai báo y tế để được xét nghiệm miễn phí đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sàng lọc virus SARS-CoV-2. Nhờ vậy, hàng chục ca nhiễm được phát hiện kịp thời. “Nếu không được sàng lọc, nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng là điều khó tránh khỏi vì hiện nay tốc độ lây lan của virus rất nhanh” - ông Khống Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội nhận định.
Đối với ổ dịch tại Bệnh viện Phổi Hà Nội, đến nay ghi nhận hơn 40 ca mắc, ông Khổng Minh Tuấn cho rằng, nguy cơ rất cao lây ra cộng đồng. Tuy nhiên, sau khi phát hiện trường hợp nhiễm virus, BV đã lập tức phong tỏa, ngành y tế truy vết từng ca bệnh và điều tra dịch tễ kịp thời. Đến nay, tốc độ lây lan đang dần được khống chế.
Hiện toàn thành phố đang thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND theo nguyên tắc: “Khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh”. Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn thực hiện nghiêm Chỉ thị, không để tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”. Các cấp, các ngành đồng loạt tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất, bất ngờ trên toàn địa bàn, trọng tâm là việc chấp hành của người dân đối với quy định “chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết”.
Để thực hiện nghiêm việc “chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết”, tại các quận, huyện trên địa bàn đã có nhiều vận dụng sáng tạo để người dân ý thức, thực hiện hiệu quả Chỉ thị. Điển hình là nhiều xã, phường đã phát phiếu “Đi mua hàng và thực hiện các dịch vụ thiết yếu”; “Phiếu kiểm soát phòng chống dịch Covid-19”; “Thẻ đi chợ”; “Thẻ đi chợ, siêu thị”…
Về mô hình này, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây là việc cần thiết để bảo đảm giãn cách, yêu cầu các quận, huyện, thị xã nghiên cứu triển khai ngay. Bí thư Đinh Tiến Dũng giao ngành công thương nghiên cứu ban hành 1 mẫu phiếu thống nhất áp dụng chung trên toàn thành phố. Đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành bảo đảm duy trì hiệu quả phòng, chống dịch và sẵn sàng chống dịch trong mọi tình huống, kể cả kịch bản xấu hơn.
Tăng cường “vaccine” ý thức
Trong khi cả hệ thống chính trị khẩn trương, quyết liệt để khống chế dịch bệnh; người dân động viên, kêu gọi nhau đồng lòng chống dịch thì đâu đó vẫn còn một bộ phận chưa thật sự nhận thức được tầm nguy hiểm của Covid-19, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ.
Tại Hà Nội, giữa thời điểm toàn thành phố đang giãn cách xã hội, nhiều người vẫn bất chấp lệnh cấm để bán hàng rong, đi tập thể dục, đi ra ngoài không đeo khẩu trang. Khi lực lượng chức năng phát hiện, nhiều người viện đủ lý do, một số xin không được liền chối tội, thậm chí một số đối tượng cãi cọ, chống đối lực lượng chức năng. Không ít các video ghi lại những phản ứng thái quá, lời qua tiếng lại tại các chốt kiểm soát dịch.
Trong lúc lực lượng y tế căng mình truy vết, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân Covid-19, có những người nhiều tháng trời chưa được về nhà dù con ốm, chồng đau, mẹ qua đời, họ đành gạt nước mắt để tiếp tục chiến đấu… thì lại có những kẻ vô ý thức, tiếp tay gieo rắc dịch bệnh. Đã có nhiều người bất chấp dịch bệnh trốn khỏi khu cách ly, trốn khai báo y tế, thậm chí tiếp xúc với F0 vẫn tung tăng đi khắp nơi mọi chốn… Có nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội tung tin giả câu view, gây sốc cho dư luận cùng những phát ngôn phân biệt vùng miền, gây chia rẽ cộng đồng, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và công tác chống dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, ngành Y tế cùng với cả nước đang nỗ lực chống dịch với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Cả hệ thống chính trị đồng lòng vào cuộc, nhưng không thể chiến thắng dịch Covid-19 nếu chính quyền đầy quyết tâm còn người dân thì hờ hững, đứng ngoài cuộc. Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân hãy thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch bằng việc nhận thức đúng, tuân thủ nghiêm qui định của địa phương và khuyến cáo của ngành y tế. Cùng với chiến dịch tiêm chủng vaccine trên toàn quốc thì vaccine ý thức có ý nghĩa cô cùng quan trọng trong trận chiến chống dịch.
"Với sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của Hà Nội hiện nay, Thủ đô có khả năng kiểm soát được tình hình dịch Covid-19, nhất là khi thành phố đã áp dụng nghiêm Chỉ thị 17, thậm chí địa bàn nguy cơ cao được áp dụng biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 17." - PGS.TS Trần Đắc Phu.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nhung-diem-sang-chong-dich-cua-thu-do-ha-noi-429316.html?fbclid=IwAR3D5ME_0nJCLGx-kZWzOgTi3RcxMWwO2dHDfardVrBQjb4Fj4RyPKjhEPo