Ý nghĩa tục xin nước đầu năm

Quan niệm của người Việt trong nông nghiệp là: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nếu trong nhà năm ấy Tết mà thiếu nước phải đi gánh thì năm ấy làm ăn chắc chắn sẽ kém vì mùa màng không đủ nước. Vì vậy, không phải một nhà mà cả làng, cả xã, phải chăm lo gánh nước về cho đủ ba ngày Tết.

Quan niệm nước cũng như muối, mắm, gạo… trong những ngày đầu năm luôn đầy đủ, thì cả năm đó gia đình sẽ thịnh vượng, phát đạt ngày một thêm ra.

Ảnh minh họa.

Gánh nước đầu năm thể hiện mong muốn về một năm mới mưa thuận, gió hoà, làm ăn may mắn. (Ảnh minh họa).

Đối với người Việt quan trọng nhất của những ngày đầu năm mới là vào lúc giao thừa, nước trong nhà phải tràn ngập các bể, các chum, các vại, chậu lớn, chậu nhỏ, gạo phải đong đầy các sạp, các hũ, thức ăn phải dồi dào trong nhà bếp. Không phải chợ không họp, người không bán hàng vào ngày Tết mà là “cần gì, có nấy”. Trong ngày Tết không thể đi mượn của ai, bởi vì ngày Tết người ta sợ rông cả năm.

Nắm bắt tâm lý này, ở nhiều nơi, sau giờ giao thừa những người làm nghề gánh nước thuê đã tự động gánh đến cho mỗi nhà vài thùng nước đầy với ý rằng: “Đem tiền của vào nhà như nước cho gia chủ”.

Đồng thời thêm những câu chúc tụng vui vẻ của người lao động siêng năng, các gia chủ vui vẻ trả tiền công, và thưởng rất hậu hĩnh, có gia đình còn mừng tiền, mừng bánh, cho người gánh nước, ý nói rằng năm sau lại thế.

Có người gánh nước thuê rất được chú ý và mời mọc hẹn hò từ tháng trước đến gánh nước cho gia chủ, vì cô ấy hoặc bà ấy được cho là “hợp mệnh, hợp tuổi” lại gánh nước rất tín nhiệm; nên khi được người ấy gánh nước gia chủ ăn nên làm ra, phát tài, phát lộc.

Mặc dù bây giờ ở nhiều vùng nông thôn đã có giếng khoan, máy bơm, nước sạch dẫn từ nhà máy…, ấy vậy vẫn phải nói trước với mấy cô gái trẻ, đẹp đúng giao thừa gánh cho dăm ba gánh nước, để được các cô chúc cho gia chủ sang năm mới “nhất bản, vạn lợi” nghĩa là làm một việc mà có vạn cái lợi.

Còn các bà hay đi chợ, các cô hàng tạp hoá, các anh chị làm nghề như mổ lợn, bán hoa … thì cũng nhờ các cô, các cậu gánh nước vào lúc giao thừa để được chúc: “Sang năm mới mua may bán đắt, một vốn bốn lời”. 

Nghe vậy gia chủ phấn khởi, cười nói hả hê “lì xì” gấp bội. Thế là các cô gánh nước đem đổ vào bể, vào chum, chảy tràn ra sân, ra ngõ… năm ấy gia chủ làm ăn nhiều điều phát đạt.

Gánh nước – nét đẹp ngày đầu năm

Trước dòng chảy thời gian và những thăng trầm lịch sử, người dân thôn Chấn Đông, xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên vẫn giữ được giếng làng và phong tục độc đáo xin nước đêm giao thừa để cầu tài, cầu lộc khi năm mới đến.

“Đại Hạnh có đồng, Chấn Đông có giếng” là câu thành ngữ ăn sâu vào tiềm thức người dân Chấn Đông với niềm tự hào khi nói về giếng cổ làng mình.

Theo tương truyền, giếng làng Chấn Đông hình thành do quá trình vỡ đê Phi Liệt (Văn Giang) trong 8 năm liền dưới thời vua Tự Đức. Nơi đây là suối nguồn trong mát nuôi lớn bao tâm hồn, mà còn là nơi diễn ra phong tục gánh nước vô cùng linh thiêng trong đêm giao thừa.

Vào đêm giao thừa, nhà nhà, người người mang những chiếc vại nhỏ, quảy trên đôi quang gánh, xếp thành hàng đứng vòng quanh giếng đợi khi tiếng chuông trong miếu vang lên báo hiệu năm cũ đã qua, năm mới đã đến, họ lần lượt xuống giếng lấy nước.

Mặc dù rất đông người, nhưng không ai chen lấn, xô đẩy, và họ cũng kiêng không nói với ai câu nào, chỉ chào nhau bằng ánh mắt, nụ cười.

Quan niệm của người dân Chấn Đông, xin nước phải đúng giao thừa thì mới linh thiêng, khi người xin nước về đến nhà, phải dùng nước đó đổ xung quanh sân nhà với ước vọng năm mới gia đình tài lộc tràn trề như nước.

Xã hội hiện nay có nhiều thay đổi, nhưng với những người con làng Chấn Đông vào đêm giao thừa, ngoài việc chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên thì gia đình nào cũng chuẩn bị một cái ấm, hay mang theo một vật dụng để xin nước giếng làng với mong muốn xin nước lộc đầu năm.

Việc này đã ăn sâu vào tâm thức người dân nơi đây từ cụ cao niên đến các cháu thiếu nhi. Họ đến đây, trước là cầu thánh, sau là vòng xuống giếng múc một ít nước với mong muốn một năm mới mọi sự tốt lành, cầu cho mưa thuận, gió hòa, làm ăn thuận lợi, con cháu mạnh khỏe, học hành thành đạt. 

Đối với làng Tạ Xá (nay là xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội), vào những ngày cuối năm, ngoài việc sửa sang nhà cửa cho đẹp đẽ, trang trí tranh treo Tết, trồng cây nêu, sắm sửa các vật dụng và thực phẩm… cho ngày Tết, thì dân làng còn có tục lệ gánh nước giếng đổ bể đêm giao thừa.

Theo quan niệm của người dân, gánh nước giếng về đúng đêm giao thừa là việc vô cùng quan trọng. Vậy nên thời điểm lúc gần giao thừa số người đi gánh nước giếng càng đông, càng nhộn nhịp, càng nô nức như đi hội.

Mọi nhà đều đồng loạt đi gánh nước về đổ vào bể, nhà chưa có bể thì đổ vào chum, vào vại sao cho đầy. Cả làng có một cái giếng đất, đến lúc đông thì phải chờ nhau, đợi nhau.

Nhiều người có kinh nghiệm thì tranh thủ gánh từ những hôm trước đổ vào bể đến mức gần đầy, đến lúc gần giao thừa thì nhanh chân đi gánh tiếp, nên bể nhanh đầy.

Nhà nào cũng cố gánh sao để đến giờ sang canh thì bể nước nhà mình đầy tràn trề là vừa ý, là vui mừng, thỏa mãn. Bởi vì, theo tục lệ xưa thì bể nước tràn trề đón năm mới là tâm niệm cầu mong năm mới phát đạt, của cải về nhà mình “nhiều như nước”.

Tại các thành phố lớn, nhất là Sài Gòn ở đâu đó chúng ta vẫn thấy những người làm nghề gánh nước thuê. Đó không phải là nghề cao sang, nên nghề gánh nước chủ yếu là gắn bó với những người lao động nghèo.

Tuy vậy, cứ đến Tết, nghề gánh nước mướn được trọng vọng hơn bao giờ hết, vì đó là dịp người ta xài nhiều gấp đôi, gấp ba những ngày thường. Ngoài ra, vì người dân Sài Gòn có tâm lý muốn đầu năm mới được no đủ để cả năm may mắn tốt lành nên cứ vào chiều ba mươi Tết, chủ nhà lại đặt hàng người gánh nước mướn để các lu chứa nước được đầy ăm ắp.

Đặc biệt, sau giờ giao thừa, những người gánh nước mướn còn hào phóng gánh tặng cho chủ nhà vài thùng xem như một lời cầu chúc tốt lành cho năm mới. Đáp lại, chủ nhà cũng vui vẻ trao những bao lì xì đỏ tươi như là một lộc đầu năm cho những người gánh nước tận tụy này. 

Tục gánh nước, xin nước đầu năm của người Việt là nét đẹp văn hoá, cần được lưu giữ và phát huy, vì nó là ý nguyện, là điều mong muốn trong ngày xuân đẹp đẽ, xinh tươi. 

Theo Đức Hiển/Đô Thị Mới